Thứ 5, 14/11/2024, 11:13[GMT+7]

Người đưa mô hình chăn nuôi mới về quê

Thứ 6, 07/06/2013 | 11:03:38
7,081 lượt xem
Xã Thái Sơn (Thái Thụy) hiện có 36 trang trại, gia trại chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế khá. Trong đó, nổi bật là trang trại nuôi giống gà Ai Cập lấy trứng thương phẩm của anh Phạm Công Hiển - thôn Nam Hưng Tây. Với mô hình này, anh Hiển hai năm liên tục (2011 - 2012) đạt danh hiệu nông dân lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Trang trại chăn nuôi giống gà Ai Cập của anh Phạm Công Hiển

Mới ở tuổi 35, song anh Phạm Công Hiển - hội viên chi hội nông dân thôn Nam Hưng Tây, xã Thái Sơn đã là chủ một trang trại chăn nuôi gà quy mô, với vốn đầu tư trên 500 triệu đồng. Từ hai bàn tay trắng, anh đã vươn lên tạo lập cuộc sống trên chính mảnh đất quê hương.

Tiếp xúc và trò chuyện với người nông dân trẻ tuổi này, chúng tôi càng cảm phục bởi tác phong chất phác, đức tính khiêm tốn, nhã nhặn. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thái Sơn - vùng quê  giàu truyền thống cách mạng, nhận thấy nếu chỉ trông chờ vào hạt lúa thì khó thoát nghèo anh Phạm Công Hiển bôn ba khắp nơi làm thêm mọi nghề góp phần cải thiện cuộc sống gia đình. Sau những lần ra nhà người quen ở Thành phố Hải Dương, cơ duyên đã đưa anh đến với nghề chăn nuôi giống gà Ai Cập, lấy trứng thương phẩm.  Ban đầu thiếu vốn, kinh nghiệm hạn chế nên anh chỉ nuôi cầm chừng trên 100 con. Nhận thấy hiệu quả kinh tế rõ nét, hai năm gần đây, anh Hiển mạnh dạn mở rộng mô hình, xin địa phương chuyển toàn bộ diện tích canh tác của gia đình về vùng úng trũng cấy lúa kém hiệu quả với diện tích 8 sào để lập trang trại. Thế nhưng một lần nữa thách thức của thiên tai như thử sức người nông dân lam lũ.

Năm 2012, cơn bão số 8 ập đến làm tốc mái 60 m2 chuồng trại, chết hơn 100 con gà đang thời kỳ đẻ trứng. Không vì thế mà nản chí, anh Hiển tu sửa lán trại, tiếp tục tìm tòi, học hỏi từ một số mô hình có triển vọng. Nắm bắt ưu thế nổi trội của dòng giống gà Ai Cập có sức đề kháng bệnh tốt, nhất là khả năng chịu nóng, song lại kém chịu rét, dễ mắc bệnh hen, cứ  thời điểm tháng 2 trở đi, nguy cơ nhiễm bệnh ký sinh trùng đường do muỗi đốt, do vậy  anh Hiển đã giành riêng 250 m2 xây dựng các lán chuồng trại quy mô, lắp đặt hệ thống nước sạch liên hoàn phục vụ chăm sóc, cho vật nuôi ăn, uống thuận tiện.

Suốt quá trình nuôi, anh chú ý làm tốt khâu phòng dịch, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun hóa chất Cloramin B khử trùng định kỳ. Riêng nguồn phân gà chuyên dành để bón cho 4 sào lúa cấy đấu thầu, năng suất mỗi mùa vụ tăng cao. Hiện tại, trang trại của anh có 1.500 con gà, trung bình mỗi ngày thu từ 900 đến 1.000 quả trứng. Đặc trưng của trứng gà giống Ai Cập nhiều lòng đỏ, mùi vị thơm ngon, bổ dưỡng nên sản phẩm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Tuy nhiên cái khó đối với người chủ trang trại như anh Hiển là chưa tìm được đầu ra ổn định mà phải cất công giao hàng không chỉ trong huyện mà cả các tỉnh xa như Quảng Ninh, Hải Phòng.

Hơn nữa, tuy hiệu quả thu nhập khá song mô hình này cần nhiều vốn đầu tư, trong khi đó những người nông dân làm trang trại khó có thể tiếp cận với nguồn vốn lớn, ưu đãi, dài hạn. Anh Hiển tâm sự: Trung bình một trăm con gà thì cũng được khoảng 1,2 triệu đồng tiền lãi. Về vốn lưu động, nếu 1.000 con gà mình đầu tư khoảng 400 - 500 triệu đồng. Nông dân chúng tôi phải đi vay vốn rất nhiều nơi, nhiều kênh. Mong muốn nhà nước tạo điều kiện để chúng tôi tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi để phát triển mô hình kinh tế này.

Hy vọng, những khó khăn đó của anh Phạm Công Hiển cũng như những chủ trang trại chăn nuôi khác sớm được các cấp, ngành quan tâm tìm giải pháp tháo gỡ, tạo động lực khích lệ  nông dân thi đua lao động sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

                 Bài, ảnh: Lê Lan

( Đài Truyền thanh Thái Thụy)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày