Thứ 5, 14/11/2024, 11:12[GMT+7]

Thầy Ðào Viết Quạt - Người thầy mẫu mực

Thứ 4, 27/11/2013 | 15:56:56
1,112 lượt xem
Ở làng An Ðịnh, xã Thụy Văn (Thái Thụy) kể từ tôi năm nay đã 81 tuổi, cho đến các lớp tuổi từ 70 đến 60, tất cả chúng tôi đều là học sinh của thầy giáo Ðào Viết Quạt.

Giờ tin học của thầy và trò Trường THCS Thị trấn Ðông Hưng, huyện Ðông Hưng. Ảnh: Ngọc Linh

 

Bây giờ thầy giáo Ðào Viết Quạt đã mất từ lâu, nếu còn sống thì năm nay thầy cũng ở độ trên một trăm tuổi. Thầy sinh năm 1910 trong một gia đình nhà nho, năm 1928 thầy đỗ bằng Séc ti phi ca (bây giờ tương đương lớp 9 trường THCS). Sau đó thầy thi vào sư phạm được bổ làm Hương sư tại làng tôi. Thời kỳ này ngôi đình của làng còn khá đồ sộ, có thể học được tất cả các lớp thuộc hệ thống trường tiểu học.

 

Thời gian này cơ ngơi giảng dạy của thầy rất thuận lợi, nhưng đến Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, các thầy hương sư đều được tuyển vào dạy ở trường tiểu học. Ðến năm 1950 làng An Ðịnh của chúng tôi được huyện và tỉnh chọn làm làng kháng chiến kiểu mẫu. Ngày 6/3/1950 làng tôi đã tổ chức một trận chống càn quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, vì thế các công trình như đình làng, các ngôi từ đường dòng họ đều bị giặc Pháp đánh sập, tuy dân tình nghèo đói, nhiều gia đình vẫn kiên quyết cho các con ăn học. Tiếp sức cho sự hiếu học của họ, thầy giáo Ðào Viết Quạt, với phương châm, nay đây, mai đó, hễ có lớp có bảng đen là thầy lại mở trường, nếu ban ngày bận sản xuất thì học ban đêm. Nhờ có sự tận tâm của thầy mà phong trào học tập của xã Thụy Văn đã trở thành điển hình trong toàn huyện kể cả ngành phổ thông và bổ túc văn hóa.

 

Có nhiều em học sinh đi bộ đội đóng quân ở Tây Bắc Ðiện Biên hay sau này vào Namon> chiến đấu đều có thư về thăm thầy giáo Ðào Viết Quạt, trong đó điển hình Ðại tá Ðặng Hương, mỗi lần về thăm quê, không lần nào Ðại tá không tới chúc sức khỏe và thăm thầy. Có học sinh làm tới chức Phó Chủ tịch tỉnh cũng vậy, mỗi lần về thăm quê đều đến hỏi thăm sức khỏe của thầy Ðào Viết Quạt. Bản thân tôi tuy chỉ học thầy hết lớp 4, tôi vào bộ đội được đi học thêm. Sau này tôi trở thành một sĩ quan pháo binh, được tham gia chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Tôi không bao giờ quên được công ơn của thầy. Tất cả học sinh chúng tôi đều yêu kính thầy, bởi thầy có lòng yêu nghề mến trẻ, tất cả vì học sinh thân yêu. Ðặc biệt hơn khi thầy sinh ra ngay từ nhỏ cả cánh tay phải của thầy teo tóp, bàn tay thì nhỏ xíu không đủ 5 ngón. Do đó việc học hành của thầy vô cùng khó khăn. Khi thầy học nghề sư phạm, thầy đã rèn luyện cho mình viết bằng tay trái, chữ thầy rất đẹp và mẫu mực không thua kém gì bất kỳ thầy cô giáo nào.

 

Tấm gương cần cù chịu thương chịu khó học tập và rèn luyện để vượt khỏi mặc cảm bản thân của thày Ðào Viết Quạt được nhiều thế hệ học trò nể phục. Song cái khó hơn thầy luôn luôn là người thầy mẫu mực cho chúng tôi noi theo và thầy đã mãi mãi để lại trong lòng nhân dân một tình cảm tôn sư trọng đạo hết sức cao đẹp.

Nguyễn Ngọc Thường

(An Ðịnh, Thụy Văn, Thái Thụy)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày