Thứ 3, 01/10/2024, 18:32[GMT+7]

Khách vay thiệt hại vì bão Yagi có thể được gia hạn nợ tối đa 1 năm

Thứ 3, 01/10/2024 | 15:43:07
218 lượt xem
Ngân hàng Nhà nước dự kiến cho phép các ngân hàng được cơ cấu hạn trả nợ tối đa 1 năm với khách vay bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.

Ảnh minh họa.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3.

Theo dự thảo, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Để được cơ cấu nợ khách hàng phải đáp ứng một số quy định.

Cụ thể, khách hàng chịu thiệt hại từ bão số 3 có dư nợ gốc phát sinh trước ngày 7/9 và từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 7/9/2024 đến hết ngày 31/12/2025.

Số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ của khoản nợ đã quá hạn trên 10 ngày trong khoảng thời gian từ ngày 7/9 đến ngày thông tư này có hiệu lực khi thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu tiên.

Việc xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện từ ngày thông tư có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2025 và không giới hạn về số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Thời điểm trả nợ cuối cùng của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) được xác định phù hợp với mức độ khó khăn của khách hàng nhưng không vượt quá ngày 31/12/2026.

Khách hàng nào sẽ được cơ cấu hạn trả nợ?

Khách hàng được cơ cấu nợ là khách hàng được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá gặp khó khăn không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận thuộc một trong các trường hợp sau: Khách hàng bị ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3; đối tác của khách hàng bị ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 nên không thực hiện được đúng, đầy đủ các cam kết, thỏa thuận đã ký với khách hàng.

Bên cạnh đó, khách hàng cũng phải được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.

Đáng chú ý, quy định trên loại trừ trường hợp khách hàng bị ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 và đang cần có thời gian để ổn định đời sống, xây dựng, tìm kiếm phương án khôi phục sản xuất, kinh doanh. Việc xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với trường hợp này được thực hiện trong 3 tháng đầu tiên kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực và thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ không quá 1 năm kể từ ngày được cơ cấu.

TCTD không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.

Việc xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện từ ngày thông tư có hiệu lực đến hết 31/12/2025 và không giới hạn về số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Thời điểm trả nợ cuối cùng của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) không vượt quá ngày 31/12/2026.

Dự thảo quy định khách hàng chịu ảnh hưởng của báo số 3 tại 26 địa phương sau thuộc diện hưởng cơ chế này bao gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hoà Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa.

Thời gian qua, 32 ngân hàng cũng đã công bố giảm 0,5-2% lãi suất cho cá nhân và hộ kinh doanh vay vốn chịu thiệt hại vì bão Yagi với tổng giá trị 405.000 tỷ đồng.

Tại hội nghị mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, cho biết theo đánh giá của các nhà băng, đến ngày 25/9, dư nợ bị ảnh hưởng của bão số 3 tại tất cả tỉnh thành lên tới 165.000 tỷ đồng. Số khách hàng chịu ảnh hưởng là hơn 94.000.

Bão Yagi, mưa lũ và sạt lở tại các tỉnh, thành phía Bắc gây thiệt hại về người, tài sản. Tổn thất sau bão cho các địa phương lên tới hơn 81.500 tỷ đồng và năm nay GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản trước đó. Trong đó, Quảng Ninh thống kê thiệt hại 25.000 tỷ đồng; Hải Phòng 12.300 tỷ đồng.

Theo vtv.vn