Chủ nhật, 10/11/2024, 05:57[GMT+7]

Doanh nghiệp tư nhân Liên Sơn Nặng lòng với người khuyết tật

Thứ 5, 24/04/2014 | 08:36:55
1,476 lượt xem
Gần 15 năm gắn bó với người khuyết tật (NKT), Doanh nghiệp tư nhân Liên Sơn (thôn Ðông Hào, xã Nam Hà, huyện Tiền Hải) trở thành nơi “trú chân” của nhiều mảnh đời kém may mắn. Dù mỗi người một hoàn cảnh, đến từ những vùng miền khác nhau, song theo tiếng gọi của lòng nhân ái, tụ hợp về đây để được học, làm việc và tìm sự đồng cảm, sống trong tình đoàn kết, yêu thương.

Chị Nguyễn Thị Thanh với công việc thường ngày của mình.

Nằm cách UBND xã Nam Hà chừng mấy chục mét, không quá khó để có thể tìm thấy Doanh nghiệp tư nhân Liên Sơn. Trong khuôn viên rộng 4.500 m2 gồm: 2 xưởng sản xuất, 1 cửa hàng giới thiệu sản phẩm và khu vực ăn nghỉ của người học nghề, mỗi năm hàng chục người khuyết tật được đào tạo nghề miễn phí tại đây.

Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Liên Sơn cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận những đối tượng có nhu cầu học nghề và việc làm. Tại đây, NKT được tạo điều kiện ăn ở và dạy nghề miễn phí, đào tạo đến khi thành nghề. Sau khóa đào tạo, nếu muốn gắn bó lâu dài, Doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện cho họ làm việc hoặc giới thiệu tới một số địa chỉ khác”.

Hiện nay, Doanh nghiệp có 20 lao động đang làm việc thường xuyên, trong đó có 10 học viên bị khuyết tật câm điếc, số còn lại là khuyết tật vận động, bảo đảm cuộc sống với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Từ việc được đào tạo ở Doanh nghiệp Liên Sơn, nhiều NKT tìm chỗ đứng cho mình bằng việc mở cơ sở đồ gỗ riêng như anh Nguyễn Văn Hương, chị Vũ Thị Hòe; anh Nguyễn Văn Kiên và chị Ðào Thị Quế…

Ðặc biệt hơn, Doanh nghiệp là nơi se duyên cho 4 cặp đôi, giúp họ tìm thấy hạnh phúc của mình. Chị Nguyễn Thị Thỏa (xã Nam Hồng) chia sẻ: “Cuộc sống của tôi trước kia thường bó hẹp trong gia đình, không giao tiếp, nghề nghiệp và bạn bè. Khi được học và làm việc, gặp những người đồng cảnh ngộ, dường như tôi có nghị lực hơn, cố gắng kiếm tiền nuôi sống bản thân. Nơi đây giúp tôi tìm thấy một nửa của đời mình. Mức lương hiện tại của 2 vợ chồng khoảng 7 triệu đồng/tháng”.

Chị Nguyễn Thị Thanh (thôn Ðông Quách, xã Ðông Hà) tâm sự: “Nhờ cô chú giúp đỡ, tôi có công việc ổn định với mức thu nhập 2,8 triệu đồng/tháng, chăm sóc được mẹ già. Gắn bó với nơi đây được 9 năm, tôi luôn mong muốn sẽ tiếp tục làm việc lâu dài”.

Trong ngôi nhà chung ấy luôn có sự đồng cảm giữa người dạy và người học. Cách xưng hô của họ thân mật, không có sự phân biệt “chủ, thợ” mà gần gũi như “bố và con” bởi người chủ Doanh nghiệp ấy luôn muốn bù đắp sự yêu thương cho những người thiếu vắng tình cảm cha mẹ, giúp NKT tự tin đón nhận cuộc sống mới hòa nhập cùng cộng đồng.

Ðể có những bước tiến mới, đưa Doanh nghiệp ngày càng phát triển, ông Trần Thanh Sơn cho biết thêm: “Do nghề gỗ mỹ nghệ mất nhiều thời gian cho việc đào tạo và một số lao động có sức khỏe yếu không theo được. Doanh nghiệp đang có hướng mở rộng quy mô đào tạo ngành nghề: may mặc, mây tre đan và các ngành nghề phù hợp khác. Dù đào tạo cho NKT gặp rất nhiều khó khăn song vì có cơ duyên, chúng tôi quyết tâm gắn bó với họ, lượng NKT gặp khó khăn trong cộng đồng rất lớn, còn người cần học thì vẫn tiếp tục đào tạo”.

Chứng minh bằng nhiều việc làm cụ thể giúp đỡ NKT, Doanh nghiệp tư nhân Liên Sơn và cá nhân ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc Doanh nghiệp nhiều lần được tặng giấy khen, giấy chứng nhận, kỷ niệm chương từ Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Nạn nhân chất độc da cam/Ðiôxin tỉnh, huyện.

Hoàng Lanh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày