Thứ 4, 13/11/2024, 06:45[GMT+7]

Thanh niên công giáo làm giàu trên quê hương

Thứ 3, 08/04/2014 | 08:16:16
1,449 lượt xem
Trong những mô hình, điển hình làm kinh tế giỏi của tuổi trẻ xã Tân Lễ (Hưng Hà) không thể không kể đến mô hình phát triển kinh tế của thanh niên công giáo. Họ đã và đang góp sức trẻ xây dựng quê hương.

Xưởng sản xuất đồ gỗ của anh Nguyễn Văn Khuyến không những làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.

Hà Công Ngọc (thôn Hà Tân) sinh ra trong gia đình thuần nông, hoàn cảnh khó khăn. Sau khi học xong THCS, Ngọc theo phụ giúp bố làm nghề mộc. Thời gian đầu, hai bố con phải đến nhà khách hàng để làm việc, số tiền nhận được không đáng là bao. Có thời điểm muốn thử sức mình trong những công việc khác, Ngọc mua chiếu mang lên các tỉnh miền núi phía Bắc để bán. Bôn ba khắp nơi nhưng vẫn không tìm được việc làm ổn định khiến anh “bật” ra ý tưởng: Tại sao không làm giàu bằng chính nghề truyền thống của gia đình. Nghĩ là làm, anh về quê cùng bố nhận các đơn hàng về nhà làm.

Năm 2004, với niềm đam mê và kiến thức cơ bản về gỗ, về cách chế tác các sản phẩm đồ gỗ đã tích lũy được trong quá trình học hỏi, đi làm cùng bố, Ngọc mạnh dạn vay thêm vốn, đầu tư hơn 200 triệu đồng mở xưởng sản xuất tại nhà. Gây dựng từng bước, từ những đơn hàng nhỏ lẻ đến nay cơ sở của anh đã nhận được nhiều đơn hàng lớn như làm nhà gỗ, sản phẩm đồ thờ, làm tòa, kiệu, bàn nhang án, hoành phi, câu đối… có chất lượng, mỹ thuật tốt, không chỉ thu hút khách hàng trong tỉnh mà còn vươn ra thị trường tỉnh ngoài như Hưng Yên, Hải Dương. Mỗi năm, trừ chi phí anh thu về từ 70 - 80 triệu đồng.

Không chỉ tăng thêm thu nhập cho gia đình, xưởng sản xuất của Ngọc còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Dù bận bịu với công việc ở xưởng sản xuất nhưng Ngọc vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động của đoàn thể, địa phương. Hiện nay anh là Phó trưởng thôn, Bí thư Chi đoàn thôn Hà Tân.

Cũng với nghề mộc, Bí thư Chi đoàn thôn Quan Khê Nguyễn Văn Khuyến không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Làm quen với nghề từ năm 14 tuổi, năm 25 tuổi anh tiếp quản xưởng mộc của gia đình. Với vốn đầu tư hơn 200 triệu đồng và từ 3 - 5 lao động làm các mặt hàng nội thất gia đình, mỗi năm, trừ chi phí, xưởng của anh thu lãi từ 80 - 100 triệu đồng. Theo Khuyến, với số vốn tương tự cũng có thể làm giàu từ các mô hình phát triển kinh tế khác như kinh doanh, chăn nuôi…, nhưng với anh, được truyền nghề gia đình, lại có “chút năng khiếu” về đồ gỗ mỹ nghệ thì gắn bó với nghề mộc là phương án tối ưu. Vừa là chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, vừa đảm nhiệm cương vị Bí thư Chi đoàn, anh chú trọng đến công tác tập hợp thanh niên, đặc biệt thanh niên công giáo thông qua các hoạt động, các phong trào, câu lạc bộ như văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao…

Anh Trần Văn Kiên, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tân Lễ cho biết, anh Ngọc, anh Khuyến chỉ là hai trong số nhiều thanh niên công giáo ở Tân Lễ làm giàu ngay tại địa phương, đồng thời cũng là những tuyên truyền viên tích cực của Đoàn Thanh niên xã trong việc tuyên truyền, vận động thanh niên thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sống tốt đời đẹp đạo, tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Mô hình của anh Ngọc, anh Khuyến cũng cho thấy, với tay nghề và ý chí quyết tâm, tuổi trẻ hoàn toàn có thể khởi nghiệp và làm giàu chính đáng trên chính quê hương mình.

Phương Chi

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày