Thứ 7, 23/11/2024, 14:04[GMT+7]

Tình yêu dành cho những học trò đặc biệt

Thứ 6, 27/03/2015 | 07:56:11
1,191 lượt xem
Tốt nghiệp Khoa tiếng Anh, Trường Ðại học Quốc gia Hà Nội thế nhưng chị Phạm Thị Thắm không chọn công việc theo đúng chuyên ngành mình đã học mà quyết định gắn bó với trẻ em khiếm thị tại Trung tâm Hướng nghiệp Dạy nghề, Hội Người mù tỉnh. Ðến nay, khi đã 15 năm gắn bó với nghề, chị vẫn tự hào nói rằng: “Tôi may mắn có duyên với các em khiếm thị”.

Chị Phạm Thị Thắm tạo thói quen nền nếp cho các em trong sinh hoạt hàng ngày.

 

Do quản lý và dạy học trong môi trường đặc thù nên công việc của chị cũng khá đặc biệt. Ngoài vai trò quản lý giáo viên, học sinh, dạy chữ, dạy nghề, chị còn kiêm luôn công tác thư viện. Hiện chị đang quản lý 30 học sinh khiếm thị ở độ tuổi từ 5 đến 19. Các em đang theo học tại lớp hòa nhập ở 3 cấp học. Dù công việc bận mải song chị vẫn luôn đặc biệt quan tâm đến đời sống của các em khiếm thị bởi đây là những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, nhiều trường hợp vào Trung tâm khi mới 5 tuổi. Xa nhà, xa người thân nên các em gặp nhiều bỡ ngỡ. Hiểu được tâm lý trẻ ở từng độ tuổi, chị chỉ bảo từ cách giao tiếp, ứng xử đến việc vệ sinh cá nhân để các em có thể tự chủ trong sinh hoạt hàng ngày, tự tin hòa nhập cuộc sống. Sự quan tâm, chia sẻ của chị đã khiến nhiều học sinh khiếm thị cảm động, một số em đã vượt lên chính mình trở thành học sinh khá, giỏi tại các lớp học hòa nhập. Nguyễn Khánh Chi, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình) là một điển hình. Khánh Chi tâm sự: Nhờ công lao của các thầy cô giáo, các cô chú, anh chị ở Hội Người mù tỉnh, đặc biệt là cô Thắm em mới có được như ngày hôm nay; nếu không có cô chắc giờ này em chỉ biết quanh quẩn ở nhà sống phụ thuộc vào cha mẹ. Cô dạy chúng em nhiều điều từ cách ăn mặc, xưng hô với thầy cô, bạn bè để có thể hòa đồng với mọi người khi tham gia lớp học hòa nhập. Mặc dù cô không trực tiếp giảng dạy nhưng em và các anh chị ở đây luôn coi cô là người mẹ, người giáo viên của mình.

 

Giống như Khánh Chi, Bùi Thị Thương, lớp 5C, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong tới Trung tâm Hướng nghiệp Dạy nghề, Hội người mù tỉnh từ khi mới 5 tuổi. Ðến nay, Thương đã có 10 năm gắn bó với nơi này. Thương chia sẻ: Những ngày đầu ở Trung tâm em khóc rất nhiều vì nhớ nhà, thấy mọi thứ đều xa lạ. Người đầu tiên động viên, chia sẻ với em là cô Thắm. Cô gọi các bạn đến chơi và nói chuyện để em bớt buồn. Sống và học tập ở đây, cô dạy chúng em rất nhiều, những suy nghĩ, vui buồn đều được cô chia sẻ, khuyên dạy. Em luôn coi cô là người mẹ thứ hai của mình.

 

Ngoài việc chăm sóc các em khiếm thị, trong chuyên môn, chị Thắm còn có những sáng tạo để các em lĩnh hội kiến thức đạt hiệu quả cao nhất. Chị Thắm cho biết: Mỗi học sinh khiếm thị cần có những chương trình dạy khác nhau bởi độ tuổi và mức độ nhận thức của các em không giống nhau. Vì thế, với mỗi học sinh, chúng tôi phải lựa chọn những phương pháp dạy riêng để các em có thể tiếp thu bài nhanh nhất.

 

Tâm huyết và quyết tâm gắn bó với nghề, niềm vui của chị Thắm là thấy các em ngày càng trưởng thành, sống tự tin, hòa nhập với bạn bè. Chị mong muốn, bằng sự quan tâm của cộng đồng, sự giúp đỡ của các thầy cô tại lớp học hòa nhập sẽ giúp nhiều học sinh khiếm thị được học tập, hòa nhập để sống có ích hơn cho xã hội.

Hoàng Lanh

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày