Chủ nhật, 10/11/2024, 06:00[GMT+7]

Làm giàu từ nuôi chim bồ câu thương phẩm

Thứ 4, 25/03/2015 | 08:20:20
1,821 lượt xem
Anh Vũ Văn Thơ (thôn Phương Tảo 2, xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư) vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng nhờ nuôi chim bồ câu và trở thành địa chỉ tin cậy để cho nhiều nông dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Anh Vũ Văn Thơ (bên trái), thôn Phương Tảo 2, xã Xuân Hòa (Vũ Thư) chia sẻ kinh nghiệm nuôi chim bồ câu thương phẩm cho nhân dân trong xã.

 

Ðến thăm mô hình nuôi chim bồ câu thương phẩm của gia đình anh Thơ, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô, cách chăn nuôi khoa học. Anh Thơ cho biết: Ðầu năm 2003, UBND xã Xuân Hòa có chủ trương chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng khu chăn nuôi tập trung. Xác định đây là cơ hội để thoát nghèo, tôi đã bàn bạc với gia đình mạnh dạn vay vốn và đấu thầu 2 mẫu đất cấy lúa kém hiệu quả để đào ao thả cá kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong quá trình chăn nuôi, tôi luôn tìm tòi, đưa các cây, con mới có giá trị cao vào sản xuất.

 

Ý tưởng nuôi chim bồ câu được nung nấu từ lâu nhưng anh Thơ không vội bắt tay vào thực hiện ngay mà dành thời gian tìm hiểu trên sách báo, tới các mô hình đã nuôi thành công để học hỏi kinh nghiệm. Khi mới nuôi thử nghiệm, anh dành nhiều thời gian cho việc chăm sóc, cho chim ăn uống đúng giờ, theo dõi kỹ tình hình sức khỏe của chim. Nhờ được chăm sóc tốt, những cặp chim bồ câu nhanh lớn và bắt đầu sinh sản. Nhận thấy đây là loài dễ nuôi, nhu cầu sử dụng làm thực phẩm lớn nên gia đình anh Thơ đã nhân giống thành công và tiếp tục mở rộng chuồng trại chăn nuôi. Hiện tại, gia đình anh luôn duy trì nuôi hàng trăm đôi chim bồ câu sinh sản và chim thương phẩm. Theo kinh nghiệm của anh, để nuôi chim bồ câu đạt hiệu quả kinh tế cao thì khâu chọn giống là quan trọng nhất. Khi chọn chim bồ câu giống nên chọn những con có lông bụng dày mượt, khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Bên cạnh đó, chuồng nuôi cũng cần phải thông thoáng, có đủ ánh sáng mặt trời, có mái che, có ổ cho chim mái đẻ trứng, thường xuyên vệ sinh chuồng trại bởi chim bồ câu là loài rất sạch sẽ, nhất là chỗ ở và chỗ ăn uống, nếu không bảo đảm được điều kiện vệ sinh thì tỷ lệ chim chết do dịch bệnh rất cao. Một ngày cho chim ăn hai lần vào buổi sáng và buổi chiều, nước uống của chim phải sạch sẽ và được thay hàng ngày. Thức ăn chủ yếu của chim là ngô, thóc và sỏi nhỏ để tăng khả năng tiêu hóa thức ăn.

 

Ngoài nuôi chim bồ câu thương phẩm, gia đình anh còn nuôi 800 con vịt đẻ, 30 con lợn nái, 30 con lợn thịt, 30 con lợn rừng và đàn trâu bò hơn 20 con. Nhờ chăn nuôi khoa học, tiêm vắc-xin phòng bệnh thường xuyên nên đàn gia súc, gia cầm của gia đình anh Thơ chưa xảy ra dịch bệnh. Từ mô hình này, sau khi trừ chi phí thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng trừ dịch bệnh..., gia đình anh còn thu lãi gần 200 triệu đồng/năm. Trong thời gian tới, gia đình anh sẽ tiếp tục đầu tư cải tạo chuồng trại, mở rộng mô hình chăn nuôi nhằm cung cấp cho thị trường thêm nhiều chim giống, chim thương phẩm bảo đảm chất lượng.

 

Từ chỗ kinh tế khó khăn, sau hơn 10 năm xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp, gia đình anh Vũ Văn Thơ đã có mức sống khá, cuộc sống ấm no.

Phạm Hưng

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày