Thứ 7, 23/11/2024, 14:21[GMT+7]

Trang trại của 4 chàng trai trẻ

Thứ 2, 14/07/2014 | 09:58:46
4,705 lượt xem
Qua tìm hiểu thực tế và trên mạng internet, cả 4 anh em đều tâm đắc với mô hình nuôi bò thịt cao sản và bò sữa ở Trung tâm Nghiên cứu bò sữa Ba Vì bởi kỹ thuật nuôi bò không quá khó, giá trị kinh tế cao mà lại có thể tận dụng những vùng đất kém hiệu quả để phát triển ngay ở Thái Bình.

Lần theo bờ đê lổn nhổn sỏi đá thưa thớt người qua lại, chúng tôi tìm đến trang trại của 4 trí thức trẻ, tuổi đời đều mới xấp xỉ 30 ở xã Hiệp Hòa (Vũ Thư). Trước mắt chúng tôi là một cánh đồng cỏ voi xanh tốt cao lút đầu người. Phải gọi to mấy tiếng, Tường và Huy - 2 trong số 4 chủ nhân của trang trại mới từ phía ruộng cỏ đằng xa chạy lại. Hai gương mặt đỏ phừng phừng, mồ hôi nhễ nhại, bộ quần áo công nhân màu xanh mặc trên người cũng ướt đẫm khiến tôi vô cùng ngạc nhiên, xúc động bởi trông các anh chẳng khác gì những nông dân thực thụ. Tạm dừng công việc, anh Tường kể: 4 anh em đều cùng quê và chơi thân với nhau từ ngày còn là sinh viên ở Hà Nội. Tín học Ðại học (ÐH) Xây dựng, Tường học ÐH Bách khoa, Phi học ÐH Giao thông vận tải, còn Huy học ÐH Công nghiệp Hà Nội, mỗi người một ngành khác nhau. Ra trường, mấy anh em đều xin được việc làm trong các công ty, văn phòng ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí Tín còn mở được công ty riêng.  Nhưng tính đi tính lại, làm ở các công ty cũng chỉ là làm công ăn lương, tháng được vài triệu đồng, khó mà giàu được. Qua tìm hiểu thực tế và trên mạng internet, cả 4 anh em đều tâm đắc với mô hình nuôi bò thịt cao sản và bò sữa ở Trung tâm Nghiên cứu bò sữa Ba Vì bởi kỹ thuật nuôi bò không quá khó, giá trị kinh tế cao mà lại có thể tận dụng những vùng đất kém hiệu quả để phát triển ngay ở Thái Bình.

Kế hoạch mở trang trại nuôi bò Úc chi tiết được lập ra. Dù đã tính toán kỹ nhưng các anh cũng không dám tiết lộ với cha mẹ, người thân bởi hiểu rõ mong muốn của cha mẹ - những người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” chỉ mong cho con học hành để thoát khỏi cảnh đồng ruộng; nếu biết tin các con bỏ công việc ổn định ở thành phố về nơi xa xôi heo hút để nuôi bò, chắc chẳng bố mẹ nào đồng ý. Nghĩ thế 4 chàng trai càng quyết tâm làm “tới nơi tới chốn”. Nguồn vốn ban đầu gồm hơn 2 tỷ đồng của tất cả gom góp và vay mượn thêm; địa điểm được chọn là vùng bãi ngoài đê xã Hiệp Hòa. Ðể có trang trại 2,3ha như hiện nay, các anh đã phải kiên trì vận động 162 hộ dân ở đây cho thuê lại đất trong 10 năm, đầu tư xây dựng chuồng trại, quy hoạch vùng trồng cỏ, lắp đặt hệ thống phun tưới cỏ tự động, máy làm đất, phay cỏ...

Ðầu năm 2013, trang trại nhập lứa đầu tiên 50 con bò giống Brahman và Broumaster thuần chủng của Úc để nuôi. Nhìn thì có vẻ không vất vả lắm, thế nhưng bắt tay vào việc thì quả thật không dễ chút nào. Ngày nào cũng vậy, sáng sớm các anh phải thay nhau vệ sinh chuồng trại, kiểm tra sức khỏe đàn bò, cắt bằng tay khoảng 1,5 tấn cỏ (không thể dùng máy cắt vì sẽ dập gốc cỏ). Vì vậy, tất cả anh em phải tranh thủ cắt cả ngày mới đủ nhu cầu cho đàn bò. Ngoài ra còn phải chăm sóc cỏ, cho bò ăn, công việc quần quật suốt ngày. Thời gian cao điểm các anh phải thuê thêm lao động để phụ giúp. Nhưng thực tế, ngay cả một số nông dân làm thuê thấy công việc vất vả cũng “oải”, không “trụ” được lâu. Trong khi đó, 4 chàng trai tuy con nhà nông nhưng cũng sớm thoát ly đồng ruộng, chưa quen gian khổ, nhiều hôm nắng nóng, làm xong việc ai nấy đều mệt nhoài, thậm chí có người bị ốm. Thế nhưng, với ý chí quyết tâm trực tiếp làm để tích lũy kinh nghiệm thực tế, trải nghiệm và nắm rõ từng khâu nuôi bò cao sản, hiểu đặc tính của từng con bò, Tín - Tường - Phi - Huy vẫn khắc phục mọi gian khổ. Ðịnh kỳ hàng tuần, hàng tháng các anh dùng Benkocit để khử trùng chuồng trại, tiêm vắc-xin cho bò.

Thậm chí các công việc như phối giống hay đỡ đẻ cho bò vốn rất lạ lẫm với các chàng trai, nay các anh cũng phải trực tiếp làm. Sau gần hai năm, 4 anh em ai cũng gầy và đen đi nhưng bù lại vừa qua các anh xuất 20 con, trung bình mỗi con trị giá 40 triệu đồng, thu về 800 triệu đồng từ lứa bò đầu tiên. Huy cho biết: ước mơ của 4 anh em là có thể thuê thêm đất, mở rộng quy mô trang trại, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nhất là khâu cắt cỏ, sẽ giúp giảm sức lao động. Bên cạnh nuôi bò thương phẩm, 4 chàng trai đang chuẩn bị các bước để đưa bò sữa vào nuôi thử nghiệm. Nếu thành công, bò sữa sẽ cho giá trị kinh tế rất cao. Các anh cũng sẽ từng bước đầu tư máy móc công nghệ, nắm vững kỹ thuật để chỉ đạo sản xuất làm tiền đề mở rộng quy mô nuôi bò thịt cao sản và bò sữa.

Quỳnh Lưu

(Ðài Truyền thanh Vũ Thư)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày