Thứ 7, 23/11/2024, 10:50[GMT+7]

Làm giàu từ chăn nuôi tổng hợp

Thứ 6, 29/05/2015 | 08:08:47
1,939 lượt xem
Về xã Ðông Hà (Ðông Hưng), chúng tôi có thể cảm nhận rõ sự thay đổi của làng quê nơi đây nhờ kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Ðời sống của người dân ngày càng được cải thiện, nhiều hộ đã vươn lên khá giả, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Hỏi thăm gia đình ông Nguyễn Ðức Thịnh ở thôn Bắc Song ai cũng biết bởi quy mô chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông cho hiệu quả kinh tế cao, bền vững nhiều năm nay.

Mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Ðức Thịnh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Năm 2000, ông Thịnh quyết định phát triển chăn nuôi tổng hợp quy mô lớn bằng việc xin chuyển đổi toàn bộ diện tích cấy lúa sang diện tích chuyển đổi xã đã quy hoạch. Khởi nghiệp từ khu đất rộng 2.500m2 với số vốn ít ỏi, ban đầu ông trồng cây dài ngày xen cây ngắn ngày, nuôi 50 con ngan, gần 1.000m2 ao dành để thả cá truyền thống. Lấy ngắn nuôi dài, năm 2005, cùng với số vốn tích lũy được, thông qua Hội Nông dân xã, ông Thịnh mạnh dạn vay thêm từ các tổ chức tín dụng, đầu tư 85 triệu đồng xây dựng khu chăn nuôi tổng hợp. Năm 2008, sau khi được tham gia lớp học về chăn nuôi thú y trong thời gian 3,5 tháng, ông mở rộng chuồng trại, duy trì nuôi 50 con lợn thịt, 5 lợn nái, từ 1.000 - 1.500 con gà thịt, 200 - 400 con ngan và thả cá. Cơn bão tháng 8/2012 đã làm chuồng trại của gia đình ông sụp đổ hoàn toàn, thiệt hại hơn 240 triệu đồng. Không chùn bước trước khó khăn, ông lại vay mượn, đầu tư gần 300 triệu đồng xây dựng lại toàn bộ chuồng trại, nuôi thêm hơn 100 con gà đẻ trứng, bồ câu, thả cá rô đồng, rô phi đơn tính kết hợp cá truyền thống. Từ mô hình chăn nuôi tổng hợp này, trừ mọi chi phí, mỗi năm ông Thịnh còn thu lãi hơn 100 triệu đồng.

 

Ông Thịnh tâm sự: Sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi luôn chịu nhiều rủi ro. Tuy nhiên, nhờ nắm vững kỹ thuật, chưa khi nào tôi để xảy ra dịch bệnh với vật nuôi. Không chỉ tham gia các lớp tập huấn do hội nông dân tổ chức, kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi được ông Thịnh tích lũy thông qua các công ty cung ứng thuốc thú y, công ty thức ăn chăn nuôi và từ chính những người nông dân như ông. Ðể nâng cao hiệu quả chăn nuôi, ông lựa chọn lợn lai ba máu đưa vào nuôi bởi những ưu điểm vượt trội của giống lợn này so với các giống lợn khác, đó là tỷ lệ nạc cao, thịt ngon, dễ chăn nuôi, tăng trưởng tốt. “Không chỉ có yếu tố giống, người chăn nuôi cần có kỹ năng phân tích thị trường, từ đó quyết định con vật nuôi, thời điểm nuôi thả… để có được giá thành cao nhất khi xuất bán” - ông Thịnh chia sẻ. Ðơn cử như cá rô đồng ông đang nuôi thả, thời gian nuôi từ 4 - 5 tháng/lứa. Nếu xuất bán vào thời điểm tháng 1, tháng 2 giá sẽ cao nhưng thời điểm bắt đầu thả nuôi gặp thời tiết lạnh sẽ khó nuôi. Nếu thả khi thời tiết nóng, ấm, khi xuất bán sẽ vào khoảng tháng 8, tháng 9 nhưng khi đó giá sẽ rất thấp.

 

Hiện ông Thịnh đang đưa giống thỏ New Zealandon> vào nuôi thử nghiệm. Ông cho biết: Qua tham quan các mô hình phát triển kinh tế, tôi nhận thấy nuôi thỏ New Zealandon> hiệu quả kinh tế cao, mức đầu tư thấp so với vật nuôi khác, thị trường tiêu thụ mạnh. Thời gian tới, khi đã nắm vững kỹ thuật, tôi sẽ mở rộng quy mô nuôi thỏ New Zealandon>. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình mình, ông Thịnh còn cùng với các hộ chăn nuôi trong xã thành lập câu lạc bộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, căn cứ thực tiễn địa phương để xây dựng quy trình chăn nuôi, nhờ đó từ nhiều năm nay chăn nuôi trong xã không xảy ra dịch bệnh, mang lại thu nhập ổn định cho các hộ nông dân.

 

Toàn xã Ðông Hà hiện có trên 40 trang trại, gia trại. Mô hình phát triển kinh tế như của gia đình ông Thịnh được nhân rộng ở nhiều hộ dân trong xã, giúp bà con xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Lưu Ngần

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày