Chủ nhật, 10/11/2024, 05:40[GMT+7]

Trưởng thôn Nguyễn Xuân Hằng Hết lòng vì việc chung

Thứ 2, 23/06/2014 | 08:31:32
2,469 lượt xem
Là một trong những cá nhân tiêu biểu được vinh danh trong phong trào “Người tốt, việc tốt báo công dâng Bác” năm 2013 của huyện Vũ Thư, anh Nguyễn Xuân Hằng (thôn An Lợi, xã Song Lãng) được mọi người biết đến là một trưởng thôn nhiệt tình, sáng tạo trong vận động nhân dân tham gia xây dựng đường giao thông và lãnh đạo thôn đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường. Dường như những khó khăn trong cuộc sống chỉ càng tô thắm thêm tư tưởng “Dĩ công vi thượng” mà anh

Trưởng thôn Nguyễn Xuân Hằng tranh thủ thời gian chăm sóc đàn vịt của gia đình.

Chúng tôi về thăm gia đình Trưởng thôn Nguyễn Xuân Hằng vào một ngày cuối tháng 5. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi đó là một người có vóc dáng cao, gầy, nước da sạm đen vì nắng. Nét khắc khổ trên gương mặt chính là hiện hữu của cuộc đời đầy vất vả, gian truân của anh. Sinh năm 1963 trong một gia đình thuần nông, năm 1980 anh Hằng tình nguyện đi làm công nhân ở nông trường bông tại Thuận Hải, nay là tỉnh Ninh Thuận.

Trở về quê hương sau 4 năm làm công nhân, anh tiếp tục lên đường nhập ngũ. Sau 1 năm đào tạo tại Trường Hạ sĩ quan Yên Thế (Hà Bắc), năm 1985 anh về làm công tác hậu cần của Quân đoàn 2 và ra quân 2 năm sau đó. Trở về làm bạn với mảnh ruộng, cái cuốc, lưỡi cày và lập gia đình, cuộc sống của anh Hằng gặp không ít khó khăn. Ba người con lần lượt ra đời, cháu thứ hai không may mắc bệnh tim bẩm sinh. Mỗi lần nhắc đến người con trai thứ hai, anh không khỏi day dứt: “Ngày ấy gia đình khó khăn, không có điều kiện để đưa cháu đi chữa trị. Cháu bị lép ngực trái, sức khỏe yếu, không học được, cơ thể thì như đứa trẻ, đã 25 tuổi nhưng chỉ có thể giúp bố mẹ làm được những việc nhẹ như trông nhà, nấu cơm”.

Vì kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, vợ đi giúp việc xa nhà, mọi công việc trong gia đình đổ dồn lên đôi vai anh. Năm 2005, gia đình anh chuyển ra khu chuyển đổi với hy vọng cải thiện kinh tế gia đình. Cũng trong thời gian này, anh Hằng được bầu làm Trưởng thôn, do vậy công việc đổ dồn lên công việc.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh người cán bộ phải biết “Dĩ công vi thượng” (đặt việc chung lên trên hết), anh dồn hết thời gian ban ngày để giải quyết công việc của thôn, tối về làm công việc của gia đình. Mỗi khi mùa vụ đến, anh phải thức đêm để gặt lúa. Để có thêm thu nhập, sau khi gặt xong 1,5 mẫu ruộng của gia đình anh còn tranh thủ đi gặt thuê cho bà con. Bận mải là thế song đối với công việc của thôn anh luôn hoàn thành tốt.

Năm 2013, hưởng ứng phong trào làm đường giao thông trong xây dựng nông thôn mới, anh Hằng đã tích cực vận động bà con trong thôn cùng góp công, góp của xây dựng đường giao thông. Khó khăn nhất là con đường đi qua khu chuyển đổi dẫn ra cánh đồng dài 331m song có tới 280m phải vượt đất, xây cạp tốn kém nhiều kinh phí, trong khi đó chỉ có 16 hộ gia đình ở 2 bên đường.

Khó khăn là vậy, nhưng với sự tận tâm, nhiệt tình với việc chung, cùng với việc huy động đóng góp kinh phí, anh Hằng còn huy động nhân dân trong thôn tham gia trên 200 ngày công lao động xã hội chủ nghĩa để đào đắp, cạp lề đường. Gia đình anh tham gia làm đường ngay từ những ngày đầu, dùng phương tiện của gia đình để kéo đất cùng nhân dân đắp lề. Ngoài các khoản đóng góp, gia đình anh còn ủng hộ thêm 3 triệu đồng. Con đường hoàn thành đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy phong trào làm đường giao thông của thôn. Mặc dù kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn song với mỗi con đường trong thôn được xây dựng, anh đều ủng hộ từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Anh tâm sự: “Dù tiền để đóng học phí cho con vẫn còn khó khăn nhưng để thúc đẩy phong trào chung nên tôi cũng không nề hà”.

Trước tình trạng nhân dân mang rác đổ ra đường, mương máng gây mất vệ sinh môi trường, anh Hằng đã tổ chức họp dân, triển khai thành lập tổ thu gom rác theo chủ trương của cấp ủy, chính quyền xã. Tổ thu gom rác được thành lập vào tháng 3/2013 do anh phụ trách gồm 4 thành viên, hàng tháng thu gom rác ở trong thôn. Rác được thu vào sáng thứ năm và chủ nhật, sau đó được chuyển đến bãi xử lý. Công việc vất vả song mỗi thành viên trong tổ chỉ có thu nhập 500.000 đồng/tháng.

Được biết hiện nay trang trại của gia đình anh cho thu nhập mỗi năm trên 50 triệu đồng, kinh tế gia đình đã không còn khó khăn, dù vậy anh vẫn tận tụy với công việc của thôn và tổ thu gom rác. Anh tâm niệm: “Đôi khi phải biết hy sinh lợi ích riêng tư để làm việc chung, phải làm sao mang lại lợi ích tốt nhất cho bà con”.

Anh Đào

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày