Thứ 7, 23/11/2024, 17:29[GMT+7]

Quê hương tuổi thơ tôi

Thứ 4, 27/11/2013 | 16:38:06
4,483 lượt xem
Quê hương ai cũng chỉ có một song mỗi người lại có một quê hương với những ký ức riêng. Với tôi, quê hương chính là thuở ấu thơ đầy kỷ niệm...

Ao quê. Ảnh: Hữu Dụng (Thành phố Thái Bình)

Ngay từ khi còn học cấp một, sau mỗi buổi cắp sách đến trường chúng tôi những đứa trẻ trâu đủ trò nghịch ngợm. Nào là đốt rạ nướng khoai, nào là hun khói bắt chuột, và cả những trưa hè trốn mẹ dãi nắng, tắm sông. Tôi là đứa “nhát như cáy”, vậy mà chỉ vài buổi lặn ngụp dưới sông đã biết bơi thành thạo, cũng không hiểu là do tôi có khiếu bơi lội cộng với sự kiên trì tập luyện và sự dìu dắt của mấy anh lớp lớn, không nản lòng vì mấy lần no nước, hay do con chuồn chuồn ngô cắn rốn rớm máu đến nhiễm trùng.

 

Giữa những ngày mùa oi ả, chúng tôi được nghỉ học một tuần. Từng ấy ngày, mỗi đứa hưởng ứng phong trào Kế hoạch nhỏ một ki lô gam lúa. Vậy là những bông lúa, gié lúa còn sót lại trên những mô rạ hay do mấy bác xe thồ làm rơi rớt trên đường được lượm mót kỹ càng. Năm nào cũng vậy, tôi đều đạt danh hiệu chiến sỹ kế hoạch nhỏ. Không tài giỏi gì cho lắm, là do trong lúc lùa trâu ra đồng, tôi đã cần cù lượm mót, năng nhặt chặt bị, tôi không bỏ sót một mô rạ nào, dù chỉ 01 gié lúa.

 

Vụ màu, quê tôi khoai nhiều vô kể, không cần tốn công lội xuống rõng khoai mà ngồi trên lưng trâu dùng một đoạn tre nhọn, chọc vào chỗ nứt trên luống khoai, xoáy nhẹ, lôi lên, thế là có món khoai sống ăn liền. Ðến kỳ thu hoạch, nhìn những khoai mẹ, khoai con như đàn heo sữa mũm mĩm, thôi thì đủ loại: khoai Hoàng Long vỏ đỏ, ruột vàng, khoai Sài Gòn nổi tiếng thơm ngon, khoai bi hay còn gọi là khoai 68 ruột trắng, dẻo, khoai tím… Từ khoai, người dân quê tôi làm ra đủ món: khoai luộc, khoai nướng, khoai hấp, khoai khô nấu với lạc và gạo nếp, riêng khoai tây có thể xào, nấu canh, chiên, làm chả…Bọn trẻ chúng tôi, cứ đến mùa khoai là béo tròn trùng trục. Bà tôi thì bảo, nhờ khoai mới qua cơn đói khổ.

 

Vào những đêm trăng hè sáng vằng vặc, cả làng tôi được nghe tiếng sáo diều ngân nga của bác Khương, người nổi tiếng với đủ loại diều lớn nhỏ, có con dài đến 10 m, phải dùng dây lạt tre bện lại mới thả được diều, đi kèm theo đó là những ống sáo bằng vế đùi. Trước khi diều no gió, đầu dây còn lại phải được cột chắc vào bụi tre già, ấy vậy mà có khi gió mạnh, diều chao lượn khiến bụi tre oằn mình, phát ra tiếng kêu cót két. Diều của bác Khương bọc bằng vỏ bao xi măng dầy và bền chắc, đây cũng chính là loại giấy để bao tập sách của tất thảy trẻ em vùng quê chúng tôi.

 

Giờ đây, đôi lần về lại làng quê, tôi không còn thấy nhiều những đứa trẻ trâu đen nhẻm như chúng tôi ngày trước. Cuộc sống khá hơn nhiều, điện, đường, trường trạm được đầu tư xây dựng khang trang, nhà nhà lầu hóa, học sinh đa số học hai buổi, duy chỉ có con sông quê tôi vẫn hiền hòa chảy mãi gợi cho tôi nhiều kỷ niệm thuở ấu thơ...

Bùi Văn Sơn

(Thuyền Đỗ, Thụy Phúc, Thái Thụy)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày