Quản Quốc Quân Đi lên từ một người thợ lành nghề
Mặc dù không hẹn trước nhưng chúng tôi đến đúng lúc Quân vừa từ Hà Nội trở về. Chuẩn bị khai giảng năm học mới nên các trường mầm non nhập rất nhiều đồ chơi, công việc sản xuất vì thế cũng gấp gáp hơn.
Chỉ vào đống đồ chơi ngộ nghĩnh, dễ thương, nhiều màu sắc như xe đẩy 3 con vịt, bộ đồ chơi đoàn tàu, ghép hình, Quân bảo lô hàng vừa xuất xong còn một ít anh để lại để giới thiệu với các cửa hàng. Vừa làm chủ vừa làm thợ nên mọi công việc của xưởng Quân đều trực tiếp giải quyết.
Dáng người nhỏ nhắn, gương mặt trẻ đôi mắt sáng, đầy nghị lực tạo ấn tượng với ai đã một lần tiếp xúc với anh. Học hết cấp 3, Quân quyết định không học đại học mà theo học nghề cơ khí chế tạo máy. Sau học nghề, anh xin vào làm công nhân cho một vài công ty chế tạo máy và cuối cùng ổn định ở một công ty sản xuất đồ chơi trẻ em tại Hà Nội. Làm rồi anh thấy yêu và say mê với nghề nên ban ngày đi làm, tranh thủ buổi tối anh vẫn đi học thêm trung cấp chế tạo máy để phục vụ công việc tốt hơn. Tay nghề cứng dần, anh được tin tưởng giao nhiệm vụ tổ trưởng tổ kỹ thuật.
Đúng lúc công việc đang ổn định tại Hà Nội thì bố Quân bị bệnh tim qua đời. Muốn được là chỗ dựa tinh thần cho mẹ và em gái, anh quyết định nghỉ việc ở Hà Nội về quê mở xưởng sản xuất đồ chơi trẻ em. Những ngày đầu, gia đình và họ hàng nội ngoại ai cũng thương và ủng hộ anh. Người nhiều, người ít, có người đứng tên vay ngân hàng dồn góp giúp anh số vốn hơn 300 triệu đồng để xây dựng xưởng, đầu tư máy móc, mua nguyên vật liệu. Xưởng đi vào hoạt động gặp không ít khó khăn. Những đợt hàng đầu tiên không được lãi mà còn thua lỗ. Giờ Quân cũng đã phần nào rút được kinh nghiệm thực tế nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn đang ở phía trước.
Các sản phẩm đồ chơi trẻ em được sản xuất từ nguyên liệu gỗ hiện đang được thị trường ưa chuộng vì đồ gỗ an toàn, đẹp và thân thiện với môi trường. Thế nhưng để có được những sản phẩm đồ chơi ngộ nghĩnh, bắt mắt từ những khối gỗ xù xì, thô ráp thì không hề đơn giản. Quân phải nhập nguyên liệu gỗ thông sấy khô chủ yếu từ miền Nam chuyển ra, sau đó tính toán ra phôi gỗ làm sao để tiết kiệm được nguyên liệu nhất mà vẫn bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Ở khâu này, nếu chỉ cần thợ tính toán sai 1mm thì cũng có thể làm hỏng toàn bộ, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Gỗ sau ra phôi sẽ được cắt, tạo dáng, tạo kiểu theo từng sản phẩm, đánh bóng, sơn theo màu sắc của đồ chơi. Loại sơn Quân chọn cũng cầu kỳ hơn về chất lượng bởi để sản phẩm đẹp phải có nước sơn đẹp, quan trọng hơn là phải an toàn, không độc hại với trẻ em. Dù là đồ chơi nhưng yêu cầu kỹ thuật trong mỗi sản phẩm đều rất cao, bởi phải lô-gic từng chi tiết thì đoàn tàu mới có thể chạy bằng dây cót, chiếc xe cút kít mới có thể bảo đảm thăng bằng hoặc các khối hộp mới có thể ăn khớp với nhau, đồng thời phải có tính sáng tạo nhằm thu hút trẻ chơi và phát triển khả năng tư duy của trẻ.
Quân bảo, để làm được những đồ chơi này ngoài học hỏi kỹ thuật phải tìm hiểu cả tâm lý, sở thích, nhu cầu của các bé nữa. Hiện tại, anh mới nhận sản xuất theo đơn hàng của 1 công ty tại Hà Nội. Vừa sản xuất hàng cho công ty anh vừa tranh thủ từng bước quảng bá sản phẩm đồ chơi mang thương hiệu “Quốc Quân” tại thị trường Thái Bình. Ước mơ của Quân là mở rộng quy mô sản xuất và trở thành doanh nghiệp sản xuất đồ chơi có uy tín.
Ngoài mẹ, em gái và cô bác họ hàng hỗ trợ khi rảnh rỗi, xưởng sản xuất đồ chơi trẻ em của Quân còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 - 6 lao động là bà con trong thôn, trong xã. Công việc không quá vất vả, gần nhà mà thu nhập cũng bảo đảm từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập của thợ thì đã ổn định, nhưng khi hỏi lợi nhuận của xưởng thì Quân cười: Cơ sở mới đi vào hoạt động được một năm rưỡi, hiện tại đang từng bước ổn định sản xuất và bù đắp chi phí đầu tư. Vì vậy để tính đến lợi nhuận cũng phải vài ba năm nữa. Điều đó càng khiến chúng tôi cảm phục hơn ý chí vượt khó của chàng trai trẻ nơi miền quê nghèo thuần nông. Vừa qua, Quản Quốc Quân đã được Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh tặng Giấy khen. Đây là động lực để Quân tiếp tục phấn đấu, mang những sản phẩm từ bàn tay, khối óc của mình đến với trẻ thơ quê hương.
Quỳnh Lưu
(Đài Truyền thanh Vũ Thư)
Tin cùng chuyên mục
- Ông Chọn say mê làm việc thiện 15.05.2024 | 08:42 AM
- Nghị lực vươn lên của cô gái một chân 24.08.2023 | 09:38 AM
- Người thương binh hơn 30 năm canh giấc ngủ cho đồng đội 20.07.2023 | 09:14 AM
- Những người “làm dâu trăm họ” ngành y 30.06.2023 | 10:09 AM
- Người truyền lửa đam mê phong trào bóng bàn 05.06.2023 | 10:52 AM
- Hai thầy giáo trao trả hơn 10 triệu đồng và 5.000 yên Nhật cho người đánh rơi 08.11.2022 | 02:28 AM
- Nỗ lực vì sức khỏe người dân 25.04.2022 | 15:01 PM
- Thành viên tổ công tác liên ngành chốt kiểm soát dịch Covid-19 nhặt được của rơi trả lại người mất 15.09.2021 | 23:48 PM
- Biến ruộng thành ao, thu tiền tỷ 13.09.2021 | 08:29 AM
- Vươn lên từ vùng đất trũng 19.07.2021 | 09:46 AM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
Quóc Vinh - 6 năm trước