Thứ 5, 14/11/2024, 11:07[GMT+7]

Phạm Hữu Khương Vượt khó lập thân, lập nghiệp

Thứ 6, 31/05/2013 | 07:47:35
1,953 lượt xem
Bằng ý chí, nghị lực và lòng nhiệt tình, ham học hỏi của tuổi trẻ, anh Phạm Hữu Khương, chủ Doanh nghiệp may tư nhân Phạm Xuân Thúy (xã Đông Phương, Đông Hưng) đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, mở xưởng may để phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người khuyết tật, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Công nhân làm việc tại Doanh nghiệp may tư nhân Phạm Xuân Thúy.

Anh Khương sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, bố bị khuyết tật bẩm sinh, bản thân anh đã trải qua tuổi thơ đầy gian truân vất vả. Học xong trung học phổ thông, anh Khương không học tiếp mà quyết định đi học nghề may. Mặc dù có việc làm, song anh vẫn ấp ủ quyết tâm tìm con đường lập nghiệp khác phù hợp với hoàn cảnh gia đình ở địa phương, tạo công việc giúp những người khuyết tật như bố anh có thể làm được để họ không mặc cảm mà hòa nhập cộng đồng. Sẵn có kiến thức may công nghiệp, anh đã mở cơ sở may thu hút được nhiều lao động, đặc biệt là những người khuyết tật, trẻ mồ côi và người có hoàn cảnh khó khăn.

Khởi nghiệp với số vốn 21 triệu đồng, anh Khương đã thuê 1.200 m2 đất ven đường để xây dựng cơ sở sản xuất. Anh đầu tư mua 9 máy may công nghiệp và dạy nghề miễn phí cho 10 người đến học và làm việc, trong đó có 6 người khuyết tật. Ban đầu sản xuất theo hình thức gia công cho các cơ sở may nên anh gặp rất nhiều khó khăn do nguồn hàng không ổn định, thiếu vật tư thiết bị, không có đối tác kinh doanh riêng... nhưng được sự động viên từ gia đình, anh Khương vẫn không nản chí.

Năm 2004, anh đi tìm hiểu thị trường và nhận thấy nhu cầu may đồng phục học sinh của các trường khá lớn nên anh đã manh nha ý tưởng nhận làm mặt hàng này. Anh đã lặn lội đi tìm những đối tác ở trong và ngoài tỉnh. Nhờ sản phẩm sản xuất ra có mẫu mã đẹp, đạt chất lượng nên khách hàng biết đến nhiều và số lượng đơn đặt hàng ngày càng tăng. Mới đây, doanh nghiệp của anh nhận may đồng phục quần áo thể thao cho 30.000 học sinh có giá trị trên 6 tỷ đồng. Không những tạo việc làm thường xuyên cho lao động tại xưởng, anh còn tạo điều kiện cho các chị em có con nhỏ may hàng gia công tại nhà.

Trong 9 năm qua, anh đã dạy nghề cho 519 lao động ở nông thôn đến học nghề may công nghiệp, trong đó có 89 người khuyết tật và trẻ mồ côi. Hiện nay, doanh nghiệp của anh có 35 lao động, trong đó có 15 người khuyết tật ở địa phương và các xã khác, thu nhập ổn định từ 1,7 đến 2,1 triệu đồng/người/tháng; hàng năm đạt lợi nhuận trên 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, anh Khương còn thường xuyên quan tâm đến đời sống của người lao động, nhận đào tạo, dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật, có chỗ ăn ngủ đối với các lao động ở xa.

Ngoài cương vị là một chủ doanh nghiệp, anh Khương còn làm Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn xã. Với ý chí, nghị lực của mình, anh Khương đã vượt khó lập thân, lập nghiệp và giúp đỡ những người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn hòa nhập cuộc sống. Năm 2013, anh vinh dự là một trong số những thanh niên tiêu biểu của huyện Đông Hưng có thành tích cao trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhờ những kết quả đã đạt được anh có thêm động lực phát huy sức trẻ của mình xây dựng doanh nghiệp ngày càng phát triển và góp một phần công sức vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trên quê hương mình.

Bài, ảnh: Vũ Hảo

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày