Thứ 7, 23/11/2024, 11:00[GMT+7]

Đảng viên trẻ bám ruộng làm giàu

Thứ 5, 17/02/2022 | 16:49:44
4,436 lượt xem
Mạnh dạn tích tụ gần 60ha ruộng để sản xuất lúa tập trung, đảng viên Phạm Tiến Quân, Chi bộ thôn Đoài, Đảng bộ xã Thụy Ninh (Thái Thụy) đã hiện thực hóa giấc mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương, đồng thời tạo sức lan tỏa lớn, góp phần khắc phục tình trạng ruộng bỏ hoang ở địa phương.

Nếu thời tiết thuận lợi, lúa được mùa, sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi năm đảng viên trẻ Phạm Tiến Quân thu lãi hơn 1 tỷ đồng.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nông nghiệp, ngay từ khi còn nhỏ Phạm Tiến Quân đã theo bố mẹ phụ giúp các công việc đồng áng. Những công việc như làm đất, cấy lúa, làm cỏ, bón phân, gặt lúa... đã trở nên quen thuộc với chàng trai sinh năm 1989. Cũng chính tình cảm gắn bó với quê hương đã thôi thúc Quân trở về quê làm việc sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh. Trở về quê hương, chứng kiến sự chuyển dịch cơ cấu lao động mạnh mẽ khi người dân chủ yếu đi làm tại các công ty, xí nghiệp; lao động còn lại ở địa phương chủ yếu là người già cả, không còn sức lao động; đồng ruộng bị chuột phá hoại nhiều nên người dân không còn mặn mà, nhiều diện tích ruộng của địa phương bị bỏ hoang gây lãng phí. 

Trước thực trạng trên, là người gắn bó với đồng ruộng từ nhỏ, Quân cảm thấy rất xót xa. Được sự tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, Quân đã thuê, mượn lại ruộng của người dân. Quân cho biết: Tôi bắt đầu tích tụ ruộng đất từ vụ mùa năm 2017. Vụ sản xuất đầu tiên tôi tích tụ được 20 mẫu, đến nay tôi đã tích tụ được gần 60ha, trong đó 50% diện tích là của xã Thụy Ninh, 50% còn lại của xã Thụy Chính. Việc thuê lại ruộng khá khó khăn do có người dân đồng thuận song cũng có người không đồng ý cho thuê. Có nhiều gia đình tôi phải tới nhà nhiều lần để thỏa thuận. Hiện tại, diện tích ruộng của tôi vẫn bị tình trạng “xôi đỗ” do một số gia đình không đồng ý cho thuê nên quá trình sản xuất gặp không ít khó khăn. Ngoài việc trả hết các chi phí dịch vụ nông nghiệp, mỗi năm tôi trả cho chủ đất 45kg thóc/sào.

Mặc dù gắn bó với đồng ruộng từ nhỏ song để sản xuất tập trung với quy mô lớn với Quân là một thử thách rất khó khăn. Quân chia sẻ: Diện tích ruộng lớn đi liền với nhiều chất đất khác nhau, trong đó phần lớn là chất đất xấu nên mọi người mới bỏ ra không cấy, vì vậy những vụ đầu tôi tập trung cải tạo đất. Yêu cầu quan trọng nhất là phải nắm chắc chất đất từng khu vực từ đó xác định lượng phân bón cho phù hợp. Rất may trước đó tôi đã có 4 năm làm việc trong HTX DVNN xã nên có nhiều thuận lợi. Ban đầu gia đình không ủng hộ hướng đi này của tôi vì nghĩ rằng cấy lúa thu nhập thấp, người ta trả ra không được mình lại đi ôm vào, sau thấy tôi quyết tâm nên đã ủng hộ và giúp đỡ tôi rất nhiều. Với diện tích ruộng lớn, để giảm chi phí thuê nhân công, tăng hiệu quả sản xuất, Quân đầu tư 2 máy cày cỡ lớn, 1 máy bơm nước, 1 máy phun thuốc trừ sâu với tổng chi phí đầu tư ban đầu gần 400 triệu đồng. Ngoài ra, để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, Quân ký hợp đồng cấy lúa giống cho Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed. Nếu thời tiết thuận lợi, lúa được mùa, sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi năm Quân thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Hiện mô hình của Quân đang tạo việc làm ổn định cho khoảng 10 lao động thường xuyên; thời gian cao điểm phải thuê khoảng 60 lao động thời vụ. 

Bà Phạm Thị Tuyết, thôn Đoài, xã Thụy Ninh cho biết: Tôi làm cho cháu Quân đã nhiều năm. Sau mỗi năm diện tích trồng lúa lại được mở rộng hơn song cháu Quân đầu tư nhiều máy móc, những công việc nặng đều đã có máy móc, chúng tôi chỉ làm những công đoạn nhẹ nhàng. Mỗi ngày công tôi được trả 200.000 đồng. Thu nhập vì vậy so với cấy mấy sào lúa trước đây cao hơn nhiều, đủ trang trải cuộc sống.

Chia sẻ về lựa chọn của mình, Phạm Tiến Quân cho biết: Theo tôi, cấy lúa vẫn có thể giàu, quan trọng là phải tích tụ được ruộng đất đủ lớn, áp dụng đồng bộ các khâu sản xuất, đặc biệt là đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, phòng, trừ tốt dịch bệnh, từ đó giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành trong sản xuất, tạo ra sản lượng lúa lớn, chất lượng. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, đầu tư thêm một số máy móc phục vụ sản xuất. 

Theo ông Đỗ Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Thụy Ninh: Phạm Tiến Quân là một trong những người đi đầu về tích tụ ruộng đất, sản xuất tập trung cho hiệu quả kinh tế cao của địa phương. Ngoài Quân, trên địa bàn xã còn có 2 mô hình tích tụ ruộng đất lớn với diện tích lần lượt là 30ha và 15ha. Những mô hình này đã và đang tạo sức lan tỏa lớn, góp phần khắc phục tình trạng ruộng bị bỏ hoang ở địa phương. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích tụ ruộng đất, sản xuất tập trung để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Đào Quyên

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày