Chủ nhật, 17/11/2024, 02:58[GMT+7]

Khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, giảm tải ATM dịp Tết

Thứ 5, 23/01/2020 | 22:52:37
1,612 lượt xem
Một trong những giải pháp để giảm tải ATM dịp Tết là ưu tiên sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là một chủ trương lớn của Chính phủ. Các chuyên gia tài chính cũng khuyến cáo người dân nên lựa chọn các hình thức thanh toán phi tiền mặt, vừa tiện lợi, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí, tránh được cảnh xếp hàng rút tiền tại ATM mùa cao điểm.

Ảnh minh họa.

Chỉ đạo quyết liệt từ Ngân hàng Nhà nước

Để đảm bảo an toàn, thông suốt hoạt động thanh toán trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, ngày 12/12/2019, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 9722/NHNN-TT về việc lưu ý đối với công tác thanh toán trong thời gian quyết toán năm 2019 và Tết Nguyên đán 2020.  Theo đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã chủ động xây dựng và triển khai các giải pháp cụ thể về hoạt động ATM đảm thông suốt. Trên thực tế, trong những ngày qua,  hoạt động thanh toán và rút tiền mặt qua ATM thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân.

Tuy nhiên, trong 2 ngày 21 và 22/1/2020 (tức ngày 27 và 28/12 âm lịch) đã có sự gia tăng đột biến về số lượng giao dịch rút tiền mặt qua ATM so với ngày thường, qua đó xuất hiện tình trạng ùn ứ người dân xếp hàng rút tiền tại cây ATM ở một số khu công nghiệp.

Theo số liệu thống kê của một số NHTM Nhà nước như Vietcombank, BIDV, Agribank, số lượng giao dịch rút tiền mặt qua ATM ngày cao điểm (dịp cận Tết) gấp từ 2 đến 3 lần so với ngày thường. Theo Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), giao dịch chuyển mạch qua ATM ngày cao điểm (như dịp cận Tết) lên tới 2 triệu món, gấp hơn 2 lần so với ngày thường; tổng chuyển mạch toàn hệ thống qua ATM tới gần 5 triệu món, gấp 2,4 lần so với ngày thường.

Trước tình hình đó, ngay trong ngày 22/1/2020, ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ, Thống đốc NHNN đã ban hành Công điện số 01/CĐ-NHNN về việc đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng dịp Tết Nguyên đán 2020 với mục tiêu quyết liệt để không ảnh hưởng đến hoạt động thanh toán và rút tiền chi tiêu Tết của nhân dân. Theo đó, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các đơn vị liên quan đặc biệt TCTD tổ chức, bố trí cán bộ trực, giám sát chặt chẽ để phát hiện và tiếp quỹ đối với ATM hết tiền; có biện pháp xử lý kịp thời các sự cố của hệ thống ATM (đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn); tăng cường hoạt động ATM lưu động (đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đã trang bị ATM lưu động) và triển khai giải pháp thay thế ATM (chi trả tiền mặt tại bàn/quầy lưu động, chi trả qua máy POS của ngân hàng,…); đáp ứng đầy đủ nhu cầu rút tiền qua ATM cũng như nhu cầu thanh toán, chuyển tiền của khách hàng; Phân công cán bộ trực hỗ trợ, giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình giao dịch qua ATM; ưu tiên xử lý nhanh chóng đối với các trường hợp máy ATM nuốt thẻ của khách hàng; nhanh chóng tra soát và phản hồi kịp thời các phản ánh, khiếu nại của khách hàng.

Ngân hàng chủ động đảm bảo chất lượng giao dịch ATM

Tại các ngân hàng có thị phần lớn, do đặc thù mạng lưới rộng, lượng khách hàng rất đông nên nhu cầu tiền mặt lại càng lớn. Dẫu vậy hầu hết các ngân hàng đều chủ động có các kế hoạch đảm bảo cung ứng đủ tiền mặt cho người dân theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời cố gắng tối đa để đảm bảo hệ thống ATM được thông suốt.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm xử lý tiền mặt Vietcombank (VCBC) - năm nào cũng vậy, vào dịp nghỉ Tết nhu cầu rút tiền mặt của người dân thường tăng cao, phục vụ khách hàng tốt nhất, ngân hàng đã chủ động chuẩn bị các biện pháp cho nhu cầu cường độ cao này.

Theo ông Tuấn, các ngân hàng đã phối hợp với NHNN trên địa bàn chuẩn bị lượng tiền mặt hợp lý đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu về tiền mặt cho khách hàng trước và trong dịp nghỉ Tết qua hệ thống ATM và các quầy trực giao dịch của các đơn vị, các chi nhánh và các bộ phận liên quan. Trường hợp cần thiết có thể liên hệ các chi nhánh cùng hệ thống trên địa bàn và lân cận để chuẩn bị đủ lượng tiền dự phòng. Lượng tiền dự phòng này bao gồm cả cơ cấu mệnh giá và số lượng.  Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hệ thống ATM dịp cuối năm và Tết Nguyên đán (bao gồm kế hoạch tiền mặt cho ATM; tiếp quỹ ATM; nhân sự cho ATM; bảo trì, bảo dưỡng ATM…). Giám sát chặt chẽ mức tồn quỹ của từng máy ATM, bố trí cán bộ trực theo dõi hoạt động của hệ thống ATM đảm bảo tiếp quỹ, khắc phục các sự cố xảy ra, xử lý nhanh các thắc mắc, yêu cầu tra soát của khách hàng, nâng cao tinh thần và thái độ phục vụ khách hàng.

Trước những quan ngại về việc ngân hàng phải giám sát hệ thống ATM như thế nào nhằm phát hiện kịp thời tình trạng quá tải, cũng như tăng tần suất tiếp quỹ tại ATM, ông Tuấn cho biết, như ở Vietcombank hiện có hệ thống Monitor để giám sát việc tiếp, nạp quỹ vào các máy ATM, theo đó theo dõi thường xuyên tình trạng tồn quỹ tiền mặt tại các máy, xác định tần suất tiếp quỹ, số tiền mỗi lần tiếp quỹ để có kế hoạch chuẩn bị tiền mặt phù hợp; tăng cường tần suất tiếp quỹ trong những ngày cao điểm, bố trí bộ phận thường xuyên cập nhật thông tin ATM qua email, tin nhắn SMS để theo dõi trạng thái hoạt động của từng máy, kịp thời nắm bắt các sự cố phát sinh và xử lý sự cố.

Ngoài ra, ngân hàng cũng thiết lập hệ thống cảnh báo giám sát từ xa kết hợp với tuần tra, kiểm soát đối với hệ thống ATM nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời các hành vi bất hợp pháp (trộm, cướp, đập phá, cài đặt thiết bị sao chép dữ liệu thẻ…) để bảo đảm an ninh, an toàn các máy cũng như khách hàng giao dịch. Tại mỗi máy ATM của chi nhánh đều thiết lập đường dây nóng để khách hàng có thể liên hệ, phản ánh những vấn đề, vướng mắc phát sinh trong quá trình giao dịch.

Tại TP. Hồ Chí Minh, ngoài việc trả lương, thưởng qua tài khoản ATM, các ngân hàng thương mại còn  bố trí cán bộ tới tận các khu chế xuất, khu công nghiệp, doanh nghiệp để trả lương, thưởng trực tiếp cho công nhân.

Một trong những giải pháp để giảm tải ATM dịp Tết là ưu tiên sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Các chuyên gia tài chính khuyến cáo người dân nên lựa chọn các hình thức thanh toán phi tiền mặt, vừa tiện lợi, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng khuyến cáo người dân nên lựa chọn các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; có thể sử dụng các ATM xa khu công nghiệp. Phía doanh nghiệp có kế hoạch chi trả lương, thưởng sớm hoặc phân bổ hợp lý, tránh ùn tắc cục bộ tại các cây ATM khi nhiều công nhân rút tiền tại một ngày giờ nhất định. Ông Hiếu cũng nhấn mạnh, bên cạnh các biện pháp giảm tải ATM dịp Tết như chủ động làm việc với các doanh nghiệp để điều chỉnh thời gian trả lương, thưởng hợp lý; xây dựng phương án dự phòng chi trả lương, thưởng bằng tiền mặt thì các ngân hàng đã tăng cường truyền thông hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại, không dùng tiền mặt như thanh toán thẻ, thanh toán bằng mã QR, thanh toán online trên các kênh số nhưInternet Banking, Mobile Banking... nhằm giảm tải việc rút tiền mặt tại các ATM.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng khuyến khích khách hàng với các giải pháp thanh toán hiện đại thì có thể giao dịch không tiền mặt từ các giao dịch đơn giản như nạp thẻ điện thoại, thanh toán hóa đơn điện, nước… đến các giao dịch phức tạp như mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn, đặt vé xe, mua sắm trực tuyến…

Thời gian qua, ngành ngân hàng đã đẩy mạnh các chương trình truyền thông, giáo dục tài chính với các chương trình như “Đồng tiền thông thái”, “Tiền khéo tiền khôn”…nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng cho công chúng, qua đó, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và góp phần phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục triển khai các giải pháp gia tăng tiện ích cho người sử dụng dịch vụ tài chính, NHNN sẽ tăng cường truyền thông nhằm giảm/thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong xã hội.

Theo baochinhphu.vn