Thứ 6, 15/11/2024, 13:21[GMT+7]

Quản lý tài chính trường học ở Đông Hưng cần công khai, minh bạch để chống lạm thu

Thứ 2, 15/05/2017 | 09:24:32
2,758 lượt xem
Thời gian qua, việc thu, chi chưa đúng quy định tại một số trường học đã trở thành chủ đề nóng mà nhiều cử tri và nhân dân quan tâm, bức xúc, kiến nghị. Do vậy, Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Đông Hưng đã tổ chức giám sát chuyên đề về công tác quản lý tài chính tại một số trường học trên địa bàn huyện để có giải pháp chấn chỉnh kịp thời.

Giờ học ngoài trời của cô và trò Trường Mầm non Đông Dương.

Đông Hưng có 44 trường mầm non, 44 trường tiểu học, 34 trường THCS, 44 trung tâm học tập cộng đồng. 

Đồng chí Đặng Ngọc Tân, Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện cho biết: Qua giám sát và khảo sát thực tế tại một số trường học, báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo, việc thực hiện quy định các khoản thu, mức thu và quản lý, sử dụng trong các cơ sở giáo dục công lập đã được các trường thực hiện theo nguyên tắc quản lý ngân sách và các quy định hiện hành của Nhà nước. Các khoản thu được sự thống nhất của phụ huynh, sự chấp nhận của chính quyền địa phương, mức thu không vượt quá trần quy định. Hiệu trưởng các trường đã thống kê chi tiết bằng văn bản và thực hiện công khai theo quy định. Các trường thu các khoản theo Quyết định số 2814 của UBND tỉnh quy định các khoản thu, mức thu và quản lý, sử dụng trong các cơ sở giáo dục công lập, gồm: các khoản thu theo quy định (học phí, lệ phí thi nghề phổ thông), các khoản thu, chi hộ (tiền phục vụ bán trú với cấp học mầm non, thu bảo hiểm y tế) và 7 khoản thu thỏa thuận. Các trường cũng đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quá trình thực hiện có sự kiểm tra, giám sát của ban thanh tra nhân dân nhà trường. 

Cô giáo Nhâm Minh Tứ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Hoàng cho biết: Hàng năm, ngay sau khi nhận được quyết định giao dự toán thu, chi và hướng dẫn lập dự toán ngân sách của Phòng Giáo dục và Đào tạo, nhà trường tiến hành xây dựng dự toán thu, chi đúng hướng dẫn, đúng nhiệm vụ, bảo đảm dân chủ, công khai, đúng luật; thực hiện nghiêm túc các khoản thu thỏa thuận theo Quyết định số 2814 của UBND tỉnh và quy trình thu thỏa thuận của Phòng Giáo dục và Đào tạo nên phụ huynh rất yên tâm.

Vấn đề nằm ở chỗ, các trường tuy đã xây dựng được quy chế chi tiêu nội bộ song quy chế của một số trường còn có nhiều nội dung bổ sung, điều chỉnh hàng năm; chưa thực hiện đầy đủ các quy định của nhà nước về thực hiện các bước quy trình thu thỏa thuận như văn bản trình chính quyền địa phương thường chỉ có khoản thu, không có khoản chi; báo cáo quyết toán, công khai tài chính chưa thể hiện hết phần thu, chi từ nguồn xã hội hóa… Đặc biệt, vẫn còn tình trạng nhờ giáo viên chủ nhiệm lớp lập phiếu thu và trực tiếp thu một số khoản thu như quỹ phụ huynh, bảo hiểm y tế, quỹ đội… nên dễ gây hiểu nhầm trong phụ huynh học sinh. 

Theo ông Phí Trọng Quang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập trên chủ yếu là do quy mô lớp học ở một số cơ sở giáo dục chưa đồng đều (nơi đông, nơi ít học sinh) ảnh hưởng đến cơ cấu chi ngân sách. Một số nơi, cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo và phối hợp huy động các nguồn lực xã hội hóa cho giáo dục; mối quan hệ nhà trường, gia đình, xã hội ở một số nơi chưa chặt chẽ, chưa phát huy hiệu quả. Đặc biệt, công tác quản lý tài chính của một số hiệu trưởng, đồng thời là chủ tài khoản còn hạn chế; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của kế toán chưa đáp ứng yêu cầu.

Để công tác quản lý tài chính trong lĩnh vực giáo dục luôn minh bạch, hiệu quả, đúng luật, tránh lạm thu, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường tổ chức hoạt động nuôi, dạy đạt chất lượng cao, hầu hết các trường đều kiến nghị điều chỉnh, cân đối một số khoản thu cho phù hợp với điều kiện thực tế; HĐND huyện ban hành nghị quyết chuyên đề quy định chính sách tài chính riêng cho các trường THCS chất lượng cao và các trường THCS liên xã. Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện cũng thống nhất với quan điểm của các trường, đồng thời kiến nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo, các địa phương, các trường làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật quy định về thu, chi các khoản đóng góp tới các đối tượng liên quan; có giải pháp khắc phục kịp thời những hạn chế, tồn tại, tổ chức thu, quản lý và sử dụng các khoản thu đúng nguyên tắc: đúng mục đích, công khai, quyết toán đúng quy định của pháp luật. Các ngành liên quan tiếp tục hướng dẫn các trường thực hiện thu, chi đúng quy định, phát huy hiệu quả; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo, tránh tình trạng lạm thu; kiên quyết xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm trong thu, chi tài chính.

Thu Hiền