Thứ 7, 23/11/2024, 14:21[GMT+7]

Hoa xương rồng trên cát

Thứ 6, 04/07/2014 | 08:08:22
1,347 lượt xem
Nằm sâu trong con ngõ nhỏ thôn Phú Lạc (xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình), căn nhà mái bằng đổ bê tông kiên cố với công trình phụ khép kín, ngăn nắp cùng khoảng sân thoáng rộng lợp tôn, đó là gia sản của một người phụ nữ khiếm thị ẩn chứa những nỗi đau thầm lặng từ hoàn cảnh éo le. Sống không chỉ cho riêng mình, chị hy sinh trọn vẹn tuổi thanh xuân để chăm sóc người cha và những đứa em câm, điếc. Đến nay, ở tuổi ngũ tuần, khi người cha đã “nằm xuống”, các em yên bề gia thất, chị vẫn kh

Chị Diệp luôn chăm sóc mẹ chu đáo hàng ngày.

Chị Diệp sinh ra trong gia cảnh hết sức khó khăn bởi 4 thế hệ trong gia đình mắc bệnh, dị tật bẩm sinh với 8 người ở các dạng khuyết tật khác nhau, chỉ có mẹ già, chị cùng người em trai thứ 3 là bình thường. Đến tuổi trưởng thành chị Diệp chọn cho mình con đường dạy học để lập nghiệp nhưng số phận lại đùa giỡn với chị một lần nữa. Tai nạn ập đến khi chị thấy thị lực có dấu hiệu giảm sút. Chị đi khám và được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh viêm màng bồ đào. Chị nghĩ: nếu khuyết đi đôi mắt tương lai gia đình sẽ đi về đâu, ai lo cho bố mẹ già và các em dị tật.

Chữa chạy khắp bệnh viện tỉnh rồi lên Hà Nội, 7 lần mổ, vốn tích góp từ nghề giáo viên không thấm vào đâu so với chi phí chữa bệnh nay đây mai đó. Dù cuộc sống khó khăn lo ăn từng bữa, chị vẫn phải vay tiền nhiều nơi chữa bệnh, hy vọng cố níu kéo chút ánh sáng cuối cùng. Thế nhưng, may mắn đã không mỉm cười, một lần nữa bóng tối cuộc đời như muốn nhấn chìm không cho chị lối thoát. Chị bị mù hoàn toàn. Chị như ngọn cỏ giữa những cơn sóng gió. Một bên là gánh nặng gia đình, bên kia là mặc cảm bản thân, nếu không vững trí ắt sẽ gục ngã. Thế nhưng, dẫu đôi mắt đã chìm sâu vào bóng tối, với quyết tâm và nghị lực, chị Diệp đã dũng cảm đương đầu với khó khăn của cuộc sống.

Ngã rẽ của cuộc đời xuất hiện khi chị được một bác sĩ giới thiệu đến Hội Người mù tỉnh. Chị tìm đến, học nghề và làm việc tại đây. Gặp những người bạn đồng khuyết, thấy họ hăng hái lao động sản xuất không mặc cảm số phận mà nỗ lực vươn lên, chị tự nhủ với bản thân phải cố gắng khi còn sức khỏe, bởi chỉ có lao động mới giúp chị vượt qua giai đoạn khó khăn này. Chị chăm chỉ học hỏi, thử thách sức mình qua mọi công việc từ bán vé số, sản xuất tăm tre, chổi đót, rồi chị chọn nghề tẩm quất. Sau 10 năm gắn bó với nghề tại Hội Người mù thành phố, với số tiền lương tích góp được, chị hỗ trợ một phần kinh phí cho các em ra ở riêng tới khi lập gia đình, tự lo cho cuộc sống của mình, nuôi dưỡng mẹ già và xây dựng được căn nhà trị giá hơn 110 triệu đồng. Sự cần cù, chịu thương chịu khó của người khuyết tật như chị Diệp khiến nhiều người cảm phục về nghị lực vươn lên.

Khi cuộc sống ngày càng đầy đủ như hiện nay, có những người được sinh trong một gia cảnh tốt, họ có tất cả yếu tố để phát triển, khẳng định mình. Tuy nhiên, với thói quen dựa dẫm, ỷ lại, thiếu ý chí và nghị lực họ tự đánh mất mình, rơi vào cạm bẫy và mắc các tệ nạn xã hội. Phó mặc cho số phận, họ trở thành gánh nặng của gia đình, cộng đồng. Thế nhưng, từ gia cảnh của mình, chị Nguyễn Thị Diệp - người phụ nữ khiếm thị đã biến đau thương, bất hạnh thành sức mạnh, khát vọng vượt lên, thoát khỏi màn đêm u tối để vươn tới ánh sáng cuộc đời. Chị giống như bông hoa xương rồng dù sống trên mảnh đất sa mạc đầy khắc nghiệt vẫn đơm bông làm đẹp cho đời.

Hoàng Lanh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày