Thứ 4, 13/11/2024, 06:50[GMT+7]

Làm giàu từ mô hình chăn nuôi tổng hợp

Thứ 6, 21/03/2014 | 13:54:18
2,313 lượt xem
Những năm gần đây, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi được nhân rộng trên địa bàn xã Hồng Tiến (Kiến Xương). Nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại, gia trại cho hiệu quả kinh tế cao. Ði đầu trong phong trào này là gia đình chị Hoàng Thị Quế, thôn Nam Tiến, đã chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản kết hợp với chăn nuôi cho thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng/năm.

Chị Hoàng Thị Quế, thôn Nam Tiến, xã Hồng Tiến đang chăm sóc ao cá của gia đình.

Theo lời giới thiệu của cán bộ UBND xã, chúng tôi đến thăm gia trại của gia đình chị Hoàng Thị Quế. Khu gia trại rộng hơn 2ha được xây dựng cách xa khu dân cư, rất thoáng mát và sạch sẽ, bố trí khoa học giữa vườn cây, ao cá, chuồng trại. Tiếp chúng tôi là người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng rất nhanh nhẹn và vui vẻ, vốn xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp, không có nghề phụ, anh chị đi làm thuê, làm mướn khắp nơi nhưng thu nhập cũng chẳng được là bao, con cái lại đang trong độ tuổi ăn học nên nghèo vẫn hoàn nghèo.

 Năm 2005, khi UBND xã Hồng Tiến có chủ trương chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả ven sông Hồng sang xây dựng khu chăn nuôi thủy sản. Anh chị đã bàn bạc mạnh dạn vay vốn ngân hàng và đấu thầu gần 1ha đất cấy lúa kém hiệu quả đào ao thả cá kết hợp với chăn nuôi gia súc gia cầm. Những năm đầu, do chưa có kinh nghiệm nên luôn bị thua lỗ. Ðã có lúc gia đình rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất.

Những thất bại ban đầu đã không làm anh chị nản lòng, vợ chồng động viên lẫn nhau, tiếp tục bắt tay vào làm lại từ đầu. Qua gần chục năm phát triển chăn nuôi, hiện nay anh chị đã là chủ của gia trại rộng hơn 2ha. Với hơn 2ha ấy, gia đình anh chị đầu tư đào 3 ao với tổng diện tích hơn 3 mẫu, chủ yếu nuôi các loại cá truyền thống như trắm, trôi, chép, rô phi... và một số cá có hiệu quả kinh tế cao như  trắm đen và vược. Ven bờ ao, gia đình xây dựng gần 200m2 chuồng trại, duy trì nuôi thường xuyên khoảng 200 - 300 con vịt đẻ, hơn 100 con gà đẻ và 100 cặp chim bồ câu... Diện tích đất còn lại, gia đình anh chị trồng các loại cỏ cho cá ăn, cây cảnh và cây ăn quả nhằm nâng cao thu nhập, tạo cảnh quan và bóng mát cho khu vực chăn nuôi.

Hiện nay, từ mô hình nuôi thủy sản kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm cho gia đình chị thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng/năm. Trong thời gian tới, anh chị sẽ tiếp tục xây dựng chuồng trại để mở rộng chăn nuôi tuy nhiên khó khăn hiện nay của gia đình vẫn là thiếu vốn. Anh chị rất mong các cấp, các ngành có thêm cơ chế chính sách hỗ trợ để người dân tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi.

Ông Ðỗ Ðức Cảnh, Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến cho biết: “Hiện nay toàn xã có 85 gia đình tham gia xây dựng mô hình nuôi thủy sản kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm với tổng diện tích gần 100ha, trong đó có 30 mô hình được công nhận là trang trại, còn lại là gia trại. Qua thực tế sản xuất có thể khẳng định đây là hướng đi đúng đắn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa trước kia. Hàng năm, UBND xã thường xuyên phối hợp với Chi cục Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thú y tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật nuôi trồng tới chủ các trang trại, gia trại nhằm nâng cao kiến thức về cách chăm sóc và phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Trong thời gian tới, UBND xã tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để chuyển đổi toàn bộ diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng mô hình nuôi thủy sản kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm với mục đích nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho người nông dân”.

Phạm Hưng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày