Thứ 7, 23/11/2024, 13:56[GMT+7]

“Truyền lửa” nghị lực cùng vượt khó

Thứ 5, 29/05/2014 | 15:19:34
2,558 lượt xem
Di chứng của căn bệnh bại liệt đã cướp đi sức khỏe, khiến 3 thế hệ trong một gia đình bị khuyết tật vận động. Thế nhưng, không đầu hàng số phận, song hành cùng khó khăn, từng thành viên trong gia đình luôn cố gắng vượt lên tật nguyền, tích cực tham gia lao động sản xuất, nuôi sống bản thân và từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống. Ðó là gia đình anh Nguyễn Văn Nghị, thôn Trà Ðông (xã Quang Trung, huyện Kiến Xương).

Anh Nghị (người mặc áo xanh, bên trái) bán hàng cho khách.

Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình, anh Nghị tâm sự: “Từ bố đến tôi rồi con gái đầu lòng đều mắc phải căn bệnh bại liệt. Dù đã chạy chữa nhiều nơi nhưng căn bệnh ấy đeo bám gia đình chúng tôi suốt 3 thế hệ, khiến sức khỏe chúng tôi ngày càng suy kiệt”.

Theo thời gian, căn bệnh quái ác cứ âm ỉ, bào mòn và phá hoại thân thể của 3 con người sinh ra vốn khỏe mạnh. Biểu hiện ngày càng rõ nét hơn khi chân tay họ cứ nhỏ dần khiến việc đi lại gặp khó khăn. Công việc nặng trong nhà phải dồn lên đôi vai của những người phụ nữ là mẹ, vợ khiến người cha, người chồng trăn trở, họ quyết định nỗ lực vượt lên bằng chính sức lao động của mình.

Dù cơ thể có bị tật nguyền nhưng tinh thần không thể khiếm khuyết, Nguyễn Văn Nghị vay mượn thêm anh em, bạn bè mở cửa hàng trên mảnh đất anh chắt chiu bán từng cốc nước, gói chè để mua lại. Bởi anh nghĩ công việc này phù hợp với sức khỏe lại có thời gian trông nhà cửa, phụ giúp vợ việc nội trợ hàng ngày.

Dáng người nhỏ, bước chân tập tễnh, mọi công việc anh làm tưởng chừng sẽ rất vất vả bởi hai bàn tay bị co quắp lại. Thế nhưng, khi có khách đến mua thẻ nạp điện thoại, đôi bàn tay ấy bỗng trở nên linh hoạt như một hoạt động được rèn luyện, trở thành thói quen thuần thục, anh dùng khuỷu ngón trỏ ấn bàn phím và chuyển tiền cho khách qua dịch vụ Anypay (Viettel). Từng gói thuốc lào, cốc bia đều được anh Nghị phục vụ tận nơi khiến nhiều khách hàng hài lòng. Căn nhà 2 tầng khang trang cùng cửa hàng bán sim thẻ, điện thoại, nước giải khát mang tên Hữu Nghị hiện nay là thành quả của sự cố gắng sau bao ngày “đong từng bát gạo” và nỗ lực từ mỗi thành viên trong gia đình.

Người đàn ông ấy vượt lên khó khăn bởi anh được truyền sức mạnh từ bài học về sự cố gắng của người cha tật nguyền. Và mỗi khi nhắc đến người cha, giọng người đàn ông khuyết tật ấy không giấu nổi niềm tự hào, anh tâm sự: Cha tôi là một người khuyết tật, song không vì thế ông chịu đầu hàng số phận. Ông tự gây dựng công việc cho mình, mở cửa hiệu may mặc riêng. Bản tính cần cù chịu khó cùng tay nghề khá, ông trở thành thợ may có tiếng trong vùng. Cha là người có ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ và cuộc sống của tôi, tăng thêm sức mạnh để tôi tiếp tục truyền nghị lực cho con gái mình.

Nỗi đau về 2 thế hệ tật nguyền chưa dừng lại, căn bệnh bại liệt tiếp tục đeo bám trên thân thể của đứa con gái đầu lòng. Anh Nghị chia sẻ: Nếm đủ khó khăn của cuộc sống, vợ chồng tôi ngập tràn hạnh phúc khi chào đón đứa con đầu lòng ra đời. Bé Thủy lớn lên khỏe mạnh, thông minh giống như những đứa trẻ bình thường khác, thế rồi khi học lớp 6, Thủy bắt đầu phát bệnh. Bàng hoàng, người cha trở nên lặng lẽ, nỗi đau dường như giằng xé nội tâm bởi anh không nghĩ rằng căn bệnh ấy lại quái ác đến vậy.

Giấu nỗi buồn phiền, anh động viên con gái và những người thân trong gia đình. Thời gian, sự yêu thương là những phương thuốc hữu hiệu khi chữa lành vết thương tinh thần cho gia đình để họ cùng nhau vượt khó vươn lên. Ðến nay, Thủy có thể tự lập cuộc sống của mình, em làm công nhân tại Công ty TNHH Sơn Hà với lương tháng bình quân hơn 2 triệu đồng.

Thời gian và ảnh hưởng của bệnh tật có khiến họ suy kiệt về thể xác song tinh thần của những con người ấy vẫn lạc quan, họ truyền cho nhau sức mạnh nghị lực. Ðó là những con người không gục ngã trước số phận, họ sống và lao động theo tinh thần Bác đã dạy: tàn nhưng không phế.

Hoàng Lanh

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày