Thứ 7, 23/11/2024, 09:38[GMT+7]

Sức mạnh “40” (tiếp theo và hết) Kỳ 3: Tạo đột phá trong tín dụng chính sách

Thứ 4, 31/07/2024 | 08:58:13
8,142 lượt xem
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã khẳng định đây là chủ trương đúng, phù hợp, thiết thực, mang tính đột phá trong chỉ đạo triển khai thực hiện tín dụng CSXH, nhận được sự đồng tình ủng hộ của các cấp, ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp, hệ thống chính trị toàn tỉnh và Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh cần tiếp tục triển khai tích cực các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.

Gia đình ông Vũ Văn Hiển, thôn Đông An, xã Tự Tân (Vũ Thư) phát triển nghề mộc từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ.

Nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục 

Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đông Hưng là một trong những đơn vị triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/ TW. Chỉ trong 10 năm thực hiện Chỉ thị, trên địa bàn huyện đã có gần 52.000 lượt người nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi của Chính phủ với tổng doanh số cho vay đạt hơn 1.400 tỷ đồng. Đến ngày 30/4/2024, tổng dư nợ cho vay ưu đãi trên địa bàn huyện đạt 594,3 tỷ đồng, tăng gấp 2,19 lần so với năm 2014 với 12.723 người nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn. Toàn huyện hiện có 25/38 xã, thị trấn không có nợ quá hạn, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,09% tổng dư nợ. 

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho biết: Mặc dù những kết quả đạt được là rất tích cực song quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/ TW ở huyện Đông Hưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Chất lượng tín dụng tuy đã được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu ở mức tương đối thấp nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; việc xử lý nợ xấu có nhiều khó khăn đối với trường hợp hộ vay không còn ở địa phương do đi làm ăn xa hoặc chuyển nơi cư trú. Bên cạnh đó, những năm gần đây, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều cụm công nghiệp, nhu cầu vay vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm rất lớn và đang trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, nguồn vốn trung ương và nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH còn thấp, trong khi đó nguồn vốn huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân chưa nhiều nên chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân. 

Cùng với Đông Hưng, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ở các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng tồn tại một số hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ tại một số đơn vị chưa được thường xuyên dẫn đến một bộ phận người dân chưa nắm bắt kịp thời để tổ chức thực hiện; công tác kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay của các đoàn thể nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; công tác phối hợp giữa các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm với hoạt động tín dụng chính sách có lúc, có nơi gắn kết chưa chặt chẽ, dẫn đến một bộ phận người nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn vay hiệu quả chưa cao...

Tạo sức mạnh tổng hợp 

Ông Phạm Bá Yêm, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh khẳng định: Sau 10 năm Chỉ thị số 40- CT/TW đi vào thực tiễn đã góp phần tạo nguồn lực rất lớn cho tín dụng chính sách. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ngày càng cao, số lượt người nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ngày càng nhiều, chất lượng tín dụng được nâng cao. Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ, cuộc sống của nhiều hộ nghèo, gia đình thuộc diện chính sách trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng cao, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo theo hướng bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy công cuộc phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Tuy nhiên, từ thực tiễn những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW thời gian qua cũng như bối cảnh hiện nay đó là Thái Bình đang đẩy nhanh công cuộc phát triển, phấn đấu đến năm 2045 trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng đòi hỏi việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW cũng như các chương trình tín dụng CSXH trên địa bàn trong thời gian tới cần có những bước chuyển mới nhằm tạo sức mạnh tổng hợp phát huy vai trò, hiệu quả của tín dụng CSXH theo tinh thần Chỉ thị số 40-CT/TW đã đề ra. Cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc các nội dung của Chỉ thị số 40-CT/TW, coi Chỉ thị như kim chỉ nam của hoạt động tín dụng CSXH, trên cơ sở đó không ngừng nâng cao nhận thức và hành động, quyết tâm, quyết liệt tổ chức thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ Chỉ thị số 40-CT/TW đã đề ra; tiếp tục ưu tiên, cân đối ngân sách địa phương để ủy thác qua Ngân hàng CSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, phấn đấu đến năm 2030 nguồn vốn ủy thác đầu tư từ ngân sách địa phương chiếm 15% tổng nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tiếp tục phát huy vai trò trong thực hiện tín dụng CSXH, bảo đảm quản lý tốt nguồn vốn nhận ủy thác, chú trọng làm tốt công tác nhận diện, xác nhận đối tượng vay vốn, kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay có hiệu quả; lồng ghép với các chương trình, dự án của các tổ chức chính trị - xã hội, trên cơ sở đó xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo... 

Nông dân xã Đông Hoàng (Tiền Hải) phát triển mô hình nuôi dê từ vốn vay ưu đãi của Chính phủ.

Với những giải pháp đồng bộ và quyết liệt cùng sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và người dân, tin rằng việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công, tạo động lực để người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên, cải thiện cuộc sống, góp phần xây dựng và phát triển quê hương giàu đẹp, văn minh.


Minh Hương