Giảm nghèo cho đối tượng yếu thế: Cần những chính sách phù hợp (Kỳ 3)
Ít có người khuyết tật đến cơ sở đào tạo nghề và được vay vốn
Toàn tỉnh hiện có hơn 100.000 người khuyết tật, tỷ lệ người khuyết tật thuộc hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao nhất so với các đối tượng yếu thế khác. Với những người khuyết tật còn sức lao động, họ cần thiết được học nghề để có nguồn thu nhập, tự lo cho bản thân và gia đình. Tất cả những người khuyết tật đã vượt qua được khó khăn, vươn lên thoát nghèo, làm giàu như anh Lại Văn Điệp, chị Lã Thị Hoài Thu hay vợ chồng anh chị Trần Văn Lẫm và Phạm Thị Hoàn theo chia sẻ của họ đều là vì họ may mắn được học nghề và có một cái nghề trong tay để làm “cần câu” thoát nghèo. Song cũng theo những chia sẻ của nhiều người khuyết tật, nhìn chung người khuyết tật đều rất khó khăn trong việc học nghề và tìm việc làm.
Trên địa bàn tỉnh có hệ thống cơ sở dạy nghề tương đối đồng bộ, rộng khắp trong đó 8 huyện, thành phố có 8 trung tâm hướng nghiệp dạy nghề, tỉnh có riêng một trường trung cấp nghề cho người khuyết tật, tại Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh cũng có trung tâm dạy nghề, toàn tỉnh cũng còn nhiều cơ sở dạy nghề khác. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi về hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động song việc tham gia học nghề với người khuyết tật luôn là một khó khăn.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong tổng số 2.180 lao động được đào tạo nghề tại các cơ sở dạy nghề trong tỉnh có hỗ trợ kinh phí năm 2016, chỉ có 31 người khuyết tật; năm 2017 con số này là 37/1.720 người.
Ông Mai Xuân Trường, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh cho biết: Mặc dù Hội đã thành lập một trung tâm dạy nghề với một số nghề như mộc mỹ nghệ, may dân dụng, may công nghiệp… song trung tâm hoạt động ít hiệu quả, mỗi năm chỉ có vài chục người tham gia học do người khuyết tật vẫn phải sống dựa nhiều vào gia đình, việc đi lại, ăn nghỉ tập trung với người khuyết tật là rất khó khăn nên người khuyết tật thường có tâm lý ngại đi xa, xu hướng của họ là muốn được đào tạo nghề gần gia đình.
Tại sao các cơ sở đào tạo nghề chuyên nghiệp lại không thu hút được người khuyết tật, lý giải về điều này, những người như anh Lại Văn Điệp chia sẻ bởi người khuyết tật luôn có những trở ngại riêng mà người bình thường không thể hiểu và khó thông cảm, vì vậy, việc truyền đạt kiến thức giữa người bình thường và người khuyết tật ít mang lại hiệu quả. Đó là lý do tại sao cơ sở dạy nghề phủ kín các huyện, thành phố, song người khuyết tật không thể học mà nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật dù không phải là cơ sở đào tạo nghề song luôn có đông người khuyết tật tìm đến học nghề.
Còn ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh chia sẻ, nếu người mù đến các cơ sở học nghề bình thường thì họ sẽ không học được gì, việc học nghề của người mù nói riêng và người khuyết tật nói chung phải là cầm tay chỉ việc, vừa học, vừa làm dần dần theo kiểu truyền nghề chứ không phải là đào tạo nghề.
Cũng giống như chương trình đào tạo nghề, mặc dù đang có nhiều chính sách vay vốn ưu đãi về đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh song với những quy định pháp lý, người khuyết tật cũng không có khả năng đáp ứng để hưởng được sự ưu đãi này.
Một ví dụ điển hình, trong quá trình vay vốn, yêu cầu pháp lý là người vay phải có thế chấp tài sản song người khuyết tật vốn nghèo khó, không có tài sản thế chấp nên việc vay vốn đối với người khuyết tật là không thể diễn ra. Tại các địa phương hiện nay, các tổ chức đoàn, hội như phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên bằng cách đứng ra tín chấp cho hội viên vay vốn sản xuất nhưng người khuyết tật với sự yếu thế đặc trưng của mình nên không có đoàn, hội nào dám đứng ra tín chấp cho người khuyết tật nên sự vay vốn sản xuất đối với họ cũng mãi là chính sách trên cao, khó với.
Tại Hội Người mù tỉnh, ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch Hội cho biết chương trình vay vốn của Hội được thực hiện khá hiệu quả, song hiện nay Hội đang được phân bổ quản lý cả nguồn vốn trung ương và tỉnh là gần 3 tỷ đồng chia cho 8 huyện, thành phố nên số hội viên được vay vốn sản xuất là rất thấp so với số hội viên có nhu cầu.
Để chính sách không trở thành “quả ngọt mà khó với”
Theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng như quy định của Tổng cục Dạy nghề, các cơ sở được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề phải là các cơ sở có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên, trang thiết bị… Song trên thực tế, những cơ sở này lại không thu hút được người khuyết tật bởi các lý do đã phân tích ở trên. Ngược lại, những cơ sở trực tiếp sản xuất, kinh doanh như của anh Lại Văn Điệp hay anh chị Trần Văn Lẫm và Phạm Thị Hoàn luôn có người khuyết tật tìm đến học nghề và thực tế mỗi cơ sở đều đã đào tạo nghề và tạo cơ hội có việc làm cho hàng trăm người khuyết tật, song họ vẫn không được hỗ trợ đào tạo nghề cho người khuyết tật.
Ông Phạm Hồng Giang, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, công tác dạy nghề đang được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu và thực hiện theo đúng các quy định của Nhà nước và không chỉ có Thái Bình, tất cả các tỉnh, thành phố đều đang thực hiện như vậy, không thể hỗ trợ cho các cơ sở không đủ điều kiện.
Nghề mây tre đan xã Thượng Hiền (Kiến Xương) giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương.
Theo phân tích của ông Mai Xuân Trường, Chủ tịch Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cũng như thực tế đang diễn ra, việc được học nghề theo phương pháp truyền nghề ngay tại cộng đồng mới là phương pháp đào tạo nghề tối ưu nhất cho người khuyết tật. Không phải là dựa vào giáo trình, giáo án, trang thiết bị hiện đại, phải là cầm tay, chỉ việc mới là phương pháp đào tạo nghề phù hợp với người khuyết tật. Hơn nữa, nếu cũng mang các định mức đào tạo nghề 3 tháng hay sơ cấp nghề cho người bình thường để áp cho đào tạo nghề cho người khuyết tật cũng là những điều chưa phù hợp.
Cũng tương tự như với chương trình đào tạo nghề là chương trình vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Không có tài sản thế chấp, không có tổ chức đứng ra tín chấp nên người khuyết tật không thể vay vốn. Một số cơ sở đã tạo dựng được niềm tin và uy tín đối với người khuyết tật như công ty của anh Lại Văn Điệp, cơ sở may của anh chị Trần Văn Lẫm và Phạm Thị Hoàn lại không đủ điều kiện mở rộng để đáp ứng nhu cầu của người khuyết tật. Vì vậy, mong muốn của họ vẫn là được tạo điều kiện về vốn vay để mở rộng cơ sở, từ đó có thể tiếp nhận và dạy nghề cho thêm nhiều người khuyết tật.
Dù các chính sách ưu đãi giảm nghèo đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo tại các địa phương toàn tỉnh, song những chính sách này vẫn còn quá cao, quá xa đối với những đối tượng yếu thế, đặc biệt là với người khuyết tật. Nơi cơ sở đủ điều kiện, được hỗ trợ đào tạo thì không thu hút được người khuyết tật học nghề, nơi cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người không đạt các điều kiện theo quy định đặt ra thì lại có đông người muốn đến học và không được hỗ trợ đào tạo. Đó là bất cập trong công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật hiện nay. Vì vậy, cần có các chính sách, quy định riêng trong việc đào tạo nghề cho người khuyết tật chứ không áp việc đào tạo nghề cho người khuyết tật như với người bình thường là kiến nghị của nhiều người khuyết tật. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện đào tạo nghề và vay vốn, cần có cơ chế linh động, phù hợp thực tiễn để người khuyết tật tăng khả năng tiếp cận với các chính sách ưu đãi này. Có như thế, những chính sách này mới không là “quả ngọt mà khó với” đối với người khuyết tật.
(Tiếp theo và hết)
Nhóm phóng viên
Tin cùng chuyên mục
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” 03.08.2024 | 20:28 PM
- LỜI CẢM TẠ 05.06.2024 | 12:40 PM
- Lấy ý kiến nhân dân đối với các tập thể, cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”, Huân chương các loại, các hạng 06.03.2024 | 11:06 AM
- Đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm, chúc tết một số địa phương, đơn vị 06.02.2024 | 18:43 PM
- Thăm hỏi, động viên gia đình chiến sĩ công an hy sinh trong khi làm nhiệm vụ 23.09.2023 | 15:05 PM
- Hướng dẫn cách thay ảnh đại diện có kèm avatar frame ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10/2023 21.09.2023 | 16:00 PM
- Chuyển đổi số báo chí, bài học và kinh nghiệm rút ra 09.08.2023 | 22:20 PM
- Ngày đón anh trở về 26.07.2023 | 16:31 PM
- Hội LHPN huyện Vũ Thư: Tập huấn nghiệp vụ công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ 23.07.2023 | 09:50 AM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn
- Công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác cán bộ
- UBND tỉnh họp nghe và cho ý kiến một số nội dung quan trọng
- Quốc hội bắt đầu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn
- UBND tỉnh: Nghe báo cáo tiến độ một số công trình, dự án trọng điểm
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết và các dự án luật
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất và kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026