Thứ 7, 23/11/2024, 10:44[GMT+7]

Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn

Thứ 7, 25/11/2023 | 10:16:13
4,295 lượt xem
Là cư dân miền biển xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, ký ức tuổi thơ của cựu chiến binh Phạm Văn Thản còn in đậm những ngày cùng bố mẹ ra bãi triều cào don, bắt cáy. Cuộc sống của gia đình và bà con trong xã chủ yếu dựa vào việc khai thác nguồn lợi từ biển. Vì vậy, anh hiểu rất sâu sắc giá trị của biển cả đối với đời sống con người.

Cựu chiến binh Phạm Văn Thản thu gom rác thải biển.

Mặc dù đã hẹn trước nhưng tôi và các anh trong Hội Cựu chiến binh xã Đông Minh phải chờ mất 30 phút mới gặp. Anh cười cáo lỗi và nói, hôm nay nước ròng kiệt nên phải tranh thủ vá lại vài chỗ lưới bị rách. Thay vội chiếc áo, ra bàn nước trò chuyện cùng chúng tôi, anh kể: Khoảng năm 1969 - 1970, anh tham gia Trung đội pháo binh của dân quân xã, làm nhiệm vụ trực chiến bảo vệ bờ biển. Các trận địa pháo của dân quân và bộ đội lúc bấy giờ được xây dựng kiên cố ẩn dưới rặng dừa, rặng phi lao xanh ngắt trải dài dưới chân đê biển, sẵn sàng khai hỏa. Ngày 12 và ngày 17/5/1972, Trung đội đã phối hợp với bộ đội chủ lực bắn cháy hai tàu khu trục hạm của Mỹ. Đến tháng 8 cùng năm, anh xung phong đi bộ đội, vào chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Đầu năm 1975, Phạm Văn Thản được cử đi học lái xe tăng rồi về Tiểu đoàn xe tăng 26, trực thuộc Quân khu 7. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Tiểu đoàn 26, thuộc cánh quân hướng Tây Nam cùng tiến về Sài Gòn, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tháng 8/1977, Phạm Văn Thản được phục viên. Anh trở về quê lao động lập nghiệp. Lúc này, rặng dừa, rặng phi lao xanh tốt năm nào không còn vì sự tàn phá của bom đạn Mỹ và sóng biển. Để khôi phục và phát triển kinh tế, anh cùng gia đình tiếp tục mưu sinh bằng nghề chài lưới trong lộng và cào don, bắt cáy.

Năm 1997 - 1998, địa phương có chủ trương cho đấu thầu bãi triều để khai thác, nuôi trồng thủy sản, Phạm Văn Thản xin thầu 2ha bãi, rồi dựng lưới vây quanh để bắt tôm, cá mắc cạn mỗi khi thủy triều xuống. Anh còn thuê 1.500m2 khu bãi cao, đào ao nuôi trồng thủy sản, cuộc sống gia đình từng bước ổn định.

“Thế việc thu gom rác thải anh làm từ bao giờ?”, tôi hỏi. “Cũng lâu rồi nhưng là tình cờ thôi!”. Rồi anh giãi bày: Sau thời gian thuê bãi triều, hàng ngày đi cào don, bắt tôm cá trong lưới vây, thấy những chai, lọ đã qua sử dụng, trông đẹp mắt nằm rải rác trên bãi biển, anh mang về làm đồ đựng hoặc để cắm hoa. Khi có cái lọ khác đẹp hơn thay thế, anh bỏ cái cũ vào một chỗ, lâu dần thành một đống ở gốc cây dừa. Có mấy người bạn đến chơi, hỏi sao không mang bán đồng nát, anh bảo, lúc đầu còn ít nên ngại. Nhưng về sau, thấy ngày càng nhiều, đủ loại, nhiều nhất là túi nilon, vỏ lon bia và chai nhựa nên anh thường đi làm sớm hơn, cầm theo bao tải để lúc về gom rác. Cứ thế, mỗi ngày một ít, tích tiểu thành đại, khoảng 2 - 3 tháng anh gọi khách đến bán, lần nhiều nhất được gần 6 tạ. Anh kể, trước đây chỉ nhặt vỏ lon bia và đồ nhựa. Dịp này, anh thu gom cả những mảnh gỗ, tre, lưới, túi nilon... về phân thành từng loại, chủ yếu để bán. Những thứ có thể tận dụng được thì dùng trong gia đình, làm chất đốt hoặc cho hàng xóm sử dụng. Việc thu gom nhựa phế thải đã giúp gia đình anh có được một khoản thu nhập trang trải cuộc sống. Nhưng quan trọng hơn là từ việc chỉ một mình anh làm, đến nay đã lan tỏa để nhiều người cùng làm theo, góp phần bảo vệ môi trường biển - một vấn đề thời sự đang được cả nước và cộng đồng quốc tế quan tâm. Ngay trong thôn Ngải Châu hiện đã có 4 gia đình cùng thu gom rác thải biển.

Trong khu bãi ngoài đê biển, Phạm Văn Thản đào 2 ao nuôi cá vược. Trên bờ anh nuôi lợn, vịt, gà và trồng cây ăn quả tạo không gian xanh mát trên bãi triều, ngay chân sóng mỗi khi thủy triều lên. Anh mong các địa phương ven biển có nhiều biện pháp tổ chức và vận động nhân dân trồng dừa, phi lao tạo thành “con đê mềm” hạn chế tác động của sóng biển mỗi khi có bão, đồng thời tạo cảnh quan môi trường xanh mát góp phần phát triển du lịch.

Trung tá Trần Quang Trung, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cho biết: Từ mô hình của cựu chiến binh Phạm Văn Thản và Chi hội thôn Ngải Châu, Hội Cựu chiến binh xã Đông Minh đã phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân tích cực thu gom xử lý rác thải. Đến nay, toàn xã xây dựng được hơn 20 mô hình, trong đó có 6 mô hình thu gom rác thải trên bãi biển. Tuy tuổi đã cao nhưng anh Thản rất nhiệt tình tham gia các hoạt động của các đoàn thể. Năm 2022, anh được các cấp hội cựu chiến binh đề nghị và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”.

Nguyễn Văn Hán
(Cựu chiến binh thành phố Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày