Thứ 5, 14/11/2024, 11:12[GMT+7]

Nguyễn Đức Thưởng Nạn nhân chất độc gia cam giàu nghị lực

Thứ 6, 23/08/2013 | 11:00:34
1,633 lượt xem
Vượt lên nỗi đau của nạn nhân nhiễm chất độc da cam/Điôxin, ông Nguyễn Đức Thưởng (sinh năm 1952) thương binh hạng 4/4, ở thôn Tây Nha, xã Tiến Đức (Hưng Hà) đã trở thành chủ cơ sở may túi xách nilon thân thiện với môi trường dùng trong siêu thị. Mặt hàng do cơ sở của ông sản xuất được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, góp phần giải quyết việc làm cho gần 100 lao động trong và ngoài địa phương.

Ông Nguyễn Đức Thưởng giới thiệu sản phẩm do xưởng sản xuất.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, ông Thưởng nhớ lại: Năm 1969, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Đến năm 1971, ông bị thương nặng trong một trận đánh, sau khi điều dưỡng sức khỏe bình phục, ông được đưa về công tác tại Cục Hậu cần miền Đông Nam Bộ. Đến năm 1977, ông chuyển về huyện Hưng Hà công tác, cho đến năm 1993 ông nghỉ hưu. Về với cuộc sống đời thường, ông Thưởng luôn trăn trở, suy nghĩ làm gì để có thể giải quyết việc làm cho con em đồng đội và nhân dân địa phương lúc nông nhàn.

Năm 2009, sau khi được Nhà máy Z76, Tổng cục Công nghiệp (Bộ Quốc phòng) đứng ra nhận bao tiêu đầu ra cho sản phẩm túi xách thân thiện với môi trường, ông mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mua máy may công nghiệp, xây dựng nhà xưởng bắt tay vào sản xuất những lô hàng đầu tiên. Những ngày đầu, cơ sở gặp nhiều khó khăn do đội ngũ nhân công chưa thành thạo với máy móc, chất lượng sản phẩm còn thấp nhưng sau dần được nâng lên, đáp ứng yêu cầu của đơn vị đặt hàng. Từ 4 nhân công những ngày đầu thành lập, đến nay xưởng sản xuất của gia đình ông Thưởng đã khá khang trang, tổng diện tích 100 m2 với hơn 20 máy may công nghiệp, tạo việc làm cho gần 30 người, với mức thu nhập ổn định từ 2 – 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài xưởng sản xuất tại xã Tiến Đức, gia đình ông còn mở thêm 2 cơ sở khác tại xã Chí Hòa và xã Hòa Tiến tạo việc làm cho hơn 50 người, chủ yếu là con em trong Hội Cựu chiến binh, Hội Nạn nhân chất độc da cam trong xã.

Trong cuộc sống hàng ngày, ông luôn tâm niệm bản thân mình may mắn hơn nhiều đồng đội. Bởi vậy, ông tự thấy mình cần phải có trách nhiệm với những người vợ, người con của đồng đội đã ngã xuống trong chiến tranh. Cảm thông trước những hoàn cảnh khó khăn của họ, ông chủ động tìm đến từng gia đình động viên để họ đồng ý cho con em đến làm việc tại xưởng sản xuất của gia đình. Ban đầu là hỗ trợ tiền ăn trong thời gian đào tạo nghề (khoảng 1 triệu đồng/tháng), sau đó nhận vào làm tại xưởng sản xuất của gia đình, trả lương theo sản phẩm mà họ làm ra.

Chị Trần Thị Hương, một nhân công đã gắn bó với xưởng từ những ngày đầu thành lập xúc động cho biết: “Tôi rất yên tâm khi được làm việc tại xưởng may của bác Thưởng. Ở đây, chị em chúng tôi được làm việc trong không khí gia đình, có thời gian chăm sóc cho con cái. Sau khi làm xong mùa vụ, thời gian nông nhàn chúng tôi đến làm tại xưởng may để có thêm thu nhập. Từ khi làm việc ở xưởng may, cuộc sống gia đình ngày càng ổn định hơn, với thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng nhưng tôi không phải thuê nhà lại tiết kiệm được xăng xe, tính ra hiệu quả hơn nhiều so với làm xa nhà”.

Nhận xét về cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Đức Thưởng, ông Đỗ Xuân Dự, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin xã Tiến Đức cho biết: “Đây là một trong những xưởng sản xuất đạt hiệu quả kinh tế khá nhất trong các hội viên trong huyện. Ngoài việc giải quyết việc làm cho con em trong Hội, còn tạo điều kiện cho một số người dân địa phương có thêm thu nhập”. Hàng năm, ông Thưởng rất tích cực đóng góp kinh phí ủng hộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin, Hội Khuyến học của xã với số tiền hàng chục triệu đồng. Năm 2011, ông Thưởng vinh dự được Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh vinh danh vì “có tấm lòng nhân đạo cao cả luôn hành động vì nạn nhân chất độc da cam/Điôxin”.

Nói về dự định trong tương lai, ông Thưởng hồ hởi cho biết: Trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng cơ sở sản xuất, nâng cao thu nhập cho người lao động. Ngoài ra, ông cũng rất mong nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương để có thể mở rộng quy mô nhà xưởng, từng bước đáp ứng việc làm cho các đối tượng bị nhiễm chất độc da cam và con em các cựu chiến binh trong và ngoài huyện.                   

Bài, ảnh: Quốc Hưng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày