Thứ 4, 13/11/2024, 08:01[GMT+7]

Tiền Hải: Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường

Thứ 2, 10/09/2018 | 08:36:04
2,096 lượt xem
Để chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, phát huy tối đa hiệu quả kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, huyện Tiền Hải đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa.

Trang trại nuôi lợn tập trung Đặng Thị Thùy Trinh tại xã Vũ Lăng (Tiền Hải).

Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và nghị quyết về phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa của huyện, những năm gần đây Tiền Hải đã hình thành và phát triển các vùng, xã trọng điểm chăn nuôi. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều trang trại chăn nuôi tập trung cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân, chủ trang trại. 

Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả kinh tế, việc xử lý chất thải, nước thải, bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi vẫn luôn khiến các xã, thị trấn phải “đau đầu” tìm hướng giải quyết bởi phần lớn các trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đều nằm xen kẽ trong khu dân cư, quỹ đất nhỏ hẹp, không bảo đảm khoảng cách vệ sinh theo tiêu chuẩn. Nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ không có đủ điều kiện xây dựng các công trình tiêu thoát nước thải nên hầu hết lượng nước thải, chất thải từ hoạt động chăn nuôi chưa được thông qua xử lý, trực tiếp thải ra cống rãnh, ao hồ... gây ô nhiễm nguồn nước, làm phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

Để giải bài toán trên, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi khép kín, áp dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường; mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi cho người dân; đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi và việc sử dụng thức ăn chăn nuôi của người chăn nuôi. 

Bên cạnh đó, để phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, hàng năm, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn làm tốt công tác tiêm phòng 2 đợt/năm. Duy trì có hiệu quả công tác vệ sinh, phun thuốc tiêu độc, khử trùng 2 đợt/năm tại tất cả các xã, thị trấn nhằm tiêu diệt mầm bệnh, ngăn chặn sự phát sinh, lây lan dịch bệnh, tạo thuận lợi để đàn vật nuôi phát triển. Nhờ đó, dù vẫn còn những khó khăn do huyện chưa quy hoạch được nhiều khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, ý thức của một bộ phận nông dân chưa cao song tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi của địa phương đã được cải thiện đáng kể.

Bắt đầu chăn nuôi từ năm 2012, trang trại nuôi lợn tập trung Đặng Thị Thùy Trinh tại xã Vũ Lăng hiện đang nuôi trên 2.500 lợn thịt. Trang trại được đầu tư xây dựng với 5 dãy chuồng lạnh có quy mô khép kín, xử lý môi trường chăn nuôi bằng máy tách lọc phân, đóng bao xuất bán cho các nhà vườn ở Hòa Bình, Bắc Giang, Hưng Yên. Nước thải được đưa vào 3 ao sinh học để lắng đọng, bảo đảm không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. 

Anh Phạm Đức Huy, chủ trang trại cho biết: Chăn nuôi theo hướng tập trung là quá trình liên kết khép kín giữa các khâu từ hệ thống chuồng trại đến quá trình chăn nuôi và lựa chọn thức ăn đều phải đúng kỹ thuật để lợn phát triển khỏe mạnh. Bên cạnh đó, việc chăn nuôi tập trung sẽ dễ dàng hơn trong việc hạn chế các dịch bệnh và bảo đảm yếu tố về môi trường. 

Trên diện tích 8ha, trang trại chăn nuôi lợn nái, lợn thịt của ông Đặng Thế Huyễn, xã Vũ Lăng được thiết kế và phân khu riêng biệt. Mỗi năm, trang trại xuất bán trên 5.000 con lợn thịt trong 2 lứa nuôi. Để tận dụng phế phẩm trong chăn nuôi, ông đào ao thả cá với diện tích 4ha. Mô hình lợn - cá kết hợp này không chỉ bảo đảm yếu tố về môi trường mà còn đem lại hiệu quả cao cho gia đình.

Để ngăn ngừa, hạn chế ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thời gian tới, huyện Tiền Hải tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại ứng dụng công nghệ cao, duy trì chăn nuôi nông hộ bảo đảm an toàn sinh học; quy hoạch, xây dựng các vùng chăn nuôi xa khu dân cư; kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, tăng cường quản lý và sử dụng thuốc thú y. Qua đó góp phần đưa ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện phát triển theo hướng bền vững.

Minh Nguyệt