Cựu chiến binh Phạm Quang Tuy Thoát nghèo nhờ dám nghĩ, dám làm
Sau 11 năm phục vụ trong quân đội, cựu chiến binh (CCB) Phạm Quang Tuy (thôn An Tiến, xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà) quay về làm bạn với mảnh ruộng, cái cuốc, lưỡi cày. Cả gia đình 5 miệng ăn chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, vì vậy cái đói, cái nghèo vẫn cứ đeo bám lấy gia đình người lính cựu. Không cam chịu số phận, với bản lĩnh kiên cường của người lính, bác Tuy quyết tâm vực dậy kinh tế gia đình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Và “Cây cay đắng đã cho mùa quả ngọt”, hiện nay, bác cùng gia đình đang sở hữu trang trại rộng 20.000m2 cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Ðến thăm trang trại của CCB Phạm Quang Tuy vào một ngày gần cuối năm, chúng tôi gặp bác đang khẩn trương cắt tỉa lại lần cuối những cây quất trong khu vườn của gia đình trước khi đưa chúng đem bán để phục vụ bà con vui xuân đón tết. Những cây quất với sắc xanh, vàng rực rỡ như mang mùa xuân đến gần hơn, xua đi cái lạnh giá ngày cuối đông. Bên cốc nước chè ấm, nghi ngút khói, bác Tuy vui vẻ kể cho chúng tôi nghe về đời lính công binh. Sinh năm 1954, khi vừa tròn 18 tuổi, cũng như bao thanh niên cùng trang lứa, chàng trai trẻ Phạm Quang Tuy hăng hái lên đường nhập ngũ, nhận công tác tại Trung đoàn 53, Tỉnh đội Thái Bình. Người chiến sĩ công binh Phạm Quang Tuy luôn hăng hái tham gia và hoàn thành mọi nhiệm vụ. Bác nói: “Ðời lính vất vả, có ai bảo sướng” và vẫn còn nhớ như in những năm tháng ngày, đêm gắn bó với các bến phà để phục vụ các đoàn xe tăng lên tàu vào chiến trường. Nhưng “Ðời lính cũng tự hào lắm vì được sống, được cống hiến cho Tổ quốc, cho đất nước cháu ạ”.
Sau 11 năm sống, chiến đấu và phục vụ trong quân đội, bác Tuy xuất ngũ trở về với gia đình. Lúc này, chiến tranh đã lùi xa nhưng bác cùng gia đình lại phải đối mặt với một cuộc chiến mới, cuộc chiến với cái đói, cái nghèo. Nói về những khó khăn của gia đình trước đây, giọng người lính năm nào bỗng nghẹn lại, những ký ức trở về, ngắt quãng song đã khắc họa được phần nào khó khăn, thiếu thốn của gia đình trước đây. Bác tâm sự: “Những năm 1982 - 1983 tôi phải lên tận Yên Bái mua sắn về ăn, 2 vợ chồng phải xoay lưng làm đủ mọi việc từ công việc nhà nông đến việc đi thồ thuê, thậm chí đi soi ếch để kiếm sống”. Dù chăm chỉ, làm việc cật lực nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo bám gia đình bác.
Phải đến năm 2005, khi xã có chủ trương chuyển đổi khu đất ruộng kém hiệu quả, bác Tuy đã mạnh dạn đăng ký đấu thầu 20.000m2, vay ngân hàng và bạn bè 150 triệu đồng để đầu tư cải tạo. Ðây là quyết định vô cùng táo bạo vì lúc đó bác Tuy gần như tay trắng, mặt khác, khu đất đấu thầu thuộc dạng hoang hóa, trũng và hay bị lũ. Do vậy, trước quyết định của bác, hàng xóm, láng giềng đều lo lắng. Song với bản lĩnh kiên cường của người lính Cụ Hồ, bác Tuy đã dần vượt qua mọi khó khăn.
Sau khi thuê máy đắp 1.200m bờ bao chắn lũ xung quanh khu đất, CCB Phạm Quang Tuy tiến hành quy hoạch trang trại trong đó 9.000m2 ao để nuôi thả các loại cá truyền thống như: trắm, mè, trôi, chép, rô phi, cá chim…, còn lại 11.000m2 trồng các loại cây hoa màu ngắn ngày như: ngô, bí… (sau có trồng thêm chuối tây được khoảng 2 năm nay) và xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn, gà. Năm đầu tiên, trang trại chỉ cho lãi khoảng 10 triệu đồng. Không nản chí, bác Tuy tiếp tục đầu tư sâu hơn vào trang trại đồng thời không ngừng học hỏi, vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Hiện nay, bình quân mỗi năm, trang trại của bác cho thu hoạch 10 tấn gà; 5,5 tấn lợn; 2,5 tấn cá cùng với thu hoạch từ hoa màu, cây cối mỗi năm cho tổng thu nhập hơn 500 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho không ít lao động thời vụ tại địa phương. Vùng đất hoang hóa ngày nào dưới bàn tay người lính cựu đã trở thành trang trại rộng lớn, cho thu nhập cao và là niềm mơ ước của biết bao người.
Chia sẻ bí quyết thành công, bác Tuy cho biết: “Không có con đường nào dẫn đến thành công mà bằng phẳng, vì vậy đòi hỏi mỗi chúng ta luôn phải nỗ lực, phấn đấu, đồng thời phải có bản lĩnh vững vàng. Việc dám nghĩ, dám làm chính là xuất phát từ bản lĩnh đó. Tôi rất may mắn vì được môi trường quân đội tôi luyện cho một bản lĩnh vững vàng, để từ đó khắc phục khó khăn, vượt lên trên số phận, làm giàu cho gia đình và xã hội”. Chúc cho bác và trang trại của bác sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa, góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước.
Đào Quyên
Tin cùng chuyên mục
- Ông Chọn say mê làm việc thiện 15.05.2024 | 08:42 AM
- Nghị lực vươn lên của cô gái một chân 24.08.2023 | 09:38 AM
- Người thương binh hơn 30 năm canh giấc ngủ cho đồng đội 20.07.2023 | 09:14 AM
- Những người “làm dâu trăm họ” ngành y 30.06.2023 | 10:09 AM
- Người truyền lửa đam mê phong trào bóng bàn 05.06.2023 | 10:52 AM
- Hai thầy giáo trao trả hơn 10 triệu đồng và 5.000 yên Nhật cho người đánh rơi 08.11.2022 | 02:28 AM
- Nỗ lực vì sức khỏe người dân 25.04.2022 | 15:01 PM
- Thành viên tổ công tác liên ngành chốt kiểm soát dịch Covid-19 nhặt được của rơi trả lại người mất 15.09.2021 | 23:48 PM
- Biến ruộng thành ao, thu tiền tỷ 13.09.2021 | 08:29 AM
- Vươn lên từ vùng đất trũng 19.07.2021 | 09:46 AM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn
- Công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác cán bộ
- UBND tỉnh họp nghe và cho ý kiến một số nội dung quan trọng
- Quốc hội bắt đầu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn
- UBND tỉnh: Nghe báo cáo tiến độ một số công trình, dự án trọng điểm
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết và các dự án luật
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất và kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026