Thứ 7, 23/11/2024, 18:13[GMT+7]

Bánh chưng Thanh niên xung phong

Thứ 3, 14/01/2014 | 09:44:43
1,109 lượt xem
Xuân Canh Tý 1960 đã lùi xa hơn nửa thế kỷ. Giờ đây vật chất thực sự đã dư dật, vậy nhưng cứ nhìn lên mâm cỗ Tết trong tôi tự nhiên lại tái hiện hình ảnh chiếc “BÁNH CHƯNG THANH NIÊN XUNG PHONG” - Một dấu ấn khó quên giữa ngày mở đường gian khổ trên xứ núi Tuần Giáo năm nào

Hình ảnh chỉ mang tính minh họa.

Xuân Canh Tý 1960, tất cả các đơn vị Thanh niên xung phong (TNXP) thuộc CT426 Tuần Giáo - Ðiện Biên được lệnh “án binh bất động”, nghĩa là ăn tết tại trận. Gần một năm xa quê lên Tây Bắc phá núi, mở đường, trăm bề thiếu thốn, Tết đến xuân về lại không được đoàn tụ gia đình, nên nghe tin này mặt ai cũng ỉu xìu. Nhưng được cán bộ giải thích, lại tai nghe, mắt thấy khó khăn đường xá, các chiến sĩ TNXP nhanh chóng ổn định tư tưởng, hồ hởi bắt tay đón cái Tết xa nhà lần đầu trên miền Tây xa xôi.

Song song với chăm lo đời sống tinh thần, Ban chỉ huy đơn vị đặc biệt chú ý chuẩn bị khâu vật chất trong đó món bánh chưng được tính đến trước tiên. Lúc đầu ai cũng nghĩ, giữa vùng đèo heo hút gió làm sao có đủ điều kiện gói được bánh chưng? Không ngờ khi đem ra bàn mới phát hiện hẳn một kho sáng kiến. C30 chỉ duy nhất  người Thái Bình.

Mà nói đến dân tỉnh lúa nước thì gói bánh chưng ai cũng sẵn sở trường cha truyền con nối. Khâu nguyên liệu được xem hóc búa nhất vậy mà giải mã lại khá nhanh. Ví như gạo nếp, thứ rất hiếm giữa thời tem phiếu ai ngờ đây lại là loại “lương thực phổ cập” ở Tuần Giáo. Ðất nương vùng này có vẻ như phải cấy lúa nếp mới thích hợp thành ra quanh năm suốt tháng dân bản chẳng biết cơm tẻ là gì. Ðứng chân tại Tuần Giáo, TNXP cũng đồng cam cộng khổ... ăn cơm nếp trường kỳ.

Ðể có bánh ngon, tổ anh nuôi nẩy ra sáng kiến mang nếp nương vào bản đổi lấy nếp thơm bằng cách “các” thêm dầu hỏa hoặc muối ăn vì đồng bào dân tộc ngày ấy rất chuộng 2 mặt hàng này. Món nếp coi như đã ổn, phần nhân cũng gọn ghẽ trong tầm tay: Tại “chuồng Ðại đội” thấy sẵn mấy chú ỉn béo mũm mĩm. Riêng khoản đỗ xanh do tổ tiếp phẩm đã mua dự trữ nhân chuyến lên bản Mèo hàng tháng trước đó.

Ở dưới xuôi, để có nồi bánh tết người ta phải lo xa từ chiếc lạt, tấm lá dong và trước hết là món củi đun. Mấy thứ quý hiếm này tại rừng Tuần Giáo nhiều không kể xiết. Hôm 26 tháng Chạp là “Ngày gói bánh”, cả Ðại đội cứ “vui như Tết”. Nhóm mổ lợn, nhóm vo nếp, rửa đỗ, nhóm tỉa lá, chẻ lạt... rất sôi động. Nhộn nhịp nhất là lúc túm tụm gói bánh. Dân Thái Bình khéo tay, từ con gái đến con trai ai cũng tranh thể hiện tài gói bánh chưng. Lá đẹp, lạt dẻo chỉ loáng cái mấy trăm chiếc bánh vuông vức đã hiện hình. Vừa lúc ấy ai đó cất tiếng:

- Bánh to và nhiều thế này nấu bằng chảo không ổn rồi! Ðến lúc ấy mọi người mới giật mình: không có dụng cụ chuyên dùng! Bếp Ðại đội có mấy chiếc chảo lớn vẫn nấu cơm nấu canh bây giờ tận dụng chưng bánh chắc chắn không thích hợp vì miệng chảo quá rộng rất ít hơi... Ðang lúc bận tâm, bỗng có người lên tiếng:

- Trong bản có chiếc xoong to lắm. - Vào bản hỏi mượn xoong, việc này cứ giao cho cậu Khuyến là xong!

Chả là ngày ấy trong Ðại đội chỉ mình tôi có tấm Bằng tốt nghiệp cấp 2 (lớp 7). Ðược giao dạy bổ túc văn hóa ở bản Thái sở tại nên tôi quen biết nhiều trong đó có cô bạn Lò Thị Hin 15 tuổi. Tôi tức tốc tìm gặp em Hin mới rõ ngọn ngành: Sau chiến dịch Ðiện Biên, trước khi về xuôi, một đơn vị bộ đội tặng dân bản chiếc xoong chiến lợi phẩm rất lớn. Chiếc xoong hiện do trưởng bản cất giữ để dùng chung... Em Hin đưa tôi tới nhà trưởng bản. Thấy tôi ngỏ ý mượn xoong, ông vui vẻ bê ra cho tôi xem. Trưởng bản giải thích, nó vốn là thùng đựng y cụ của lính Pháp do bộ đội đoạt được trong chiến dịch. Các anh bộ đội khéo tay gò lại nên mới thành chiếc “nồi Tây” to đùng này!... Mượn được xoong, tôi tức tốc vác ngay về đặt giữa sân Ðại đội trong ánh mắt phấn chấn của mọi người.

Giữa khuôn bếp dã chiến kê bằng những tảng đá, củi khô bắt lửa cháy rần rật suốt chiều, cả đêm và đẫy ngày hôm sau. Xoong tốt, củi sẵn, 3 - 4 mẻ bánh chưng lần lượt “xuất xưởng” trọn vẹn không chê vào đâu được. Ðại đội trưởng chọn ra 2 chiếc bánh ưng ý dặn tôi khi đem trả xoong nhớ mang vào biếu trưởng bản gọi là chút quà xuân. Nhìn cặp bánh vuông chằn chặn xanh xanh sắc lá, mỗi chiếc nổi bật 4 sợi lạt giang tinh khôi, tôi nảy ra ý tưởng tìm giấy đỏ cắt 2 mảnh gọn ghẽ trên đó viết nắn nót mấy chữ: “BÁNH CHƯNG THANH NIÊN XUNG PHONG”. Kẹp giấy vào từng chiếc bánh, xong xuôi tôi vác xoong và bánh vào cảm ơn trưởng bản. Nhìn cặp bánh đẹp quá, trưởng bản tấm tắc:

- Thanh niên xung phong khéo tay thật!...

Tiếng lành đồn xa, tận tới 29, 30 Tết vẫn còn thấy bà con người Thái ra nhờ TNXP vào nhà gói bánh giúp. Từ sau “sự kiện gói bánh chưng”, quan hệ giữa TNXP và dân bản ngày thêm gắn bó thân thiết.

Xuân Canh Tý 1960 đã lùi xa hơn nửa thế kỷ. Giờ đây vật chất thực sự đã dư dật, vậy nhưng cứ nhìn lên mâm cỗ Tết trong tôi tự nhiên lại tái hiện hình ảnh chiếc “BÁNH CHƯNG THANH NIÊN XUNG PHONG” - Một dấu ấn khó quên giữa ngày mở đường gian khổ trên xứ núi Tuần Giáo năm nào!

Hoàng Ngọc Khuyến

(Thị trấn Diêm Ðiền, huyện Thái Thụy)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày