Thứ 7, 23/11/2024, 21:37[GMT+7]

Thụy Thanh Nhiều mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi

Thứ 2, 08/04/2013 | 09:47:13
5,779 lượt xem
Thời gian gần đây, ở xã Thụy Thanh (Thái Thụy) xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế của thanh niên. Dù mỗi người có hướng đi, cách làm khác nhau nhưng họ đều chung một ý chí khát vọng vươn lên làm giàu.

Công ty may của Nguyễn Công Thủy tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương

Mới 31 tuổi nhưng hiện nay Nguyễn Công Thủy (thôn Vô Hối Tây) đã là chủ một công ty may mặc lớn nhất nhì của xã Thụy Thanh. Gặp chúng tôi anh chia sẻ: Sinh ra ở vùng quê nghèo, từ bé đã chứng kiến cuộc sống khó khăn của người làm nông nghiệp, thanh niên cứ đến tuổi mười tám, đôi mươi đều rời làng ra thành phố kiếm việc làm mưu sinh. Ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, Thủy đã trăn trở, suy nghĩ sau này lớn lên phải tìm một nghề gì làm ngay tại quê hương, trước hết để giúp mình ổn định cuộc sống, sau đó tạo việc làm cho người khác. Bỏ thời gian tìm nghề, nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường anh nhận thấy may mặc là mặt hàng thiết yếu, ngoài sản xuất  tiêu dùng trong nước còn có thể xuất khẩu ra nước ngoài với số lượng lớn nên quyết định mở xưởng may.

 

Những ngày đầu, anh đi nhiều nơi, đến các công ty may liên hệ nhận hàng về gia công. Năm 2006, cơ sở may mới có 12 lao động làm việc, tổng thu nhập đạt 345 triệu đồng, đến năm 2008 doanh thu tăng lên 600 triệu đồng, tạo việc làm cho 35 lao động. Sau một thời gian may hàng gia công, tháng 6/2010 Thủy nhận thấy nhu cầu hàng may mặc cao cấp tăng mạnh, anh quyết định làm thủ tục thành lập công ty, đăng ký sản xuất sản phẩm quần cao cấp mang thương hiệu Tiến Thuận, mở cửa hàng bán sản phẩm kết hợp ký gửi tại các siêu thị, đại lý. Nhờ tích cực đổi mới mẫu mã, bảo đảm chất lượng sản phẩm, giao hàng đúng kỳ hạn nên sản phẩm may mặc mang tên Tiến Thuận được bày bán ở 26 siêu thị, cửa hàng dọc từ Bắc vào Nam, được khách hàng ưa chuộng.

 

Hiện nay, Công ty may Tiến Thuận xuất bán ra thị trường khoảng 4.000 quần các loại/tháng, tạo việc làm cho 75 công nhân với mức lương từ 2 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng, doanh thu mỗi năm đạt từ 1,6 đến 2 tỷ đồng. Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, hiện Thủy là ủy viên Ban chấp hành Ðoàn xã Thụy Thanh. Anh cùng với một số chủ cơ sở may của thanh niên trong xã thành lập hội thanh niên cùng giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Với những gì đã nỗ lực đạt được, vừa qua mô hình phát triển kinh tế của Nguyễn Công Thủy vinh  dự được Tỉnh đoàn biểu dương, khen thưởng. 

 

Trẻ hơn Thủy 3 tuổi, đến nay Nguyễn Công Việt - Bí thư Chi đoàn thôn Vô Hối Tây cũng đã gây dựng cho mình một xưởng may khá bề thế. Tốt nghiệp THPT, Việt thi đỗ và học tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội. Sau khi ra trường bôn ba khắp nơi không tìm được công việc ổn định, thu nhập thấp, cuộc sống khó khăn, nên năm 2009 anh trở về quê lập nghiệp. Sinh ra trong gia đình có ông nội, bố mẹ cả đời may quần áo, Việt quyết định nối nghiệp cha mẹ nhưng không phải may quần áo cho bà con trong làng mà phải chủ động sản xuất sản phẩm may mặc bán ra thị trường. Dốc toàn bộ vốn liếng tự có, kết hợp vay mượn thêm anh em bạn bè, anh đầu tư xây dựng xưởng, mua máy móc, thiết bị về chuyên sản xuất mặt hàng áo sơ mi. Khi có sản phẩm, anh mang đến các đại lý bán quần áo chào hàng, nhờ anh em bạn bè nhận hàng bán giúp. Lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn, có khi hàng ký gửi vài tháng vẫn chưa bán hết. Không nản, anh tiếp tục nghiên cứu nhu cầu khách hàng, cải tiến mẫu mã, kiểu dáng, bảo đảm chất lượng dần dần lượng tiêu thụ tăng lên. Nếu như những năm đầu đi vào sản xuất cơ sở chỉ xuất bán ra thị trường từ 1.000 đến 2.000 sản phẩm, thì nay mỗi tháng tiêu thụ được 3.000 sản phẩm các loại. Việt cũng không phải đem hàng đi ký gửi mà các đại lý, công ty tự tìm đến đặt hàng ngày một đông. Dù doanh thu chưa lớn nhưng sau 4 năm khởi nghiệp, đến năm 2012 cơ sở may áo sơ mi của Nguyễn Công Việt thu lãi gần 200 triệu đồng, tạo việc làm cho 15 lao động với mức thu nhập bình quân từ 2 đến 5 triệu đồng/người/tháng.

 

Là một thanh niên Công giáo, sau khi xuất ngũ trở về địa phương Nguyễn Văn Phước (thôn Khúc Mai) quyết định không đi học nghề mà ở lại cùng bố mẹ đầu tư phát triển kinh tế VAC. Anh kể lại: Trước đây gia đình anh chỉ cấy mấy sào ruộng nên cuộc sống khó khăn, thiếu thốn. Năm 2003, khi xã có chủ trương chuyển đổi vùng úng trũng của cánh đồng Hộn sang nuôi trồng thủy sản, gia đình quyết định đấu thầu 32.324m2, đầu tư tiền, hàng trăm công lao động đắp bờ đào ao thả cá. Buổi đầu quật lập trên đất hoang hóa gặp rất nhiều khó khăn, nước nhiễm chua phèn cá lớn chậm, có năm gặp trận bão hay dịch bệnh thua lỗ nặng. Vừa cải tạo ao nuôi, kết hợp đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, gà nên dần dần sản xuất ổn định, đến nay Phước có trang trại VAC tổng hợp bố trí khoa học, khép kín với vốn đầu tư 1 tỷ đồng, thường xuyên thả 4 ao cá: trắm, trôi, mè, chép kết hợp chăn nuôi 100 lợn, trên bờ trồng các loại cây ăn quả. Năm 2012, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình thu lãi trên 100 triệu đồng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, Nguyễn Văn Phước còn tích cực học tập và tham gia công tác xã hội, hiện anh là cán bộ tư pháp xã, ủy viên Ban chấp hành Ðoàn xã Thụy Thanh.

 

Anh Ðặng Văn Thành, Bí thư Ðoàn xã cho biết: Thụy Thanh hiện có 246 đoàn viên thanh niên. Ðể tạo điều kiện cho thanh niên đầu tư phát triển kinh tế, Ðoàn xã đã đứng ra tín chấp với ngân hàng cho 20 đoàn viên vay vốn với tổng dư nợ 860 triệu đồng. Ngoài  Thủy, Việt và Phước, toàn xã hiện có 15 cơ sở may mặc, cơ khí, 10 mô hình chuyển đổi do thanh niên làm chủ có mức thu lãi từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm/mô hình. Không chỉ làm giàu trên quê hương, một số thanh niên ở Thụy Thanh mạnh dạn đầu tư vốn mở trên 100 cửa hàng bán quần áo ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Ðây cũng chính là đầu mối tiêu thụ tạo điều kiện cho nghề may của địa phương phát triển, tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm lao động khác.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày