Thứ 7, 23/11/2024, 14:45[GMT+7]

Người thanh niên công giáo giàu nghị lực

Thứ 3, 04/11/2014 | 08:35:38
1,512 lượt xem
“Sinh năm 1985, trải qua 14 cuộc phẫu thuật vì căn bệnh đại tràng bẩm sinh, mất 81% sức khỏe nhưng luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, sống tốt đời đẹp đạo. Còn trẻ tuổi đã là chủ của một gia trại trồng nấm và chăn nuôi cho thu nhập cao, tạo việc làm cho lao động địa phương” - đó là lời nhận xét của đồng chí Cao Kim Hùng, Chủ tịch UBND xã Phong Châu (Ðông Hưng) về anh Nguyễn Văn Tưởng thuộc họ giáo Khuốc, xứ Nam Lỗ (hội viên nông dân Chi hội thôn Khuốc Ðông).

Anh Nguyễn Văn Tưởng (thôn Khuốc Ðông, xã Phong Châu, Ðông Hưng) thu lãi trên 150 triệu đồng mỗi năm từ trồng nấm và mộc nhĩ.

 

Về thăm trang trại trồng nấm và chăn nuôi của anh Tưởng, chúng tôi thực sự ấn tượng bởi những gì chàng thanh niên chưa đầy 30 tuổi này gây dựng được. Với dáng người gầy gò nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát, anh kể cho chúng tôi nghe về quá trình lập nghiệp của mình. Năm 2004, anh có dịp được tham gia lớp tập huấn kiến thức về trồng nấm tại Trường Ðại học Nông nghiệp Hà Nội. Sau một thời gian tìm hiểu và áp dụng những kiến thức đã học, anh Tưởng quyết định tận dụng diện tích đất thổ cư của gia đình, xây dựng lán, trại bắt đầu đưa nấm về trồng.

 

Thời gian đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như thiếu vốn đầu tư, gia đình anh chủ yếu thu gom nguồn rơm, rạ của bà con về ủ trồng nấm với quy mô nhỏ lẻ nên hiệu quả chưa cao, cứ làm khoảng 1.000 giá thể nấm thì khoảng 600 giá thể cho thu hoạch, còn lại bị hỏng. Nhận thấy nhu cầu về nấm của thị trường ngày càng lớn, bà con ưa chuộng nguồn thực phẩm này bởi nấm là sản phẩm sạch, không có hóa chất, giàu dinh dưỡng, anh quyết tâm xây dựng gia trại trồng nấm kết hợp chăn nuôi với quy mô lớn. Nghĩ là làm, năm 2009, anh Tưởng đăng ký ra vùng đất chuyển đổi, làm đơn vay vốn từ ngân hàng, vay mượn anh em, bạn bè, đầu tư số tiền 300 triệu đồng xây dựng gia trại, mua sắm lò hấp, lò sấy khử trùng để phục vụ cho quá trình sản xuất nấm.

 

Ðể có thêm kiến thức trong trồng và chăm sóc nấm, anh không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trồng nấm hiệu quả ở các tỉnh, thành phố lân cận như Nam Ðịnh, Hải Phòng, Ninh Bình. Có khi anh còn lặn lội vào cả Ðồng Nai học hỏi phương thức trồng nấm, từ đó đúc kết kinh nghiệm về điều kiện khí hậu, môi trường để tìm ra những giống nấm phù hợp. Trong quá trình trồng nấm, anh Tưởng gặp không ít khó khăn, anh kể: Có những vụ vừa đeo các giá thể nấm và mộc nhĩ lên thì gặp bão, lán, trại bị sập, phải mất công làm lại từ đầu, cố gắng lắm mới thu hồi được vốn.

 

Thành công từ ý chí và nghị lực, giờ đây anh Tưởng là ông chủ của gia trại trồng nấm cho thu nhập cao. Với diện tích khoảng 1 mẫu, gia trại thường xuyên có 4 vạn giá thể nấm và mộc nhĩ. Ðến thời điểm thu hoạch, mỗi ngày hái và tiêu thụ từ 80 - 90kg nấm tươi với giá bán bình quân từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Với mộc nhĩ, cứ 1 vạn giá thể cho thu hoạch khoảng 7 tạ khô với giá bán trung bình 100.000 đồng/kg khô. Sản phẩm nấm và mộc nhĩ của gia đình anh không chỉ phân phối cho thị trường trong tỉnh mà còn cung cấp cho một số cơ sở ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội. Bên cạnh đó, tận dụng nguồn nguyên liệu thải ra từ trồng nấm làm thức ăn cho cá, với hơn 1 sào mặt nước, anh Tưởng nuôi thả các giống cá truyền thống. Mỗi năm gia trại cho thu lãi trên 150 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 12 lao động với mức thu nhập bình quân 70.000 đồng/người/ngày. Thời gian tới, anh Tưởng sẽ tiếp tục đăng ký thêm diện tích chuyển đổi, mở rộng lán, trại trồng nấm, tạo việc làm cho những người không còn độ tuổi lao động ở các công ty.

 

Từ những việc làm được, anh Tưởng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách trồng và chăm sóc nấm cho bà con trong và ngoài tỉnh khi mới bắt đầu phát triển mô hình trồng nấm. Anh chia sẻ: Ðể cây nấm sinh trưởng, phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế cao, trước hết phải chọn giống nấm ở các cơ sở có uy tín. Nguồn nguyên liệu để trồng nấm như rơm, rạ, mùn cưa phải bảo đảm đủ độ ẩm tiêu chuẩn, chú ý nguồn nước tưới phải sạch. Tùy điều kiện thời tiết mà chọn những giống nấm khác nhau, mùa nóng nên chọn nấm tím (nấm mỡ), mùa lạnh chọn nấm trắng (nấm sò) để cho năng suất cao. 

 

Ðồng chí Nguyễn Thiều Lai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Ðông Hưng cho biết: Gia trại trồng nấm của gia đình anh Tưởng là một điển hình cho thu nhập ổn định và tạo việc làm cho lao động nông nhàn ở địa phương. Ðây là mô hình cần được nhân rộng bởi nó không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng mà còn tận dụng được nguồn rơm, rạ dư thừa sau thu hoạch, từ đó hạn chế tình trạng đốt rơm, rạ gây ô nhiễm môi trường và làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông.

Thanh Huyền

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày