Thứ 7, 23/11/2024, 10:31[GMT+7]

Cây bút không chuyên có duyên với giải thưởng

Thứ 6, 19/06/2020 | 10:13:39
4,648 lượt xem
Tròn 10 năm từ ngày nghỉ hưu, tài sản quý giá nhất của thương binh hạng 2/4 Nguyễn Chính Quy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy xã Tân Bình (thành phố Thái Bình) là hàng trăm đầu sách, báo mà ông dày công sưu tầm cùng nhiều bằng khen, giấy khen các cấp, ngành trao tặng. Với ông, sách, báo là món ăn tinh thần quý giá và đó cũng là bí quyết để ông đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi.

Dù tuổi đã cao nhưng ông Nguyễn Chính Quy vẫn tâm huyết với các cuộc thi do các cấp, ngành, địa phương, đơn vị phát động.

Đam mê viết, sưu tầm sách, báo Đảng

Là lứa trai gác bút nghiên xung phong lên đường đánh Mỹ năm 1968 khi đang học tại Trường THPT Nam Thư Trì, Nguyễn Chính Quy được biên chế về Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 152, Sư đoàn 308, trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Năm 1972, ông Quy bị thương nặng, được chuyển ra Bắc đi học tại Trường cán bộ Tòa án Trung ương. Sau 3 năm học tập, đến năm 1975, ông về công tác tại ngành Tòa án huyện Vũ Thư. Cũng từ đó, cái “máu” viết lách vận vào ông cho đến tận bây giờ.

Ông Quy tâm sự: Làm công tác chuyên môn, có điều kiện đi cơ sở chứng kiến, giải quyết nhiều vụ án nên tôi bắt đầu viết tin cộng tác với Báo Thái Bình và một số tờ báo trung ương như: Báo Pháp luật, Báo Nhân Dân, Báo Tiền phong... Ngoài ra, tôi còn viết các bài về gương người tốt, việc tốt. Tôi còn nhớ, bài báo đầu tiên của tôi là bài “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, đăng trên Báo Pháp luật năm 1976. Bài báo viết về những tấm gương hòa giải viên cơ sở ở các xã Tân Hòa, Vũ Hội (Vũ Thư)... Từ bài báo ấy, mỗi lần đi cơ sở giải quyết công việc, tôi lại tìm hiểu thêm những vấn đề nổi cộm ở địa phương, khai thác thêm thông tin để viết...

Mỗi bài báo được đăng, báo biếu gửi về là một lần ông Quy thấy có động lực để viết tiếp. Cũng như người thợ được rèn giũa trong nghề, cây bút không chuyên Nguyễn Chính Quy dần được mọi người biết đến. Với ông, viết báo là một nghề đòi hỏi sự nhạy bén, chính xác, đặc biệt là cẩn trọng trong từng câu chữ, con số. Người làm báo chuyên nghiệp đã khó, những người không chuyên như ông Quy còn khó hơn. Ông nhớ mãi một kỷ niệm đặc biệt cũng là “tai nạn” hy hữu với cái nghề “tay trái” của mình. Bài viết về người phụ nữ ở một địa phương của huyện Vũ Thư bị chồng bạo hành đăng trên Báo Thái Bình, sau khi bài báo được in ấn, phát hành, người chồng của chị phụ nữ kia đã lên tòa soạn kiện tác giả bài viết. Không ai khác, tác giả là ông Nguyễn Chính Quy. Vốn là người có nhiều năm công tác rồi đảm nhiệm vai trò “đầu tàu” trong ngành Tòa án, Tư pháp của huyện lại có tính cẩn trọng nên ông Quy đã bình tĩnh xử lý vụ việc. Mọi bằng chứng ông thu thập được ở cơ sở về việc người vợ bị bạo hành được ông đưa ra. Thấy đuối lý với những bằng chứng không thể chối cãi, người chồng ấy cuối cùng phải xin lỗi tác giả và hứa với chính quyền sẽ không giở thói vũ phu nữa...

Hơn 45 năm qua, ông Quy không nhớ mình đã viết bao nhiêu tin, bài cộng tác với các báo từ địa phương đến trung ương nhưng với ông, công việc này đã cho ông một niềm đam mê bất tận là đọc báo Đảng, sưu tầm sách, báo Đảng. Có thời điểm, ông còn dành cả tiền nhuận bút và một phần tiền lương để đặt mua hàng chục tờ báo Đảng, sách và tạp chí. Ông đọc báo không chỉ để cập nhật tin tức thời sự trong tỉnh, trong nước và trên thế giới mà còn sưu tầm những bài viết hay, hình ảnh đẹp lưu lại cho công việc sau này. Có lẽ không ai hiểu ông bằng chính người hơn 45 năm “đầu ấp, vai kề” với ông. 

Bà Khiếu Thị Miên - vợ ông Quy chia sẻ: Hàng ngày ông ấy dành thời gian đọc báo rồi lại cần mẫn ngồi ghi ghi, chép chép những bài viết hay những số liệu vào quyển sổ tay. Ông ấy còn cắt từng cái ảnh trong trang báo rồi cất giữ cẩn thận. Đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, ngày nào ông ấy cũng xem thời sự, nghe đài, đọc báo rồi lại ngồi tỷ mẩn ghi chép các con số thống kê theo ngày. Mấy chục năm nay ông ấy vẫn làm thế và đã trở thành thói quen khó bỏ...

Ông vẫn giữ thói quen đọc, sưu tầm sách, báo, tạp chí suốt mấy chục năm qua.

“Vua” giải thưởng các cuộc thi

Cái “nghiệp” viết lách nó bám lấy ông rồi “bắt” ông phải “nghiện” như người ta nghiện uống trà. Trong căn phòng nhỏ, ông lưu giữ rất nhiều bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận đạt giải từ các cuộc thi. Bạn bè, đồng nghiệp còn phong cho ông Quy cái biệt danh “vua” giải thưởng, bởi lẽ bất kể cuộc thi viết nào phát động, ông đều tham gia mà khi đã tham gia là có giải.

Gần 35 năm công tác và 10 năm về với đời thường, ở cái tuổi ngoại thất thập, hơn 50 năm tuổi đảng, ông Quy vẫn giữ cho mình phong cách giản dị. Ông vẫn hay nói vui với vợ là tài sản quý giá nhất của tôi chính là mấy chồng sách, báo với mấy chồng bằng khen, giấy khen... Với ông Quy đó là “vàng mười”, là công sức, tâm huyết của ông trong mấy chục năm qua. “Vài năm trở lại đây khi sức đã yếu hơn lại thường xuyên bị vết thương cũ tái phát nên tôi đành “gác bút” viết báo cộng tác mà dành nhiều thời gian chuyên tâm cho nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội Luật gia huyện Vũ Thư, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy kiêm báo cáo viên Đảng bộ xã Tân Bình và đầu tư các bài dự thi cuộc thi viết do các ngành, địa phương phát động... Từ cuộc thi tìm hiểu về lĩnh vực xây dựng Đảng, quốc phòng, an ninh, y tế, giáo dục, công đoàn... đến các cuộc thi tìm hiểu pháp luật... tôi đều tham gia và dành tâm huyết cho “đứa con” tinh thần của mình...” - ông Quy chia sẻ.  

Bí quyết chinh phục giải thưởng tại các cuộc thi viết của mình một phần ở cái tâm huyết, đam mê. Cũng như sáng tạo một tác phẩm báo chí, người viết bài dự thi cũng phải xác định rõ viết cho ai, viết cái gì, viết để làm gì cho nên mỗi tác phẩm dự thi ông Quy đều dành nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu, xây dựng bố cục nội dung cho tác phẩm đó. Để có thêm nhiều tư liệu, ngoài việc thường xuyên cập nhật thông tin thời sự, chính trị trên báo, đài, internet, ông còn trực tiếp đi cơ sở để tìm hiểu thực tế, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử... Tuy nhiên, nếu trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, các bài thi khác đều sử dụng đồ họa, chữ đánh máy để thể hiện tác phẩm thì ông Quy vẫn chọn cho mình lối viết tay giản dị và sử dụng hình ảnh sưu tầm từ báo in để minh họa.

Theo ông Quy: Điều quan trọng nhất của tác phẩm dự thi chính là phải viết theo đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thổi vào tác phẩm ấy một cái nhìn mới mang đậm hơi thở của cuộc sống thì tác phẩm dự thi mới có sức hút và thành công. Còn sức khỏe và còn minh mẫn, tôi vẫn sẽ tiếp tục tham gia các cuộc thi...

Tham dự cuộc thi “Bác Hồ với Thái Bình, Thái Bình thực hiện Di chúc của Bác” do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức vừa qua, tác phẩm dự thi của ông Nguyễn Chính Quy dành giải Nhất. Hai tập tác phẩm với gần 1.000 trang viết tay là công trình tâm huyết nhất thể hiện tình cảm, sự kính trọng với Bác kính yêu. Cũng như nhiều tác phẩm dự thi khác, ngoài những tư liệu có sẵn, ông còn trực tiếp đi cơ sở tìm hiểu các địa danh mà Bác Hồ từng đến thăm, làm việc trong 5 lần Bác về Thái Bình...

Dù tuổi cao, mất 63% sức khỏe do di chứng của chiến tranh nhưng ông Nguyễn Chính Quy vẫn như con ong chăm chỉ đang ngày ngày “say” trong con chữ.

Tất Đạt

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày