Thứ 7, 23/11/2024, 10:22[GMT+7]

Mái ấm sơ Nụ

Thứ 6, 22/03/2024 | 21:41:53
3,880 lượt xem
Xuất phát từ lòng nhân ái, yêu thương con người, gần 14 năm qua, sơ Đặng Thị Nụ, Giáo họ Thụ Điền thuộc Giáo xứ Tràng Quan, xã Đông Động (Đông Hưng) đã cưu mang, giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh có nơi ăn chốn ở, được đùm bọc, yêu thương.

Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, Hội Doanh nhân nữ tỉnh trao quà hỗ trợ mái ấm sơ Nụ.

Tốt nghiệp ngành xã hội học ở một trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh, thay vì tìm công việc ổn định như bao người, sơ Nụ lại dành hết công sức, tuổi xuân của mình cho việc từ thiện. 

Chia sẻ về việc làm của mình, sơ Nụ cho biết: Từ những kiến thức được học trên ghế nhà trường và bản thân đã tận mắt chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của nhiều mảnh đời bất hạnh nên tôi rất thương cảm. Chính điều đó đã thôi thúc tôi phải hành động để giúp đỡ những phụ nữ nghèo, yếu đuối, bị bỏ rơi.

Năm 2009, sơ Nụ bắt đầu tìm đến tận nhà để chăm sóc, giúp đỡ những người già ốm đau, sống cô đơn, không nơi nương tựa. Đi nhiều nơi, gặp nhiều mảnh đời bất hạnh, sơ luôn ấp ủ và mơ ước về một ngôi nhà chung dành cho họ. Bằng tất cả tâm huyết của sơ Nụ và sự giúp đỡ, ủng hộ của nhiều tổ chức, nhà hảo tâm, năm 2011, ngôi nhà chung được hoàn thành với tên gọi mái ấm sơ Nụ. Từ đó, nhiều người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ khuyết tật, mồ côi, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được sơ Nụ đón về chăm sóc. Những ngày đầu thành lập, mái ấm sơ Nụ còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhưng bằng tình yêu thương, sự cố gắng của sơ Nụ và các nhà hảo tâm, cuộc sống của những người trong ngôi nhà chung dần ổn định. Từ 2 - 5 người già, trẻ mồ côi được cưu mang, chăm sóc ban đầu, đến nay mái ấm sơ Nụ đã nhận nuôi, nâng đỡ 27 người với đủ mọi lứa tuổi, hoàn cảnh. 

Vài năm trở lại đây, sơ Nụ phải cơi nới thêm phòng, dựng thêm mái tôn ở ngoài sân để cho các cụ già và cháu nhỏ có chỗ ngủ, nghỉ. Trong số 27 người được sơ Nụ cưu mang, có 11 cháu nhỏ và đang trong độ tuổi đi học; 16 người già cô đơn, phụ nữ nghèo không nơi nương tựa. “Mẹ Nụ”, “dì Nụ” là tên gọi thân thương mà các em nhỏ, phụ nữ và người già cô đơn trong mái ấm tình thương dành cho sơ Nụ.

Em Nguyễn Thị Ngọc, xã Phú Lương (Đông Hưng) hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mẹ Ngọc không được tỉnh táo, không thể lao động để nuôi nấng, chăm sóc em. Cảm thông trước hoàn cảnh của gia đình Ngọc, sơ Nụ đã đón hai mẹ con em về mái ấm tình thương chăm sóc, nuôi dưỡng. 

Em Ngọc cho biết: Tại mái ấm, em và mẹ luôn được dì Nụ quan tâm từ vật chất đến tinh thần. Em được đến trường như các bạn cùng trang lứa. Mỗi lúc em ốm đau, chính dì Nụ là người luôn túc trực, chăm lo cho em. Tình yêu thương mà dì dành cho chúng em không khác gì bố mẹ đẻ. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này báo đáp công ơn nuôi nấng, dưỡng dục của dì cũng như không phụ tấm lòng của các bác, các cô, các chú đã giúp đỡ chúng em trong suốt thời gian qua.

Đến với mái ấm sơ Nụ, chắc hẳn ai cũng sẽ cảm thấy ấm áp và đong đầy tình yêu thương như một đại gia đình. Các bà, các chị nếu còn đủ sức khỏe sẽ giúp sơ Nụ làm những việc lặt vặt, các em nhỏ quây quần trong không gian chung, cùng vui chơi, nô đùa. Cháu lớn biết trông em nhỏ, cho em ăn, dạy em học như chị em một nhà.

Cảm động trước tấm lòng của sơ Nụ, nhiều phụ nữ khác trong huyện đã tự nguyện đến mái ấm để chăm sóc các cụ, các em nhỏ mà không cần nhận bất kỳ một khoản tiền công nào. 

Chị Trần Thị Hiền, xã Mê Linh (Đông Hưng) cho biết: Tôi là phụ nữ độc thân, hoàn cảnh cũng rất khó khăn. Biết đến việc làm ý nghĩa của sơ Nụ, tôi đã tình nguyện đến mái ấm và cùng sơ chăm lo cho các cháu và các cụ già.

Để có điều kiện chăm lo cho người già và các em nhỏ tại ngôi nhà chung, sơ Nụ nhận may quần áo tại nhà, tích cực trồng trọt chăn nuôi để có thêm thu nhập. Ngoài ra, sơ cũng vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ bằng nhiều hình thức. 

Sơ Nụ chia sẻ thêm: Niềm vui lớn nhất đối với tôi là các cụ già được ăn no, ngủ ngon, các em nhỏ được chăm sóc đầy đủ và được cắp sách đến trường. Mọi người trong ngôi nhà chung biết yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau. Tôi mong muốn mình có sức khỏe để tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng các con, các bà, các chị; đồng thời tôi cũng mong cấp ủy, chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm quan tâm, tạo điều kiện để có thể mở rộng cơ sở, đón thêm nhiều mảnh đời bất hạnh về chung sống trong mái ấm tình thương.

Bà Bùi Thị Nga, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh cho biết: Sơ Đặng Thị Nụ là người phụ nữ giàu lòng nhân ái. Việc làm của sơ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cần được tôn vinh trong xã hội. Với vai trò của mình, Hội sẽ tiếp tục kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm chung tay ủng hộ, giúp đỡ các cháu nhỏ, người già, phụ nữ nghèo trong mái ấm sơ Nụ.

Tại mái ấm sơ Nụ, những nỗi buồn, sự mất mát giờ đây đã được thay thế bằng những niềm vui. Mặc dù còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng mái ấm sơ Nụ chưa bao giờ thiếu vắng những tiếng cười. Mỗi người một hoàn cảnh, độ tuổi khác nhau nhưng họ đã có một gia đình để trở về, để yêu thương.

Thu Hoài

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày