Thứ 7, 23/11/2024, 10:46[GMT+7]

Thoát nghèo nhờ mô hình lúa - cá

Thứ 2, 08/06/2015 | 08:28:52
2,211 lượt xem
Những năm qua, cùng với gieo cấy lúa, nhiều nông dân ở xã Tân Hòa (Vũ Thư) đã lựa chọn những mô hình sản xuất kết hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Gia đình anh Vũ Văn Thùy ở thôn Nam Bi, nhờ thực hiện hiệu quả mô hình kết hợp lúa - cá nên thu lãi hơn 100 triệu đồng mỗi năm.

Anh Vũ Văn Thùy thoát nghèo nhờ mô hình lúa - cá.

Tâm sự cùng chúng tôi, anh Thùy cho biết: Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của UBND xã, năm 2003 gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi hơn 7 sào ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang cấy lúa kết hợp với nuôi cá thương phẩm. Những năm đầu khi mới bắt tay vào chăn nuôi, vợ chồng tôi gặp không ít khó khăn do chưa nắm bắt được kỹ thuật, kinh nghiệm và vốn đầu tư còn hạn chế nên thu nhập không được là bao, cuộc sống hết sức khó khăn.

Với bản chất cần cù, chịu khó, anh Thùy thường xuyên tìm tòi, học hỏi và tham quan các mô hình chăn nuôi hiệu quả. Trải qua những vất vả, khó khăn ban đầu, nhận thấy việc kết hợp lúa - cá có hiệu quả kinh tế cao nên anh đã cùng với gia đình chuyển đổi, thuê thêm hơn 5 mẫu đầm của các gia đình xung quanh để mở rộng diện tích. Đến nay, mô hình chăn nuôi của gia đình anh luôn duy trì gần 6 mẫu, trong đó có 4 mẫu đầm kết hợp giữa cấy lúa và nuôi cá thương phẩm, diện tích còn lại đào ao thả cá và xây dựng chuồng trại kiên cố, thoáng mát để nuôi vịt, gà, lợn. Tận dụng diện tích trên bờ ao, gia đình anh trồng nhiều loại cây ăn quả và cây cảnh, cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao. Nhờ phát triển mô hình chăn nuôi đúng hướng nên mỗi năm gia đình anh thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Khi được hỏi về kinh nghiệm thoát nghèo, anh Thùy không ngần ngại chia sẻ: Mô hình cấy lúa kết hợp với nuôi cá là hướng đi mang tính bền vững của các hộ nuôi trồng thủy sản vùng chiêm trũng trong xã. Xét trên nhiều phương diện thì lợi ích mang lại từ mô hình này đã giúp giảm sâu bệnh hại lúa, giảm lượng phân bón, thuốc trừ sâu độc hại cho môi trường, giảm chi phí thức ăn từ việc nuôi cá. Mô hình lúa - cá rất thích hợp với các chân ruộng trũng, khả năng tưới, tiêu kém, những khu vực có thể cấy lúa một vụ nhưng năng suất không cao. Lúa - cá có mối quan hệ cộng sinh với nhau, cùng trên thửa ruộng nhưng không có sự cạnh tranh về thức ăn, ngược lại có sự hỗ trợ lẫn nhau. Ruộng lúa cung cấp rơm rạ mục, thóc rụng, các loài sâu bọ làm thức ăn cho các loài cá nên người nông dân có thể tiết kiệm được chi phí thức ăn cho cá. Ngược lại, các loại chất thải của cá tích tụ có tác dụng làm phân bón, tăng độ mùn cho ruộng lúa, giảm chi phí làm đất. Kết quả cuối cùng là tăng lợi nhuận cho người nông dân. Từ kết quả thực tế cho thấy, lợi nhuận thu được từ mô hình lúa - cá lớn hơn nhiều so với cấy lúa đơn thuần.

Ông Vũ Trọng Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hòa khẳng định: Từ những lợi ích mà mô hình trên đem lại, trong thời gian tới cần chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả để nhân rộng mô hình lúa - cá cho hiệu quả kinh tế cao. Nhưng để mô hình thật sự hiệu quả cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành về việc chỉ đạo cũng như hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân.

Phạm Hưng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày