Thứ 4, 13/11/2024, 05:26[GMT+7]

Khó khăn trong giải ngân gói tín dụng 140.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội

Thứ 6, 18/10/2024 | 08:52:50
1,906 lượt xem
Sau hơn 1 năm triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng (đến nay đã nâng quy mô lên 140.000 tỷ đồng) cho vay nhà ở xã hội (NƠXH) theo Nghị quyết số 33/ NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, mặc dù ngành ngân hàng đã tích cực triển khai thực hiện nhưng đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có khách hàng vay vốn theo chương trình này.

MB là 1 trong 8 ngân hàng tham gia gói tín dụng 140.000 tỷ đồng với quy mô 5.000 tỷ đồng. Trong ảnh: Hoạt động giao dịch ở MB Chi nhánh Thái Bình.

Khi bắt đầu triển khai, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được 4 ngân hàng thương mại nhà nước tham gia thực hiện, mỗi ngân hàng 30.000 tỷ đồng gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Sau đó, có thêm 4 ngân hàng TMCP cũng đăng ký tham gia gói tín dụng gồm: Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng 5.000 tỷ đồng, từ đó nâng tổng số ngân hàng thương mại tham gia lên 8 ngân hàng với quy mô 140.000 tỷ đồng.

Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, NHNN Chi nhánh tỉnh đã tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời Nghị quyết số 33/NQ-CP và các văn bản hướng dẫn hoạt động tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản trong toàn ngành; ban hành các công văn yêu cầu các ngân hàng tham gia chương trình trên địa bàn tỉnh quán triệt, triển khai Nghị quyết số 33/ NQ-CP tới cán bộ, nhân viên trong đơn vị, tạo sự thống nhất về nhận thức trong triển khai thực hiện chương trình; chủ động bố trí nguồn vốn, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện chương trình; tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng tuyên truyền các nội dung cơ bản của chương trình như: đối tượng vay vốn, nguyên tắc cho vay, thời gian triển khai, thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay... để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn nắm bắt và thụ hưởng chính sách. Ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Thái Bình cho biết: Trên cơ sở chương trình cho vay NƠXH với quy mô 30.000 tỷ đồng, Agribank Chi nhánh tỉnh Thái Bình đã phân công cán bộ phụ trách tiếp cận chủ đầu tư dự án được tỉnh phê duyệt tham gia chương trình cũng như khách hàng cá nhân là người mua nhà ở tại dự án từ đó tuyên truyền để doanh nghiệp và người mua nhà nắm rõ về chính sách tín dụng và hồ sơ, thủ tục vay vốn ngân hàng.

Mặc dù đã triển khai rất tích cực nhưng đến nay trên địa bàn tỉnh, gói tín dụng 140.000 tỷ đồng cho vay NƠXH vẫn chưa được giải ngân. Ông Phạm Bá Yêm, Phó Giám đốc phụ trách NHNN Chi nhánh tỉnh cho biết: Một trong những khó khăn lớn nhất đó là do nguồn cung NƠXH trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 dự án NƠXH, trong đó dự án phát triển NƠXH thuộc khu đất quy hoạch khu dân cư xã Phú Xuân (thành phố Thái Bình) và công trình NƠXH thuộc dự án phát triển nhà ở khu phố mới Riverside xã Vũ Quý - Vũ Trung (Kiến Xương) đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt tham gia chương trình. Hiện tại, 2 dự án đang được các ngân hàng thương mại tiếp cận, nắm bắt nhu cầu và hướng dẫn hồ sơ, thủ tục vay vốn. Đối với dự án NƠXH thuộc khu C dự án khu dân cư xã Vũ Phúc (thành phố Thái Bình), mặc dù đã được UBND tỉnh phê duyệt tham gia chương trình nhưng chủ đầu tư đã vay vốn ngân hàng trước khi gói tín dụng 140.000 tỷ đồng được triển khai. Còn đối với khách hàng cá nhân mua NƠXH, hầu hết đều không mặn mà với gói tín dụng 140.000 tỷ đồng bởi ngoài thủ tục rườm rà, phức tạp, thời gian ưu đãi ngắn, chỉ được 5 năm kể từ ngày giải ngân thì mức hỗ trợ lãi suất cũng không giảm đáng kể so với lãi suất cho vay thông thường, hiện ở mức 7%/năm đối với chủ đầu tư và 6,5%/năm đối với khách hàng là người mua nhà tại dự án.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nên để chương trình thực sự đạt được hiệu quả như kỳ vọng cần có sự nỗ lực của cả chính quyền, các ngân hàng, doanh nghiệp và người dân. Ông Phạm Bá Yêm, Phó Giám đốc phụ trách NHNN Chi nhánh tỉnh cho biết thêm: NHNN Chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động, tích cực đẩy mạnh các giải pháp để giải ngân gói tín dụng 140.000 tỷ đồng cho vay NƠXH; rà soát, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng tạo điều kiện thuận lợi giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, tiết giảm chi phí để tạo dư địa giảm lãi suất cho vay theo chương trình; rà soát, báo cáo các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ kịp thời; theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai chương trình để đề xuất sửa đổi cho phù hợp với thực tế...

Hoạt động giao dịch ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh tỉnh Thái Bình.

Minh Hương