Thứ 4, 13/11/2024, 05:28[GMT+7]

Hậu phương người chiến sĩ Gác chuyện riêng vì nhiệm vụ chung

Thứ 5, 17/07/2014 | 08:47:44
1,218 lượt xem
Gia đình và xã hội là hậu phương vững chắc, ngày đêm hướng về biển khơi, dõi theo mỗi chiến công, mỗi thành tích của các anh như là món quà vô giá gửi về đất liền. Các anh hãy vững tin bám biển, giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Quê hương gửi trọn niềm tin.

Bà nội và bố của Trung úy Đặng Văn Dũng xem tấm hình anh vừa gửi về.

 “Cả gia đình xem thời sự, nghe tin có bão sắp vào Biển Ðông. Vợ tôi thấy thế sụt sùi khóc. Tôi gàn ngay: Anh em nó đấu tranh với phía Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc gần 3 tháng nay còn không nề hà, huống chi một cơn bão thì thấm gì. Tôi trấn an vợ nhưng trong lòng cũng lo lắng lắm. Chỉ mong bão đừng vào Biển Ðông để anh em chiến sĩ ngoài đó đỡ vất vả” - bác Ðặng Văn Liên (xã Minh Lãng, Vũ Thư), bố Trung úy Ðặng Văn Dũng, Thuyền phó tàu 4032 Cảnh sát biển Việt Nam tâm sự với chúng tôi như thế.

“Chưa tính đến chuyện vợ con”

Theo lời kể của bà Vũ Thị Tâm, 83 tuổi, bà nội Trung úy Ðặng Văn Dũng, Dũng là con lớn trong gia đình nên ngay từ nhỏ đã biết giúp bố mẹ bảo ban, dạy dỗ em học hành. Căn nhà nhỏ lợp ngói của bà cũng chính là nơi nuôi dưỡng các cháu trưởng thành. Bà nội Dũng tâm sự: “Dũng là người chịu thương, chịu khó, ước mơ của nó là thi vào Trường Ðại học Bách khoa Hà Nội nhưng sau lại chọn Học viện Hải quân, chuyên ngành Cảnh sát biển. Ngày Dũng đỗ đại học, cả nhà mừng lắm. Bà con lối xóm đến chung vui, ai cũng mừng cho cháu. Thời gian trôi đi nhanh, ấy thế mà đã hơn 5 năm cháu nó ra trường, về công tác ở Vùng Cảnh sát biển 2 rồi”.

Mỗi năm Dũng chỉ về phép thăm gia đình được một lần. Ðược anh em trong đơn vị thông báo việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Namon> nhưng Dũng không cho gia đình biết. Bác Ðặng Văn Liên kể: “Trước khi đi, Dũng chỉ bảo với bà và gia đình là theo tàu ra biển làm nhiệm vụ chứ không nói là ra khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan. Chỉ đến khi xem thời sự, nhìn thấy con trên tàu mới biết con đang công tác ở quần đảo Hoàng Sa”.

Biết tính con trai không muốn vì tình cảm gia đình mà ảnh hưởng đến nhiệm vụ của mình, gia đình bác Liên chỉ biết theo dõi thời sự để cập nhật tin tức hàng ngày về tình hình tại quần đảo Hoàng Sa. Những lần Dũng theo tàu 4032 vào đất liền để tiếp nhiên liệu và lương thực, anh lại tranh thủ gọi điện về để động viên bà, bố mẹ và em. Thời gian ở đất liền cũng chỉ hơn một ngày rồi anh lại cùng đồng đội trở lại Hoàng Sa tiếp tục thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ðối với gia đình, Dũng là niềm tự hào, là tấm gương để em học tập. Trước đây, ông nội và bố Dũng đều tham gia quân ngũ nên gia đình luôn nhận thức được nghĩa vụ của công dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước.

Sinh năm 1985, nhìn Dũng trẻ lắm, qua tấm hình mới chụp trên tàu 4032 chúng tôi cứ ngỡ anh là sinh viên mới ra trường. Dáng người nhỏ nhắn, thư sinh không ai nghĩ Dũng đang là Thuyền phó tàu Cảnh sát biển 4032. Bác Ðỗ Thị Thiện, mẹ Trung úy Ðặng Văn Dũng tâm sự: “Tôi thương em nó quanh năm xa nhà, mấy lần về nghỉ phép, tôi và bà cứ nhắc khéo chuyện vợ con nhưng nó gạt đi, bảo cứ từ từ. Năm nay cũng 30 tuổi rồi, lại là con đầu nên tôi cũng muốn em nó ổn định chuyện gia đình để yên tâm công tác. Dưới Dũng còn có em, cả gia đình chỉ trông vào hơn mẫu ruộng nên có lẽ vì thương bố mẹ và em nên Dũng chưa nghĩ tới chuyện lập gia đình”.

“Tôi sẽ cố gắng để anh yên tâm công tác”

Cũng như Trung úy Ðặng Văn Dũng, Thuyền phó tàu 4032, Trung úy Trần Văn Ðức, nhân viên máy tàu Cảnh sát biển 2012 cũng đang thực hiện nhiệm vụ tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Về thăm vợ con được mấy ngày, ăn với gia đình bữa cơm ngày 23 tháng Chạp rồi Trung úy Trần Văn Ðức lại vội vàng trở về đơn vị nhận nhiệm vụ theo tàu 2012 ra khơi bảo vệ tàu Bình Minh làm nhiệm vụ thăm dò dầu khí. Sau sự việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tàu 2012 của anh được lệnh cơ động đến khu vực giàn khoan Hải Dương 981 làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền.

Chúng tôi tìm về bên ngoại của Trung úy Trần Văn Ðức tại xã Ðông Vinh (Ðông Hưng) để gặp vợ con anh. Chị Lê Thị Hương, vợ Trung úy Trần Văn Ðức hiện là giáo viên hợp đồng tại Trường THPT Tiên Hưng (Ðông Hưng). Tranh thủ thời gian được nghỉ hè chị đưa con gái về nhà bố mẹ đẻ chơi. Chị Hương tâm sự: “Tôi và anh Ðức quen nhau tình cờ qua một người bạn, từ lúc quen nhau đến lúc cưới cũng chỉ được gặp nhau có đôi lần. Công việc của anh ấy cứ biền biệt tháng ngày nhưng không vì thế mà tôi trách anh, tất cả cũng vì nhiệm vụ, vì đất nước. Hôm tàu anh ấy bị tàu Trung Quốc đâm tôi cũng lo lắm. Cả đêm không ngủ được vì sợ có chuyện gì xảy ra. Hôm sau nghe thông tin trên báo đài mới biết anh em chiến sĩ trên tàu không làm sao. Cuối tháng 6 vừa rồi anh ấy có vào đất liền để sửa chữa tàu, tôi có hỏi anh để vào thăm nhưng anh ấy không đồng ý vì tàu chỉ vào bờ hai ngày rồi lại ra khơi ngay. Mỗi lần liên lạc được với gia đình, anh đều động viên mẹ con yên tâm, anh em ngoài này đều ổn cả”.

Là cử nhân sư phạm Văn nhưng ra trường vẫn chưa tìm được chỗ làm ổn định, biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị Hương được Ban Giám hiệu Trường THPT Tiên Hưng nhận vào dạy hợp đồng. “Tôi chỉ mong công việc ổn định, có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống của gia đình. Tôi vẫn ở cùng mẹ chồng và gia đình em trai chồng, vợ chú ấy mới sinh con, nhà chật chội. Thương mẹ, thương em, chồng tôi cũng tính chuyện ra ở riêng nhưng cũng khó khăn lắm. Tôi chỉ biết cố gắng hoàn thành nhiệm vụ ở hậu phương để anh yên tâm làm nhiệm vụ” - chị Hương chia sẻ.

Gia đình luôn là hậu phương vững chắc để Trung úy Trần Văn Ðức yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Những ngày này, các cấp, các ngành, đoàn thể của huyện, xã thường xuyên đến thăm, kịp thời động viên và chia sẻ những khó khăn, vất vả của thân nhân gia đình các chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Hoàng Sa. Ðến với mỗi gia đình, chúng tôi lại thấu hiểu hơn ý chí của các bậc làm cha, làm mẹ, sự vất vả, thiệt thòi của những vợ Cảnh sát biển. Gia đình và xã hội là hậu phương vững chắc, ngày đêm hướng về biển khơi, dõi theo mỗi chiến công, mỗi thành tích của các anh như là món quà vô giá gửi về đất liền. Các anh hãy vững tin bám biển, giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Quê hương gửi trọn niềm tin.

Thiên Ân

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày