Thứ 7, 23/11/2024, 10:53[GMT+7]

Thành công đổi bằng những giọt mồ hôi

Thứ 2, 04/05/2015 | 14:47:34
1,520 lượt xem
Gác tay súng khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc, những người lính trở về quê hương mang theo chiếc ba lô, vết thương do chiến tranh và không thể thiếu niềm vui chiến thắng. Từ những mảnh vườn, thửa ruộng cha ông để lại, với bàn tay, khối óc của mình, họ đã gây dựng sự nghiệp và thành công. Ông Trần Sỹ Lại ở tổ 12, phường Phúc Khánh và ông Phạm Văn Thăng ở thôn Lam Sơn, xã Ðông Thọ (thành phố Thái Bình) là minh chứng tiêu biểu cho tinh thần vượt khó.

Ông Trần Sỹ Lại làm giàu từ sản xuất kinh doanh đồ gỗ.

 

Sau những năm tháng trong quân ngũ và theo học tại Trường Quân chính Quân khu 5, năm 1989, ông Trần Sỹ Lại trở về quê hương, làm nhiều nghề để kiếm sống, từ quét ve, buôn đài cũ đến đồ gỗ. Nhận thấy đồ gỗ nội thất có khả năng phát triển tại Thái Bình, ông đã mạnh dạn kinh doanh. Thời gian đầu, hai vợ chồng đạp xe sang huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương mua đồ gỗ nội thất về bán. Khi có được chút vốn, ông mạnh dạn mua gỗ và thuê thợ ở Hải Dương về làm. Vừa sản xuất vừa kinh doanh, sản phẩm của gia đình ông được thị trường ưa chuộng. Hiện ông đang sở hữu cửa hàng sản xuất kinh doanh đồ thờ Bình Lại có diện tích khoảng 400m2 với nhiều sản phẩm, mẫu mã đa dạng. Cửa hàng của ông bảo đảm việc làm thường xuyên cho 3 lao động với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài sản xuất, buôn bán đồ gỗ ông Lại còn tham gia kinh doanh vận tải cùng con trai. Ông cho biết: Sự khốc liệt nơi chiến trường, trực tiếp đối mặt với gian khổ, hy sinh đã giúp tôi rèn luyện thêm bản lĩnh. Mặc dù sức khỏe hạn chế bởi hai vợ chồng đều bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam song chúng tôi vẫn cố gắng vượt lên khó khăn.

 

Ông Phạm Văn Thăng chăm sóc vườn ổi của gia đình.

 

Có chung ý chí làm giàu như ông Trần Sỹ Lại, ông Phạm Văn Thăng, mặc dù là thương binh hạng 2, bệnh binh hạng 2, cộng thêm ảnh hưởng của chất độc da cam nhưng đã thành công trong việc biến 7 sào đất ruộng chua trũng cấy lúa năng suất thấp thành vườn cây ăn quả và ao thả cá cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, với 4 sào ao, 3 sào vườn trồng ổi, đu đủ, táo, mỗi năm trừ mọi chi phí gia đình ông còn thu về gần 100 triệu đồng. Ông Thăng chia sẻ: Gia nhập quân đội từ năm 1972, công tác tại Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 143, Sư đoàn 315, Quân khu 5, tôi là lính bộ binh, từng tham gia nhiều trận đánh ác liệt. Năm 1988, tôi trở về làm nông nghiệp và công tác tại địa phương. Với kinh nghiệm tích lũy của bản thân, tôi quyết tâm lập nghiệp từ đồng đất quê hương, mở rộng mô hình vườn cây, ao cá. Sau khi tham khảo một số mô hình, tôi quyết định chọn ổi là cây trồng chính, dưới ao thả các loại cá: trôi, trắm, mè, chép. Nhận thấy thị trường ưa chuộng giống ổi găng, loại ổi ít sâu bệnh lại cho năng suất cao, tôi tìm đến Trường Ðại học Nông nghiệp Hà Nội mua giống và học hỏi kinh nghiệm trồng trọt. Ðến nay, trong vườn nhà có khoảng 80 gốc ổi, 30 gốc táo và xen canh rau mùi tàu. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí thu nhập từ vườn cũng đạt khoảng 50 triệu đồng, bảo đảm cuộc sống cho gia đình.

 

Dẫu không phải đối mặt với đạn bom ác liệt như ở chiến trường thế nhưng thương trường trong thời bình cũng không kém phần gian khổ, muốn thành công người lính thời hậu chiến phải đổi bằng những giọt mồ hôi. Thành quả họ có được như ngày hôm nay là nhờ bản lĩnh, ý chí được tôi rèn trong quân ngũ, trong khói lửa chiến tranh. Những con người anh dũng trong thời chiến, vượt khó và tỏa sáng trong thời bình thực sự là tấm gương để thế hệ trẻ học tập, làm theo.

Hoàng Lanh

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày