Thứ 7, 23/11/2024, 06:38[GMT+7]

Thành công nhờ dám nghĩ, dám làm

Thứ 4, 05/06/2024 | 20:10:54
4,381 lượt xem
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu”. Thấm nhuần lời Bác, ông Phan Minh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh lương thực Minh Cường, thôn Trung Kiên, xã Nam Bình (Kiến Xương) đã dám nghĩ, dám làm, không ngừng học hỏi, sáng tạo, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng.

Hệ thống máy móc hiện đại của Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh lương thực Minh Cường.

Chia sẻ về con đường lập nghiệp của mình, ông Cường cho biết: Sau khi đi bộ đội 4 năm trở về địa phương, việc đầu tiên tôi nghĩ tới là phải tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình. Trải qua rất nhiều nghề như sửa xe, kinh doanh vật liệu xây dựng và đã từng làm thủ tục để đi xuất khẩu lao động nhưng tất cả đều không thành công nên tôi đã quay về quê hương làm nông nghiệp. Thời điểm đó nhà chỉ có vài sào ruộng, canh tác manh mún, nhỏ lẻ song lại rất vất vả, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Đầu năm 2014, nhận thấy tình trạng thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng, nhiều người không thiết tha với đồng ruộng nên tôi thuê lại hơn 4ha ruộng của người dân để cấy lúa hàng hóa với mức thuê từ 35 - 40kg thóc/sào/năm. Khi mới bắt tay vào làm, do mặt ruộng không đồng đều, chỗ thấp chỗ cao, phần lớn diện tích nằm ở vùng khó thâm canh, hay bị chuột phá hoại nên tôi đã phải rất vất vả để cải tạo đồng ruộng. Trên diện tích đó, tôi cấy các giống lúa có năng suất, chất lượng cao như Bắc thơm, T10, BC15 và lúa nếp truyền thống để làm hàng hóa. Cũng từ đó tôi đưa máy làm đất, máy gặt vào đồng ruộng để giải phóng sức lao động cho mình và người dân. 

Tuy nhiên, sau khi làm được khoảng 3 năm, nhiều người thấy tôi làm hiệu quả nên ồ ạt đầu tư máy làm đất và máy gặt, lúc đó tôi nghĩ ngay tới việc tìm hướng đi khác. Quan điểm của tôi là phải có lối đi riêng, nếu chung đường với nhiều người sẽ bị bão hòa, không mang lại hiệu quả. Vì thế tôi đã liên kết với doanh nghiệp đưa máy cấy vào đồng ruộng. Mới đầu làm cũng vô cùng vất vả bởi người dân chưa tin, tuy nhiên sau đó lúa phát triển tốt, năng suất cao hơn nhiều so với cấy tay, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật nên nhiều người thay đổi cách nhìn nhận, thuê tôi cấy máy. Cũng từ đó tôi trở thành người đầu tiên của xã đưa máy cấy vào đồng ruộng làm diện tích lớn nhất ở địa phương. 

Để bảo đảm phát triển bền vững, năm 2016 tôi thành lập doanh nghiệp và ký hợp đồng cung ứng thóc cho Cục Dự trữ quốc gia. Yêu cầu đơn hàng phải đáp ứng nhiều tiêu chí như hạt thóc chắc mẩy, thủy phần đạt nên đòi hỏi công đoạn phơi sấy rất vất vả. Vì thế, một mặt tôi chủ động liên kết với các HTX trong huyện để thu mua 1.200 tấn thóc tươi/năm, mặt khác tôi đầu tư nhà xưởng, giàn sấy công suất 50 tấn/ngày đêm cùng các trang thiết bị hiện đại với chi phí gần 10 tỷ đồng. Nhờ đó, lượng thóc thu mua tới đâu được sấy khô ngay tới đó, kịp thời vụ, bảo đảm chất lượng. 

Theo ông Cường, trong quá trình làm nông nghiệp phát sinh nhiều vấn đề bởi lượng thóc nhiều sẽ cho ra lượng trấu và cám nhiều cần có nơi tiêu thụ ổn định. Đơn cử như nếu chế biến 10 tấn thóc sẽ có 2 tấn trấu và khoảng 5 tạ cám nên buộc ông phải tìm đầu ra cho các sản phẩm phụ. Sau đó ông quyết định xây chuồng trại chăn nuôi lợn công nghiệp, ký hợp đồng với các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi và mua máy về ép trấu thành than củi trấu. Sản phẩm than củi trấu dần được mọi người biết đến bởi nguyên liệu được làm từ trấu không độc hại, không gây ô nhiễm môi trường, chi phí rẻ, tro của than củi trấu lại tiếp tục được làm phân bón trong sản xuất nông nghiệp. Vì thế nhiều nơi đã đặt hàng, bình quân mỗi tháng cung ứng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất 150 tấn than củi trấu. Đây là mô hình nông nghiệp khép kín, sản phẩm phụ cũng là sản phẩm chính và đều mang lại thu nhập nên được đánh giá cao. Với mô hình sản xuất trên, mỗi năm doanh thu của Công ty đạt hơn 10 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi gần 2 tỷ đồng. 

Theo ông Cường, làm doanh nghiệp, nhất là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, để thành công nhất định phải dám nghĩ, dám làm, là người đi đầu làm trước cho dù có thể thành công hoặc thất bại. Ngoài ra, phải hiểu thời cuộc, thị trường, có tầm nhìn và khả năng nắm bắt cơ hội. 

Bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, ông Cường còn gương mẫu đi đầu trong các phong trào, hoạt động của Hội Doanh nghiệp huyện Kiến Xương cũng như các phong trào, hoạt động ở địa phương. Ông trở thành tấm gương điển hình về tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. 

Ông Phan Minh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh lương thực Minh Cường kiểm tra sản phẩm gạo. 

Thu Thủy 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày