Thứ 7, 23/11/2024, 17:42[GMT+7]

Phụ nữ Việt Nam từ “anh hùng, bất khuất” đến “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”

Thứ 3, 14/01/2014 | 11:07:23
138,148 lượt xem
Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, người phụ nữ không chỉ là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến mà còn trực tiếp tham gia đánh đuổi giặc ngoại xâm, lập nhiều chiến công hiển hách, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Ngày nay, phụ nữ Việt Nam trẻ cũng như già tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang, ra sức học tập, rèn luyện theo 4 phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” để khẳng định vai trò, vị trí của

Tiểu phẩm “Thần Nông hạ giới” của xã Ðông Quang (Ðông Hưng) đạt giải nhất Hội thi “Phụ nữ Ðông Hưng tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang cùng nhân dân hưởng ứng xây dựng nông thôn mới”.

Ðối mặt với cảnh nước mất nhà tan có không ít “má hồng” đã vượt lên định kiến khắc nghiệt của chế độ phong kiến, cưỡi ngựa, cầm gươm xông pha trận mạc đánh đuổi giặc ngoại xâm trở thành các nữ anh hùng của dân tộc được lưu danh sử sách. Ðầu công nguyên có Hai Bà Trưng, sau có Triệu Thị Trinh: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá kình ngoài biển Ðông...”; 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc có nhiều nữ anh hùng như Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Thị Ðịnh, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thị Út (Út Tịch), Nguyễn Thị Chiên...

 

Khi đất nước hòa bình, nam - nữ được bình quyền, nhiều phụ nữ đã thoát khỏi cái bóng của nam giới mạnh dạn, tự tin bước vào chốn thương trường tạo dựng thương hiệu và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động hay say mê nghiên cứu khoa học, chịu khó học hỏi trở thành những nữ cán bộ chủ chốt, nhà ngoại giao tài năng, trong số họ có nhiều người được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Ghi nhận và tôn vinh những cống hiến, hy sinh của phụ nữ, Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ kháng chiến và “Trung hậu, đảm đang, tài năng, anh hùng” trong thời kỳ đất nước đổi mới. Ðó không chỉ là sự khích lệ, động viên mà còn là sự thừa nhận và đánh giá cao vai trò của phụ nữ.

 

Chị Nguyễn Thị Tình, công nhân Xí nghiệp May Hưng Hà (Tổng Công ty May 10) 2 lần đạt giải Hội thi “Đôi bàn tay vàng”.

 

Ngày nay, các thế hệ con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu đang ra sức học tập, lao động sáng tạo tạo dựng sự nghiệp, khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình và xã hội. Nhưng để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, người phụ nữ không chỉ giỏi việc nước mà còn phải đảm việc nhà, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, là chỗ dựa vững chắc của chồng con.

 

Với mong muốn giữ gìn, phát huy và xây dựng những phẩm chất tốt đẹp vừa mang nét truyền thống của phụ nữ Á Ðông hòa quyện với phong cách hiện đại ngày nay Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã xây dựng và triển khai Ðề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (giai đoạn 2010 - 2015), trong đó giữ lại 2 phẩm chất “trung hậu, đảm đang” không thể thiếu của người phụ nữ Việt Nam trong mọi thời đại và bổ sung 2 phẩm chất “tự tin, tự trọng” để xây dựng hình ảnh đẹp của người phụ nữ thời nay. Sau gần 4 năm đẩy mạnh tuyên truyền vận động thực hiện Ðề án, các chị em đã không ngừng học tập và rèn luyện theo 4 phẩm chất đạo đức tốt đẹp đó.

 

Là thợ may bậc 3 của Xí nghiệp May Hưng Hà (Tổng Công ty May 10) nhưng chị Nguyễn Thị Tình (xã Thống Nhất) đã 2 lần đạt “Ðôi bàn tay vàng”, “Ðôi bàn tay bạc”, vinh dự là một trong số 11 điển hình của phụ nữ toàn tỉnh được UBND tỉnh tặng Bằng khen về lao động giỏi, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; năm nào cũng đạt lao động tiên tiến xuất sắc. Ðể đạt được thành tích này, chị Tình cho rằng bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của Xí nghiệp, bản thân không ngại khó, ngại khổ, tích cực học tập, nâng cao tay nghề, tự tin tham gia các hội thi, các phong trào do công đoàn, xí nghiệp tổ chức, sắp xếp thời gian hợp lý để là người giỏi việc thợ, đảm việc nhà.

 

Với chị Nguyễn Thị Vinh, Giám đốc Công ty TNHH XNK Tiến Thành (Thành phố Thái Bình) cả 4 phẩm chất tốt đẹp “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” của người phụ nữ hiện đại đều hội tụ ở nữ doanh nhân này. Công ty của chị tạo việc làm thường xuyên cho từ 3.000 – 5.000 lao động với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng, doanh thu đạt gần 80 tỷ đồng. Mỗi năm chị đều dành một khoản tiền không nhỏ để làm từ thiện.

 

Không chỉ kinh doanh giỏi, chị Vinh còn nuôi dạy các con học giỏi, chăm ngoan, một người là thạc sĩ kinh tế, một người là thạc sĩ quản trị kinh doanh. Dù bận mải đến mấy chị Vinh vẫn dành thời gian quan tâm chăm sóc, giữ gìn tổ ấm của gia đình, khi năm hết, tết đến chị cũng tất bật đi chợ mua sắm chuẩn bị mâm ngũ quả, tự tay gói bánh chưng để cúng gia tiên. Mỗi người phụ nữ tự học tập, rèn luyện theo 4 phẩm chất đạo đức này sẽ tạo được sự kết nối giữa vẻ đẹp truyền thống và hiện đại trong con người phụ nữ Việt Nam, giúp nâng cao vị thế trong gia đình và ngoài xã hội, tạo ảnh hưởng lớn tới việc giáo dục phẩm chất, đạo đức của các thành viên trong gia đình, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Thu Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày