Thứ 4, 13/11/2024, 06:40[GMT+7]

Ý chí thoát nghèo của cựu chiến binh Nguyễn Văn Bằng

Thứ 5, 19/12/2013 | 09:03:54
1,659 lượt xem
Năm nay tuổi đã xấp xỉ lục tuần, nhưng cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Bằng ở thôn 2, xã Vũ Đoài (Vũ Thư) trông vẫn rắn chắc và nhanh nhẹn. Ông bảo giờ thì cuộc sống mới ổn định và dễ chịu, chứ trước đây cuộc đời ông nhiều thăng trầm lắm!

Ông Nguyễn Văn Bằng chăm sóc đàn gà nuôi thả vườn.

Tháng 2/1975, ông nhập ngũ lúc vừa tròn 20 tuổi. Mặc dù đơn vị là Bộ Tư lệnh vùng 1 Hải quân đóng ở Hải Phòng nhưng cuộc đời lính pháo tàu của ông luôn lênh đênh theo những con sóng từ Hải Phòng cho tới Cam Ranh - Nha Trang. 8 năm gian khổ nhưng ông luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ đơn vị giao. Ông phục viên xuất ngũ về quê hương năm 1983 trong điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, bố mẹ già và con nhỏ.

Vốn liếng duy nhất của ông để bắt đầu lập nghiệp là hơn 2 mẫu ruộng bố mẹ giao cho. Nhận thấy cấy cày chỉ đủ ăn mà không thể làm giàu, ông quyết định đầu tư chăn nuôi. Có bao nhiêu tiền tích góp được, ông dốc hết mua 3 con lợn nái sinh sản. Nhưng do thiếu kiến thức chăm sóc, phòng bệnh, thiếu thức ăn nên ông đã thất bại hoàn toàn. Không nản, ông lại vay mượn anh em bạn bè để làm lại. Nhưng rồi như những lần trước, ông lại trắng tay. Ông không bỏ cuộc, tiếp tục rút kinh nghiệm, đi học hỏi những người chăn nuôi thành công. Và rồi, trời không phụ người có tâm, có chí. Từ một con lợn, ông đã nhân giống thành đàn lợn chục con. Quá trình nuôi, ông lựa chọn 4 con để làm lợn nái, còn lại nuôi lợn thịt.

Không giống như nhiều hộ chuyển đổi chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ông áp dụng phương pháp nuôi bán công nghiệp để tận dụng nguồn lương thực từ sản xuất nông nghiệp của gia đình, với con gà, con vịt ông cũng nuôi theo phương pháp này. Ông cho hay, nhờ tận dụng thực phẩm sẵn có của gia đình nên khi giá cả thị trường biến động, việc chăn nuôi cũng không lao đao theo. Đặc biệt, chất lượng thịt của lợn, gà, vịt cũng cao hơn so với nuôi công nghiệp, nên dễ tiêu thụ và giá bán cao hơn so với thị trường chung. Trong những đợt địa phương có dịch bệnh lở mồm, long móng, tai xanh ở lợn, nhiều nhà điêu đứng thua lỗ thì nhà ông, đàn vật nuôi không hề hấn bị bệnh. Ông chia sẻ kinh nghiệm: “Để chăn nuôi thành công thì phải nắm chắc công thức: 2 phải + 1 cần. Đó là phải vệ sinh chuồng trại, môi trường chăn nuôi tốt và phải tiêm đủ các mũi vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm. Mà muốn vệ sinh môi trường và giảm chi phí trong chăn nuôi thì cần xây lắp bể Bioga để xử lý phân và lấy gas làm nguyên liệu đốt. Có vậy dịch bệnh mới không tìm đến đàn vật nuôi của mình.”

Với quy mô nuôi gia trại từ 70 - 80 con lợn, 150 con gà và hàng trăm con vịt, mỗi năm gia đình CCB Nguyễn Văn Bằng thu về khoảng hơn 300 triệu đồng. Bên cạnh chăn nuôi, gia đình ông cũng cấy gần 1,5 mẫu lúa, trồng 7 sào đậu tương và bí xanh vụ đông. Trừ mọi chi phí, tổng thu nhập của gia đình ông đạt khoảng 200 triệu đồng mỗi năm.

Là người sản xuất chăn nuôi giỏi, CCB Nguyễn Văn Bằng lại chân tình chia sẻ kinh nghiệm với bà con xóm giềng và đồng chí đồng đội trong chi hội CCB. Nhờ thế mà nhiều gia đình hội viên CCB và bà con trong thôn thoát nghèo, bước đầu có của ăn của để từ việc phát triển chăn nuôi.

Khắc Duẩn
(Đài Truyền thanh Vũ Thư)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày