Thứ 7, 23/11/2024, 10:34[GMT+7]

Bốn cử nhân bỏ phố về quê làm trang trại

Thứ 3, 26/05/2015 | 07:56:30
2,783 lượt xem
Với mong muốn làm giàu cho bản thân, gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, bốn chàng trai thuộc thế hệ 8X ở xã Hiệp Hòa (Vũ Thư) đã không ngần ngại từ bỏ thành phố cùng với công việc ổn định trở về quê làm trang trại. Vốn được đào tạo bài bản ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cộng thêm niềm đam mê học hỏi, từ hai bàn tay trắng, đến nay trang trại của bốn chàng trai đã có những thành công bước đầu, cho hiệu quả kinh tế cao.

Anh Vũ Mạnh Tường chăm sóc đàn bò trong trang trại.

Qua trò chuyện, chúng tôi được biết bốn chàng trai đó là Đỗ Quý Tín, Đỗ Quốc Huy (cùng sinh năm 1984), Đặng Xuân Phi (sinh năm 1986) và Vũ Mạnh Tường (sinh năm 1987). Mỗi người học một chuyên ngành khác nhau: Đỗ Quý Tín học Đại học Xây dựng, Vũ Mạnh Tường học Đại học Bách khoa Hà Nội, Đỗ Quốc Huy học Đại học Công nghiệp Hà Nội còn Đặng Xuân Phi học Cao đẳng Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh. Trong bốn anh có Đặng Xuân Phi là người vất vả hơn cả. Tâm sự cùng chúng tôi, Đặng Xuân Phi cho biết: Năm 2006, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên học hết THPT Phi theo bố đi khắp các công trình làm phụ xây, kiếm tiền giúp gia đình. Ban ngày đi làm vất vả nhưng tối đến Phi vẫn dành thời gian để ôn thi đại học. Năm 2008, Phi thi đỗ Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp, cầm tấm bằng trong tay, Phi xin vào làm tại Công ty nhựa Long Thành. Ba chàng trai còn lại đều có công việc phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Mặc dù có việc làm ổn định nhưng họ đều nghĩ đến việc trở về để phát triển kinh tế và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, tìm tòi, cuối cùng mọi người thống nhất làm trang trại nhưng trồng cây gì, nuôi con gì thì chưa ai nghĩ ra. Tất cả lại bắt tay vào nghiên cứu, tìm tài liệu để chọn hướng đi thích hợp. Cuối cùng, cả bốn anh em đi đến thống nhất xây dựng mô hình nuôi bò thịt cao sản và bò sữa của Trung tâm Nghiên cứu bò sữa Ba Vì bởi kỹ thuật nuôi bò không quá khó, giá trị kinh tế cao và đặc biệt là có thể tận dụng những vùng đất canh tác kém hiệu quả. Sau khi mô hình trang trại được phác thảo, bốn anh em lại trăn trở việc chọn địa điểm. Có lúc họ phải lên tận vùng cao miền núi phía Bắc để mong tìm được mặt bằng thuận lợi. Cuối cùng, như duyên nợ, chính mảnh đất quê hương của bốn chàng trai lại là nơi đặt “hạt giống” ý tưởng làm giàu của họ. Năm 2012, sau khi khảo sát, bốn chàng trai nhận thấy vùng đất ngoài bãi đê xã Hiệp Hòa (Vũ Thư) có thể xây dựng trang trại nên đã mạnh dạn vận động và thuê lại 2,5ha đất của 160 hộ dân.

Với số vốn vay mượn ban đầu khoảng 2 tỷ đồng, bốn chàng trai đã đầu tư xây dựng chuồng trại và mua sắm những máy móc cần thiết. Đầu năm 2013, lứa đầu tiên gồm 50 con bò giống Brahman và Broumaster thuần chủng của Úc đã được nhập về nuôi tại trang trại. Hàng ngày, bốn chàng trai thay nhau vệ sinh chuồng trại, kiểm tra sức khỏe đàn bò, cắt cỏ; định kỳ vệ sinh khử trùng chuồng trại, tiêm vắc-xin cho đàn bò. Khi được hỏi về kinh nghiệm chăm sóc đàn bò, Vũ Mạnh Tường không ngần ngại chia sẻ: Bò dễ nuôi nhưng nếu không chú ý thì sẽ bị mất cân bằng về dinh dưỡng. Hơn nữa, bò là gia súc không mang nhiều bệnh dịch nhưng Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới nên vào thời điểm giao mùa bò cũng dễ bị mắc bệnh. Để phòng bệnh cho bò, chúng tôi phải phân công nhau mỗi người một mảng, chủ động tìm hiểu về triệu chứng của các loại bệnh ở bò, cách phòng và điều trị. Định kỳ hàng tuần, hàng tháng, các anh dùng nhiều loại thuốc để khử trùng chuồng trại, tiêm vắc-xin cho đàn bò. Thậm chí các công việc như phối giống hay đỡ đẻ cho bò trước đây vốn rất lạ lẫm nay các anh cũng trực tiếp làm. Ngoài công việc chung là chăm sóc đàn bò, bốn chàng trai cũng phân chia những nhiệm vụ riêng: Huy đảm nhiệm việc sổ sách, kế toán; Tường tìm kiếm thị trường, khách hàng; Phi phụ trách chính về kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng đàn bò còn Tín bao quát chung.

Sau hơn 2 năm khởi nghiệp, nhờ tinh thần dám nghĩ dám làm, vừa qua trang trại đã xuất bán 20 con bò đầu tiên, trung bình mỗi con trị giá 40 triệu đồng, thu về 800 triệu đồng. Từ những thành công ban đầu, hiện trang trại đang tiếp tục nuôi lứa thứ hai với khoảng 100 con bò. Về những dự định tương lai, mong muốn của bốn chàng trai là mở rộng quy mô trang trại để có thể đưa máy móc vào sản xuất, giảm sức lao động. Bên cạnh nuôi bò thương phẩm, trong tương lai, trang trại này sẽ tiếp tục nuôi thử nghiệm bò sữa. Nếu thành công, đây sẽ là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, có thể áp dụng ở nhiều địa phương và tạo việc làm cho nhiều lao động.

Phạm Hưng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày