Thứ 7, 23/11/2024, 18:13[GMT+7]

Đồng bào Công giáo Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Thứ 6, 29/11/2013 | 09:03:56
1,822 lượt xem
Thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, đồng bào Công giáo trong tỉnh luôn gương mẫu phát huy truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Vườn quất của bà con giáo dân xã Đông Hòa (Thành phố Thái Bình) cho hiệu quả kinh tế cao.

Đời sống của đồng bào Công giáo được cải thiện rõ rệt. Số hộ nghèo giảm dần, số hộ khá, giàu tăng, không còn hộ đói. Trong tổng số hơn 26.000 hộ đồng bào Công giáo trong tỉnh, tính đến cuối năm 2012 có 3.347 hộ giàu (13%); 8.158 hộ khá (32%); số hộ nghèo chỉ còn trên 1.900 hộ (8%).

Theo đồng chí Phan Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh, để góp phần nâng cao đời sống nhân dân, MTTQ các cấp đã tăng cường công tác tuyên truyền vận động các chức sắc, ban trùm các xứ họ giáo, động viên các hộ gia đình Công giáo hăng hái thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, tích cực học nghề và đưa nghề mới về địa phương, phát triển kinh doanh dịch vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương, gia đình.

Toàn tỉnh hiện có 3.472 hộ gia đình Công giáo chuyển đổi mô hình kinh tế và làm ăn có hiệu quả như chuyển đổi giống lúa ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao để cải tạo giống lúa dài ngày, đưa các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao để cải tạo vườn tạp, đẩy mạnh luân canh tăng vụ, tích cực trồng cây màu, cây vụ đông để nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích canh tác. Điển hình trong phong trào sản xuất vụ đông hiệu quả là đồng bào Công giáo thuộc giáo xứ Thượng Phúc (xã Thụy Sơn, huyện Thái Thụy). Đã nhiều năm, bà con đưa cây sa lát, dưa gang và củ cải đường vào trồng để làm hàng hóa xuất khẩu, tiêu thụ trong nước, cho thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/ha/vụ.

Thực hiện các chương trình, nghị quyết của tỉnh về đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung, nhiều hộ đồng bào Công giáo trở thành những điển hình sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân tiêu biểu khi gương mẫu đi đầu phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại cho giá trị kinh tế cao. Điển hình như hộ gia đình ông Trương Văn Dung xứ Thanh Châu (xã Nam Thanh, huyện Tiền Hải) chăn nuôi trang trại với tổng doanh thu đạt khoảng 6 tỷ đồng/năm. Gia đình anh Bùi Văn Đức, trùm trưởng họ giáo Xá Thị (xã Thụy Hưng, huyện Thái Thụy) luôn duy trì nuôi từ 15 - 20 con lợn nái, 60 - 80 đầu lợn thịt cùng hàng nghìn con gà, vịt cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tiệp, xứ Mỹ Đình (xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà) là chủ trang trại nuôi rắn, ba ba cho giá trị kinh tế cao.

Năng động, tích cực nghiên cứu thị trường, phát huy ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống và du nhập các nghề mới về địa phương, đã có 2.241 hộ đồng bào Công giáo trong tỉnh sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ đáp ứng nhu cầu của nhân dân, làm giàu cho bản thân và gia đình, mà còn giúp giải quyết nhiều việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động. Đó là gia đình ông Tạ Văn Thiết, xứ Châu Nhai (xã Nam Thanh, Tiền Hải), chuyên kinh doanh sản phẩm hải sản tươi sống và thức ăn gia súc.

Tổng doanh thu ước đạt khoảng 5 tỷ đồng/năm. Chị Nguyễn Thị Sim, họ giáo Đồng Vân (xã Vũ Lễ, huyện Kiến Xương) là chủ cơ sở dệt may, thường xuyên có khoảng 30 nhân công làm việc với mức thu nhập 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Anh Nguyễn Văn Uẩn, giáo xứ Trà Vy (xã Vũ Công, Kiến Xương) là chủ cơ sở xay xát đánh bóng gạo, thường xuyên tạo việc làm cho 10 - 15 lao động. Bà Tạ Thị Sáu, họ giáo Diêm Điền (Thái Thụy) làm nghề chế biến hải sản, luôn duy trì 10 lao động với mức thu nhập 3 triệu đồng/người/ tháng; doanh thu 1 tỷ đồng/ năm.

Bà Trần Thị Thiết, họ giáo Thượng Phúc (xã Thụy Sơn,Thái Thụy) là chủ cơ sở sản xuất mây tre đan xuất khẩu, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 120 lao động, thu nhập bình quân từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Ông Bùi Đức Trưởng, họ giáo Cam Châu (xã Thụy Liên, Thái Thụy) đầu tư mua 7 xe khách, thường xuyên chạy tuyến Thái Bình - Hà Nội - Hưng Yên, giải quyết việc làm cho 18 lao động, thu nhập  từ 3 - 6 triệu đồng/người/tháng; doanh thu khoảng 2,5 tỷ đồng/năm.

Hưởng ứng phong trào tương trợ giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu, đồng bào Công giáo nhiều họ giáo trong tỉnh đã đoàn kết, vận động giúp nhau gần 40.500 cây, con giống các loại, giúp 13.760 lượt người vay vốn để phát triển kinh tế; 4.925 lượt người được hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy, hải sản. Nhiều hộ nghèo được hỗ trợ xóa nhà ở dột nát, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống. Tiêu biểu như đồng bào Công giáo xứ Mỹ Đình, họ giáo Lái huyện Hưng Hà, họ giáo Thái Sa, Vô Ngại huyện Vũ Thư; xứ Đồng Phú, Tân Châu, Thanh Minh, Quân Trạch và các họ Bắc Trạch, Thanh Minh huyện Tiền Hải; họ giáo Đông Châu huyện Quỳnh Phụ...

Gương mẫu đi đầu thực hiện các phong trào phát triển kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của bà con Công giáo ngày càng sung túc. Cùng với gương mẫu chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng nếp sống văn hóa, tích cực tham gia xây dựng chính quyền vững mạnh, bà con Công giáo đã đạt nhiều thành tích trong phong trào xây dựng “xứ họ 4 gương mẫu”.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 98/325 xứ họ đạt danh hiệu “xứ họ 4 gương mẫu” 5 năm liền, tăng 46 xứ họ so với 5 năm trước. Với phương châm sống tốt đời, đẹp đạo, đồng bào Công giáo đã góp phần tích cực cùng nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới.

HÀ DUNG

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày