Thứ 7, 23/11/2024, 13:58[GMT+7]

Người đưa nghề may công nghiệp về nông thôn

Thứ 6, 28/11/2014 | 08:39:15
1,703 lượt xem
Những năm qua, UBND xã Vũ Vinh (Vũ Thư) luôn chú trọng công tác đào tạo nghề và khuyến khích các tập thể, cá nhân đưa nghề mới về nông thôn nhằm giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Anh Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Bảo An (thôn Đông Vinh) là người tiên phong trong phong trào này. Hiện nay, mỗi năm Công ty đạt lợi nhuận hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 60 lao động với thu nhập từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Anh Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Bảo An (thôn Đông Vinh, xã Vũ Vinh, Vũ Thư) kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng.

Chúng tôi đến thăm Công ty TNHH Dệt may Bảo An của anh Nguyễn Hữu Dũng khi anh cùng với hàng chục công nhân đang tất bật chuẩn bị cho chuyến xuất hàng. Tranh thủ phút nghỉ ngơi, tâm sự cùng chúng tôi, anh cho biết: Trước đây hai vợ chồng anh từng làm quản lý ở một số công ty may tại các khu công nghiệp. Hằng đêm anh luôn suy nghĩ, tại sao không dùng số vốn đang có về quê mở xưởng may, đem nghề may dạy lại cho lao động trong xã, vừa tạo việc làm cho lao động nông nhàn vừa nâng cao thu nhập cho gia đình và người dân địa phương. Nghĩ là làm, đầu năm 2005, với số vốn tích lũy được cộng với vay mượn từ họ hàng, anh mở xưởng may, khởi nghiệp với 8 máy may công nghiệp và  10 lao động. Khi mới đưa nghề may về địa phương, anh chị đã phải bỏ ra cả tháng trời để đưa lao động sang Nam Định học nghề với mức hỗ trợ hơn 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Những ngày đầu mới thành lập, sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do công nhân chưa thành thạo với máy móc, chất lượng sản phẩm còn thấp nhưng dần được nâng lên, đáp ứng yêu cầu của đơn vị đặt hàng. Nhận thấy nhu cầu việc làm của người dân địa phương là rất lớn nên đầu năm 2012, vợ chồng anh quyết định thuê lại hàng nghìn mét vuông đất vốn là Trường Trung học phổ thông Vũ Tiên (Vũ Thư) cũ để xây dựng nhà xưởng, mở rộng diện tích và thành lập Công ty TNHH Dệt may Bảo An. Hiện nay, sản phẩm chính của Công ty là màn xuất khẩu sang thị trường Đan Mạch. Sau gần 10 năm đưa nghề may về địa phương, đến nay Công ty của anh Dũng đã được đầu tư xây dựng khá khang trang với tổng diện tích lên đến hơn 1.000m2 nhà xưởng với 30  máy may công nghiệp, 10 máy vắt sổ, tạo việc làm cho 60 lao động, với mức thu nhập ổn định từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Vốn là người cẩn thận, chăm chỉ, lại có kinh nghiệm nên sản phẩm của Công ty trước khi xuất xưởng đều được anh kiểm tra kỹ lưỡng, được bạn hàng rất tin tưởng. Để thuận tiện trong sản xuất, bảo đảm nguồn hàng đúng hẹn, anh và các đối tác đã thống nhất nguyên tắc trao hai chiều. Mỗi tháng anh bàn giao đơn hàng và cũng nhận nguyên liệu trở lại từ các đối tác, vì thế Công ty của anh có việc làm liên tục, công nhân không phải nghỉ chờ việc.

Chị Đoàn Thị Hảo, xã Nguyên Xá (Vũ Thư) cho biết: Chị là một trong những công nhân may đã gắn bó với Công ty từ những ngày đầu thành lập. Trước đây, chị đã từng làm may cho một số công ty trên thành phố Thái Bình nhưng xa nhà và thu nhập cũng không cao. Sau khi Công ty TNHH Dệt may Bảo An thành lập, chị trở về đây làm cho gần nhà. Làm việc tại đây, chị rất yên tâm bởi lương được trả đều, bình quân đạt từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Ngoài thời gian làm việc tại Công ty, chị còn có thời gian chăm sóc gia đình, làm thêm việc đồng áng. Cũng giống như chị Hảo, anh Hoàng Trường Giang (xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình) chia sẻ: Anh đã vào làm tại Công ty TNHH Dệt may Bảo An được 8 tháng. Tuy mới vào làm tại Công ty nhưng mức lương của anh cũng luôn duy trì từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng.

Khi được hỏi về những dự định của bản thân, anh Nguyễn Hữu Dũng cho biết: Trong thời gian tới, anh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích nhà xưởng, mua sắm máy móc để tạo thêm việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên, hiện nay anh đang gặp phải một số khó khăn về thủ tục cho thuê đất để mở rộng mặt bằng. Anh rất mong các cấp chính quyền địa phương tạo điều kiện để anh có thể yên tâm xây dựng nhà xưởng, tạo việc làm cho nhiều lao động. Không chỉ riêng Công ty của anh Dũng, hiện nay trên địa bàn xã Vũ Vinh còn phát triển một số nghề khác như mây tre đan và sản xuất vật liệu xây dựng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Nhờ giải quyết được việc làm cho người dân nên thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 21 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,3%. Trong thời gian tới, UBND xã Vũ Vinh sẽ tiếp tục có thêm nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công ty, xí nghiệp trên địa bàn xã để từ đó tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

Phạm Hưng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày