Thứ 4, 13/11/2024, 05:29[GMT+7]

Rời phố về quê làm giàu

Thứ 6, 08/08/2014 | 08:04:37
1,984 lượt xem
Vốn được đào tạo bài bản ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cộng thêm niềm đam mê học hỏi, từ hai bàn tay trắng, đến nay vợ chồng anh chị đã là chủ của mô hình chăn nuôi tổng hợp cho thu lãi bình quân gần 200 triệu đồng/năm.

Chị Lê Thị Duyên - người rời phố về quê làm giàu

 

Tốt nghiệp Khoa Nuôi trồng thủy sản Trường Ðại học Thủy sản Nha Trang, trở thành một trong những kỹ sư có năng lực của Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Hà Nội, nhưng Lê Thị Duyên - người con gái Thủ đô lại quyết định theo chồng về quê ở xã Vũ Sơn (Kiến Xương) lập nghiệp với mong muốn được áp dụng kiến thức vào cuộc sống thực tiễn để giúp đỡ cho những người nông dân nơi đây từng bước vươn lên thoát nghèo. Vốn được đào tạo bài bản ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cộng thêm niềm đam mê học hỏi, từ hai bàn tay trắng, đến nay vợ chồng anh chị đã là chủ của mô hình chăn nuôi tổng hợp cho thu lãi bình quân gần 200 triệu đồng/năm.

 

Khi mới trở về quê, nhiều người cho rằng vợ chồng chị “gàn, dở” bởi chẳng có ai lại bỏ công việc ổn định trên thành phố để về quê gắn bó với những công việc thường nhật của người nông dân chỉ là chăn nuôi và trồng trọt; quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Nhưng anh chị đã chứng minh cho người dân trong xã thấy rằng đó là quyết định táo bạo nhưng đúng đắn.

 

Ðầu năm 2010, khi UBND xã Vũ Sơn có chủ trương dồn điền đổi thửa, chuyển đổi toàn bộ diện tích đất chua trũng, cấy lúa 1 vụ kém hiệu quả sang phát triển chăn nuôi nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, chỉ với 28 triệu đồng tiết kiệm được, anh chị bàn bạc với gia đình quyết định chuyển đổi 8 sào vốn là diện tích cấy lúa kém hiệu quả của gia đình và đấu thầu thêm hơn 1 mẫu đất của xã, đồng thời vay thêm vốn từ bạn bè, người thân để xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp gồm 2 ao nuôi cá với diện tích trên 1 mẫu, trong đó 1 ao ương cá giống và 1 ao nuôi cá trắm cỏ thương phẩm. Toàn bộ diện tích bờ ao được phủ xanh bằng nhiều loại cây ăn quả như ổi Bo, bưởi Diễn, chuối Tiêu hồng... Ngoài ra, anh chị còn xây dựng gần 1.000m2 chuồng trại để nuôi gà Ai Cập đẻ trứng. Những lứa chăn nuôi đầu tiên thường xuyên bị thua lỗ do không chú ý đến khẩu phần ăn của đàn gà khiến chi phí bỏ ra lớn mà đàn gà vẫn chậm lớn, thậm chí còn bị chết khá nhiều do chủ quan trong khâu tiêm phòng dịch bệnh. Những thất bại ban đầu giúp anh chị đúc rút được nhiều kinh nghiệm cho quá trình chăn nuôi.

 

Không chấp nhận thất bại, anh chị đã dành nhiều thời gian đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm với những chủ trang trại trong và ngoài huyện; thường xuyên tìm tòi các loại tài liệu, sách báo hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gia cầm. Có những khi đàn gà bị mắc bệnh, anh chị thức trắng đêm để lo cách chữa trị, rồi lại lặn lội đi tìm những bác sĩ thú y giỏi để học hỏi. Những lứa sau, với sự thay đổi trong khẩu phần ăn, thời gian cho ăn hợp lý, đàn gà phát triển tốt, đẻ trứng đều và bắt đầu cho thu lãi. Hiện nay, trong chuồng nuôi luôn duy trì khoảng 1.000 con gà Ai Cập đang trong thời gian đẻ trứng. Giá trứng của loại gà này hiện dao động từ khoảng 3.000 -  3.300 đồng/quả nên mỗi năm cũng cho thu lãi trên 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, hơn 1 mẫu ao của gia đình, bình quân mỗi năm cho thu từ 3 - 4 tấn cá trắm cỏ thương phẩm, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 100 triệu đồng. Từ khi sản xuất, chăn nuôi đi vào ổn định, mỗi năm gia đình anh chị thu lãi khoảng 200 triệu đồng.

 

Khi được hỏi về kinh nghiệm, chị Duyên không ngần ngại chia sẻ: Trước khi chăn nuôi cần nghiên cứu kỹ về đặc tính của mỗi loài để từ đó có phương pháp chăm sóc phù hợp. Khi bắt tay vào chăn nuôi, người chăn nuôi phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khỏe của vật nuôi; thường xuyên vệ sinh sạch sẽ chuồng nuôi, phun thuốc khử trùng và rắc vôi bột để phòng tránh dịch bệnh. Ngoài ra, cần đặc biệt chú ý việc tiêm phòng đúng định kỳ, bảo đảm sức đề kháng cho vật nuôi. Ðối với những gia đình nuôi gà đẻ trứng, người chăn nuôi nên vỗ béo bằng cám công nghiệp trước và trong thời kỳ gà đẻ để bảo đảm đàn gà khỏe mạnh, đẻ đều, chất lượng trứng tốt... Không chỉ làm giàu cho gia đình, hiện nay chị Duyên còn thường xuyên giúp đỡ kinh nghiệm và phương pháp phòng trừ dịch bệnh cho nhiều gia đình chăn nuôi trong xã, qua đó cùng nhau thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Phạm Hưng

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày