Thứ 7, 16/11/2024, 00:51[GMT+7]

Ngành Ngân hàng duy trì tăng trưởng tín dụng

Thứ 6, 10/08/2018 | 08:45:18
1,061 lượt xem
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh đã tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện các giải pháp nhằm duy trì tăng trưởng tín dụng.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay ưu đãi của Chính phủ trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) Chi nhánh Thái Bình là một trong những đơn vị nằm trong tốp đầu hệ thống các TCTD trên địa bàn về tăng trưởng tín dụng ở mức cao. Đến ngày 30/6, tổng dư nợ cho vay của Chi nhánh đạt 7.482,6 tỷ đồng, tăng 12,3% so với thời điểm 31/12/2017, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành 2,1%, trong đó cho vay nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 4,4%, cho vay công nghiệp và xây dựng chiếm 38,98%, cho vay dịch vụ chiếm 56,62%. 

Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Thái Bình cho biết: Có được kết quả đó là do ngay từ đầu năm Chi nhánh luôn ưu tiên cấp vốn tín dụng cho các đối tượng khách hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn đồng thời quan tâm đến nhóm khách hàng vay vốn theo các chương trình trọng điểm của tỉnh như: vay vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55 của Chính phủ, vay vốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, vay vốn nước sạch nông thôn theo Quyết định số 19 của UBND tỉnh... Bên cạnh đó, Chi nhánh còn giao chỉ tiêu tới từng cán bộ, nhân viên, có cơ chế khen thưởng kịp thời cho cán bộ, nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ; xây dựng được mối đoàn kết từ nội bộ ban lãnh đạo đến các phòng chuyên môn nghiệp vụ và các phòng giao dịch; có cơ chế ưu đãi đối với khách hàng mới...

Cùng với Vietinbank Chi nhánh Thái Bình, các TCTD trong toàn ngành cũng tích cực triển khai thực hiện các giải pháp mở rộng đầu tư tín dụng đi đôi với tăng cường quản lý chất lượng tín dụng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong toàn ngành.

 Đến ngày 31/7, tổng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tỉnh ước đạt 69.110 tỷ đồng, tăng 10,2% so với thời điểm 31/12/2017; trong đó, cho vay ngắn hạn chiếm 58%, cho vay trung và dài hạn chiếm 42%. 

Nhiều chương trình trọng tâm, trọng điểm, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được các TCTD tập trung cho vay như: cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (tổng dư nợ 17.400 tỷ đồng với gần 123.000 khách hàng đang vay vốn, tăng 13,2% so với thời điểm 31/12/2017), cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên (tổng dư nợ 9.062 tỷ đồng với hơn 71.000 khách hàng đang vay vốn), cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch (tổng dư nợ gần 11 tỷ đồng với 50 khách hàng đang vay vốn), cho vay hỗ trợ mua máy móc phục vụ sản xuất, giảm tổn thất trong nông nghiệp (tổng dư nợ 38 tỷ đồng với 151 khách hàng đang vay vốn), cho vay tín dụng chính sách (tổng dư nợ 2.750 tỷ đồng với gần 101.000 khách hàng đang vay vốn)...

Không chỉ duy trì tăng trưởng tín dụng, các TCTD trên địa bàn tỉnh còn chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và hộ sản xuất phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Từ đầu năm đến nay, các TCTD trên địa bàn đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 200 khách hàng, miễn, giảm gần 2 tỷ đồng tiền lãi vay cho khách hàng vay vốn. Bên cạnh đó, các TCTD còn điều chỉnh giảm lãi suất tiền vay với dư nợ có mức lãi suất dưới 10% chiếm 73,4% và dư nợ có mức lãi suất trên 10% (chủ yếu là dư nợ trung và dài hạn) chiếm 26,6%. 

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng tín dụng, các TCTD còn chú trọng kiểm soát chất lượng hoạt động tín dụng; thực hiện cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phân loại tín dụng, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo đúng quy định của pháp luật. Đến ngày 31/7, nợ xấu của các TCTD trên địa bàn chiếm 0,95% tổng dư nợ cho vay (không bao gồm dư nợ, nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Chi nhánh tỉnh).

Minh Hương