Thứ 4, 13/11/2024, 05:27[GMT+7]

Hướng tới kỷ niệm 67 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 2014) Người con Thái Bình - niềm tự hào của lính nhà giàn

Thứ 3, 22/07/2014 | 08:40:54
1,306 lượt xem
Trong 9 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên vùng biển phía Nam của Tổ quốc có 7 đồng chí thuộc Tiểu đoàn DK1. Liệt sĩ Tạ Ngọc Tú (thôn Quang Lang Đông, xã Thụy Hải, Thái Thụy) là một người trong số đó. Anh đã hóa thân vào biển cả, trở thành niềm tự hào của lính nhà giàn.

Ông Tạ Ngọc Tuấn, bố liệt sĩ Tạ Ngọc Tú và những kỷ niệm về người con trai của mình. Ảnh: Káp Long

Ngày kỷ niệm 25 năm thành lập nhà giàn DK1, nhiều câu chuyện xúc động được kể. Trong đó, câu chuyện của liệt sĩ Tạ Ngọc Tú, người con của quê lúa Thái Bình hy sinh ngày 21/4/2001 tại nhà giàn DK1/16 không phải do bão tố đánh sập nhà giàn mà trong khi làm nhiệm vụ theo dõi, bám sát mục tiêu lạ giữa màn đêm. Những đồng đội của Tạ Ngọc Tú không thể nào quên được đêm anh đã hy sinh.

Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh, hiện là Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn DK1, cách đây 13 năm là Phó Chỉ huy về chính trị nhà giàn DK1/16 kể lại: Tối ấy, sóng yên biển lặng nhưng khí hậu rất khắc nghiệt. Hơi nước biển bốc lên tanh nồng, cá heo nổi lên mặt nước bơi từng đàn. Theo kinh nghiệm của chúng tôi thì đó là dấu hiệu sắp có một trận cuồng phong dữ dội. Đêm đó, Tạ Ngọc Tú đảm nhận ca gác từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng hôm sau. Bỗng từ hướng Bắc nhà giàn, Tú phát hiện một ánh sáng chớp liên tục và ngày càng rõ dần. Biết là mục tiêu lạ, Tú căng mắt quan sát hướng đi của mục tiêu. Theo kinh nghiệm, Tú biết đó là tàu nghiên cứu biển của Trung Quốc.

Trong khi bí mật leo cầu thang theo dõi mục tiêu, một cơn gió độc vô hình đã khiến tim anh đau thắt. Các cơ tay, cơ chân co rút, tái tê, Tú đã ngã xuống chân đế nhà giàn và chìm xuống biển. Chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Văn Hùng đi kiểm tra gác không thấy Tú đâu. Chuyện gì đã xảy ra? Toàn nhà giàn báo động cấp 1 tìm kiếm người. Máy nổ ầm ầm, đèn pha sáng rực rọi xuống chân đế nhà giàn. Đêm đó, cả nhà giàn không ngủ, ai cũng cầu mong sớm tìm thấy Tú. Chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Văn Hùng lên máy báo động thông tin đồng thời bắn tín hiệu đề nghị hỗ trợ.

Nhận được tín hiệu, hai tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi khẩn cấp cơ động về nhà giàn DK1/16. Hai ngư phủ nhanh chóng miệng ngậm ống ô-xi lặn xuống chân đế, vượt qua dòng chảy mạnh, sóng lừng đưa Tú lên mặt nước. Lúc ấy người Tú đã bầm tím, phù nề... Anh em không ai cầm được nước mắt. Chiến sĩ Đào Văn Huyên gọi tên anh trong gió biển: “Tú ơi, đừng bỏ anh em”. Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh mắt đỏ hoe, xúc động: Chiến sĩ nhà giàn DK1 hy sinh không chỉ vì sóng to bão lớn mà ngay cả trong lúc sóng yên biển lặng.

Tôi còn nhớ như in cái buổi sáng đau thương ấy, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1, những cô gái công nhân giầy da đến từ đơn vị kết nghĩa, mỗi người cầm một bông huệ trắng đến vĩnh biệt Tạ Ngọc Tú. Đau thương như tột cùng khi hai em gái Tú ngất xỉu trước vong linh của anh, còn ông Tạ Ngọc Tuấn, cha anh khuôn mặt khắc khổ, bơ phờ. Nhiều người lính trẻ mắt đỏ hoe, những cô công nhân gục đầu vào vai nhau giấu đi những giọt nước mắt. Giọt nước mắt đưa tiễn người lính trẻ xen lẫn niềm yêu thương vô bờ; nỗi đau mất đi người đồng đội ưu tú xen lẫn niềm tự hào của lính nhà giàn.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng, nguyên Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/16 chia sẻ: Trước khi đi nhà giàn, Tú còn khoe với tôi sau chuyến đi biển về sẽ làm đám cưới. Cha mẹ Tú cũng đã đồng ý bạn gái của anh làm dâu trong gia đình. Sau khi anh hy sinh, gia đình đã nhận người bạn gái của anh làm con gái trong nhà.

Trong hành trình “Tri ân các liệt sĩ đã hy sinh trên biển”, đoàn công tác chúng tôi về  thôn Quang Lang Đông (xã Thụy Hải, Thái Thụy) thăm gia đình liệt sĩ Tạ Ngọc Tú. Ông Tạ Ngọc Tuấn nhìn lên bàn thờ, thắp nén hương trước di ảnh của con, nghẹn ngào: “Tú ơi, đồng đội về thăm con đây này”. Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh ôm ông sẻ chia nỗi đau thương mất mát và niềm xúc động đang dâng trào. Ông Tuấn lấy từ trong chiếc thùng gỗ chiếc đài cát-xét màu trắng cùng 5 con ốc biển. Ông chạm vào chiếc đài nhỏ, giọng run run: “Trước khi hy sinh, Tú để dành tiền mua hai chiếc đài, chiếc to để ở nhà cho bố mẹ nghe còn nó cầm chiếc đài nhỏ này ra nhà giàn nghe dự báo thời tiết. Còn đây là mấy con ốc biển Tú mang về gọi là quà của biển cho bố mẹ”.

Lục trong túi nilon đã cũ, ông Tuấn cho chúng tôi xem lá thư Tú đề ngày 20/4/2001 viết tại nhà giàn DK1/16. Đó là lá thư cuối cùng anh gửi về cho bố mẹ và em. Những dòng chữ xúc động của chàng trai quê lúa. Sau 13 năm ông bà Tuấn vẫn gìn giữ lá thư như kỷ vật thiêng liêng nhất của đời mình.

Một ngày sau khi viết lá thư ấy, Tạ Ngọc Tú hy sinh khi bước sang tuổi 28.

Mai Thắng
(Phường 11, thành phố Vũng Tàu)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày