Thứ 7, 16/11/2024, 20:23[GMT+7]

Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tăng 12,8%

Thứ 6, 23/08/2019 | 17:18:17
1,771 lượt xem
Đến hết tháng 8/2019, tổng dư nợ đầu tư tín dụng của ngành Ngân hàng ước đạt 57.230 tỷ đồng, tăng 8,6% so với thời điểm 31/12/2018.

Hoạt động giao dịch ở Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt Chi nhánh Thái Bình.

Để huy động tối đa lượng tiền nhàn rỗi trong dân cư, từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chú trọng phát triển các sản phẩm, dịch vụ, đa dạng hóa các loại hình huy động, đổi mới phong cách giao dịch, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng; đồng thời thực hiện niêm yết công khai lãi suất huy động tại trụ sở giao dịch nhằm bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị trên địa bàn. 

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng còn giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động, phổ biến ở mức 4,3 - 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, 5,5 - 6,5% đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng và 6,5 - 7,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng. Nhờ áp dụng có  hiệu quả các giải pháp, nguồn vốn huy động của toàn ngành Ngân hàng không ngừng tăng trưởng. Đến hết tháng 8/2019, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 71.982 tỷ đồng, tăng 12,8% so với thời điểm 31/12/2018; trong đó tiền gửi dân cư chiếm 92,1% và tiền gửi của tổ chức kinh tế chiếm 7,9%. Nguồn vốn huy động duy trì đà tăng trưởng tốt đã tạo nguồn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong toàn ngành. 

Đến hết tháng 8/2019, tổng dư nợ đầu tư tín dụng của ngành Ngân hàng ước đạt 57.230 tỷ đồng, tăng 8,6% so với thời điểm 31/12/2018; trong đó cho vay lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 20,7%, cho vay lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm 37,3% và cho vay lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm 42% tổng dư nợ cho vay.

Minh Hương

  • Từ khóa