Thứ 7, 16/11/2024, 09:33[GMT+7]

Khởi sắc đầu tư tín dụng ngân hàng

Thứ 6, 01/02/2019 | 15:35:50
1,519 lượt xem
Năm Mậu Tuất qua đi để lại nhiều khởi sắc trong hoạt động của ngành Ngân hàng, trong đó phải kể đến sự tăng trưởng đột phá của công tác đầu tư tín dụng, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất và cá nhân vay vốn ngân hàng để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nếu như những năm trước đây, những tháng đầu năm, công tác đầu tư tín dụng nền kinh tế thường không tăng trưởng thậm chí tăng trưởng âm thì ở năm 2018, sự đột phá được thể hiện ngay từ những tháng đầu năm, từ đó tạo nên điểm nhấn quan trọng cho hoạt động của toàn ngành Ngân hàng. Kết thúc 3 tháng đầu năm, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh ước đạt 45.410 tỷ đồng, tăng 3% so với thời điểm 31/12/2017 và đến ngày 31/12/2018 tổng dư nợ cho vay đã lên tới 51.160 tỷ đồng, tăng 16% so với thời điểm 31/12/2017; trong đó, cho vay lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 20,2%, cho vay lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm 29,7% và cho vay lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm 50,1% tổng dư nợ cho vay. 

Có được sự đột phá đó là do toàn ngành đã thực hiện hiệu quả các giải pháp mở rộng đầu tư tín dụng đi đôi với tăng cường quản lý chất lượng tín dụng, tập trung ưu tiên vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, dự án nước sạch nông thôn, cho vay xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Nhiều chương trình cho vay trọng điểm được ngành Ngân hàng quyết liệt triển khai thực hiện như: cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55 của Chính phủ với tổng dư nợ cho vay đến cuối năm 2018 đạt 18.150 tỷ đồng, tăng 18% so với thời điểm 31/12/2017, chiếm 35,5% tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn với gần 127.000 khách hàng còn dư nợ; cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên đạt gần 7.000 tỷ đồng với 62.000 khách hàng đang vay vốn; cho vay thu mua thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu và tiêu dùng trong nước đạt 580 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ mua máy móc phục vụ sản xuất, giảm tổn thất trong nông nghiệp đạt gần 50 tỷ đồng với khoảng 180 khách hàng đang vay vốn.

Với mục tiêu 100% số hộ dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sạch, ngành Ngân hàng đã tích cực vào cuộc, chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh cho vay chương trình nước sạch nông thôn theo Quyết định số 19 của UBND tỉnh. Đến cuối năm 2018, các TCTD đã cho vay 24 dự án kinh doanh nước sạch nông thôn với tổng số tiền đã giải ngân khoảng 380 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 273 tỷ đồng. Nếu tính cả dư nợ cho vay chương trình nước sạch nông thôn của Ngân hàng Chính sách xã hội và các dự án nước sạch nông thôn trước khi có Quyết định số 12 của UBND tỉnh thì dư nợ cho vay nước sạch nông thôn đạt 1.130 tỷ đồng. Ngoài ra, ngành Ngân hàng còn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ, cho vay hơn 2.750 tỷ đồng thực hiện 9 chương trình tín dụng ưu đãi, từ đó giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Không chỉ tăng cường đầu tư vốn, ngay từ đầu năm, ngành Ngân hàng còn chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn như: gia hạn nợ cho trên 1.200 khách hàng; miễn, giảm gần 17 tỷ đồng lãi tiền vay cho khách hàng vay vốn; đồng thời, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay cho khách hàng vay vốn. Đến cuối tháng 12/2018, dư nợ cho vay có mức lãi suất dưới 10%/năm chiếm tỷ trọng khoảng 84,4%, tăng 11,4% so với cuối năm 2017 và dư nợ cho vay có mức lãi suất trên 10%/năm (chủ yếu là dư nợ trung hạn và dài hạn) chiếm tỷ trọng 15,6%, giảm 11,4% so với cuối năm 2017. Chính vì thế, đến nay tỷ lệ nợ xấu của các TCTD trên địa bàn chỉ chiếm khoảng 1% tổng dư nợ cho vay (không bao gồm dư nợ, nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Thái Bình).


Bà Phan Thị Tuyết Trinh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh

Để duy trì hiệu quả công tác đầu tư tín dụng nền kinh tế, thời gian tới, các TCTD chú trọng điều chỉnh cơ cấu đầu tư và nâng cao chất lượng đầu tư tín dụng theo các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh; chấp hành nghiêm túc nguyên tắc, điều kiện, quy trình, thủ tục cho vay, tăng cường kiểm tra, kiểm soát trước, trong và sau khi cho vay, từ đó nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hoạt động ngành Ngân hàng. Bên cạnh đó, các TCTD cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, tích cực thực hiện các giải pháp chia sẻ khó khăn với khách hàng. Đồng thời thường xuyên đổi mới, trang bị cơ sở vật chất, hiện đại hóa công nghệ nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và nhu cầu sử dụng dịch vụ của nền kinh tế.

Ông Vũ Xuân Khanh, Giám đốc Quỹ Tín dụng nhân dân Đồng Tiến (Quỳnh Phụ)

Từ khi thành lập đến nay, Quỹ Tín dụng nhân dân Đồng Tiến luôn áp dụng cơ chế lãi suất linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng khách hàng tại thời điểm cho vay trên cơ sở bảo đảm lợi ích của người gửi vốn, người sử dụng vốn, lợi ích của tập thể và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; chủ động xây dựng phương án, mục tiêu phấn đấu sát với thực tế của từng địa phương. Bên cạnh đó, Quỹ cũng bố trí, phân công cán bộ phù hợp năng lực, sở trường và địa bàn phụ trách để bảo đảm an toàn nguồn vốn; đồng thời, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Chính vì thế, công tác đầu tư tín dụng của Quỹ luôn tăng trưởng ổn định qua các năm. Đến ngày 30/11/2018, tổng dư nợ cho vay của Quỹ đạt 180,164 tỷ đồng với 849 khách hàng đang vay vốn, tăng 22,73% so với thời điểm 31/12/2017; trong đó, cho vay sản xuất nông nghiệp chiếm 26,18%, cho vay kinh doanh dịch vụ ngành nghề chiếm 69,52%, cho vay sinh hoạt đời sống chiếm 4,3%.

Ông Phạm Văn Tuấn (thôn Nam Lâu, xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương)

Trong quá trình hoạt động và phát triển sản xuất, cơ sở mây tre đan Tuấn Doan của chúng tôi luôn được Quỹ Tín dụng nhân dân Thanh Tân tạo điều kiện cho vay vốn mà không gây bất cứ phiền hà nào. Chính vì thế, từ một cơ sở sản xuất với quy mô nhỏ, chỉ xuất bán ở một số tỉnh lân cận, đến nay cơ sở đã xuất trực tiếp sang các nước Đức, Nhật Bản với nhiều sản phẩm phong phú. Sử dụng vốn vay có hiệu quả, trung bình mỗi năm, cơ sở mây tre đan Tuấn Doan đạt doanh thu hơn 2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động trực tiếp và hơn 50 lao động vệ tinh ở các xã Thanh Tân và Bình Nguyên với thu nhập trung bình từ 50.000 - 70.000 đồng/người/ngày.


Minh Hương