Thứ 7, 23/11/2024, 10:28[GMT+7]

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh - Người hiếm gặp

Thứ 3, 29/09/2015 | 08:42:06
2,430 lượt xem
Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Thanh đến với ngành Văn hóa rồi nghiên cứu văn hóa dân gian đầy nhọc nhằn, lặng lẽ. Cũng ít có người thời trai trẻ lại hai lần gia nhập quân ngũ ở bậc học phổ thông và hiếm có người ngay từ khi học phổ thông đã được kết nạp đảng như ông. Và, rất hiếm người vì ngại học ngoại ngữ ở trường đại học lại theo học ngành học “nửa nội ngữ, nửa ngoại ngữ” Hán Nôm đầy khó khăn, học chữ nào biết chữ ấy… như Nguyễn Thanh!

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh.

Ông sinh ra và lớn lên ở làng Ðộng Trung, xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương trong một gia đình nông dân nghèo. Ðang học dở học kỳ hai lớp 9 Trường cấp 3 Vũ Tiên, tháng 3/1967, ông tình nguyện gia nhập quân đội. Sau ba tháng huấn luyện, cậu học trò còm, cao lêu nghêu được quân đội cho xuất ngũ vì lý do sức khỏe. Về đến nhà thì đã vào kỳ nghỉ hè, khi vào năm học mới ông đã được nhà trường cho theo học ở lớp 10 cùng bè bạn. Những ngày rèn luyện trong quân ngũ cho ông thêm nghị lực phấn đấu. Ông được kết nạp Ðảng ngay trên ghế nhà trường. Vừa thi tốt nghiệp phổ thông xong được mấy ngày, ông lại gia nhập quân đội.

Sau ba tháng huấn luyện trong quân ngũ, ông được chọn vào lớp học lái xe. Tốt nghiệp trường lái, ông cùng đồng đội lái xe tải hàng hướng ra tiền tuyến. Giữa bom rơi, đạn nổ, ông lấy giấy bút, thay vì viết thư gửi về gia đình, ông ghi chép ngay những diễn biến ở mặt trận gửi về Báo Quân đội nhân dân. Những tấm gương chiến đấu anh dũng, hy sinh của chiến sĩ, thanh niên xung phong ở tuyến đường Trường Sơn đã được ông viết nhanh gửi về Báo Quân đội nhân dân và thường được chọn đăng ngay. Một đêm, trong ánh sáng của pháo sáng quân giặc, trong tiếng ầm ầm rung chuyển của bom Mỹ, nhớ quê hương, nhớ lớp học thân thương, nhớ thầy cô, ông viết thư gửi chuyên mục "Thư tiền tuyến" của Báo Quân đội nhân dân kể về bước trưởng thành của chính bản thân ông cùng các bạn đồng môn Trường cấp 3 Vũ Tiên, cũng như bao lớp thanh niên khác nơi chiến trường xa. Ông kể: Chiến tranh ác liệt, ông viết nhiều tin cho Báo Quân đội nhân dân và được báo trả nhuận bút. Tuy không nhiều, nhưng ông đề nghị báo gửi nhuận bút về địa chỉ ở quê cho bố. Ông viết thư về gia đình dặn dò: "Chiến trường ác liệt lắm, con không có điều kiện ghi thư về gia đình, chỉ có nhuận bút của báo gửi về, nếu lâu lâu không thấy có nhuận bút, có thể là con đã hy sinh…".

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng (bên trái) và Nguyễn Thanh (năm 1987).

Giữa năm 1972, ông được Báo Quân đội nhân dân cấp giấy chứng nhận thông tin viên, mấy tháng sau đó ông bị sốt và được chẩn đoán là viêm ruột thừa cấp, cận kề cái chết. Ông được phẫu thuật gấp tại quân y viện tiền phương. Sau phẫu thuật, ông vẫn sốt kéo dài và phải chuyển về quân y viện hậu phương, bị cắt bỏ một đoạn ruột hoại tử do dính ruột sau mổ. Sau đó, ông được an dưỡng cho đến năm 1974, xuất ngũ vì lý do sức khỏe. Ra quân, ông được vào học dự bị đại học và thi đỗ điểm cao vào Trường Ðại học Tổng hợp Hà Nội, được chọn đi học nước ngoài nhưng nghĩ đến cảnh bố mẹ đã già yếu, ông xin vào học chuyên ngành Hán Nôm của Trường. Năm 1979, ông tốt nghiệp đại học và được giữ lại làm giảng viên. Cũng như bao người từ chiến trường trở về, ông nặng gánh gia đình. Vợ ông ở quê với mấy sào ruộng khoán, phụng dưỡng bố mẹ già, một nách ba con nhỏ. Năm 1984, ông tình nguyện sang Campuchia làm chuyên gia giảng dạy tiếng Việt cho cán bộ trung, cao cấp của chính quyền nước bạn. Có điều ít ai biết, ông chấp nhận xa vợ con, gia đình, quê hương, đến đất nước chùa Tháp còn vương hậu quả diệt chủng, giúp bạn, nhưng cũng là để giữ nguyên lương của mình chuyển về cho vợ con! Hết thời hạn phục vụ nước bạn, ông trở về Trường và được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm bộ môn Hán Nôm.

Lúc này đất nước đang thời kỳ quá độ, đồng lương còm của ông không giúp thêm được mấy cho vợ con. Ðúng lúc, Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đặt vấn đề xin ông về. Bao đêm trăn trở, đắn đo, nhưng vì hoàn cảnh gia đình ông vẫn quyết xin về quê công tác. Với tâm tình của người thầy, cố Giáo sư Trần Quốc Vượng khuyên ông: "Văn hóa châu thổ Bắc Bộ, Thái Bình là trung tâm, đang như khu rừng nguyên sinh, chưa nhiều người khai phá. Anh hãy tìm một lối đi cho riêng mình, hợp với sở trường của mình. Có thể rồi anh sẽ có một sự nghiệp ở chính mảnh đất quê hương anh". Ông hăm hở về quê với hành trang là vốn tri thức về Hán Nôm cộng với kinh nghiệm giảng dạy ở trường đại học, ông được sắp xếp làm việc ở phòng nghiên cứu thuộc Sở Văn hóa - Thông tin Thái Bình.

Những tác phẩm tiêu biểu đã xuất bản của Nguyễn Thanh.

Hàng ngày, ở cơ quan, ông là cán bộ mẫn cán, sống khiêm nhường, không bon chen danh lợi. Ông đạp xe điền dã các miền quê trong tỉnh, thu thập tài liệu nghiên cứu lịch sử truyền thống và văn hóa dân gian. Một lần, ông đến Ðồng Xâm, theo lời chỉ bảo của cố Giáo sư Trần Văn Khê rằng ở đền Ðồng Xâm có tục Chầu Cử, tức là tục các đào nương giỏi nhất về hát chầu Thánh những ngày lễ hội. Ông hỏi các cụ cao tuổi, các cụ cũng không nắm được. May thay, ông thủ nhang đền Ðồng Xâm đưa cho Nguyễn Thanh cuốn sách cũ nát, nét chữ Hán và chữ Nôm viết tay rất đẹp, ông say sưa đọc. Hóa ra, đây là phần viết thần tích Triệu Úy Ðà và hoàng hậu Trinh Thị, đặc biệt, có 8 bài ca trù cực cổ. Ngoài ra, còn có các bài ca tế tổ sư văn, tế bà Trinh Thị… công lao của ông bỏ ra đã được đền đáp. Trong hội thảo quốc tế về ca trù, trước hàng trăm nhà nghiên cứu tên tuổi, Nguyễn Thanh đã trình bày bản tham luận dài 4 trang A4, trong đó có dịch các bài ca trù cổ nhất kèm cả bản gốc giới thiệu. Với những luận cứ khoa học, chặt chẽ, đầy sức thuyết phục, tham luận của ông được đánh giá cao và ông được các nhà nghiên cứu văn hóa quốc tế đánh giá là nhà nghiên cứu văn hóa uyên thâm và nghiêm cẩn!

Ði, đọc, suy ngẫm, Nguyễn Thanh đã viết nhiều cuốn sách với khối tư liệu thu thập khổng lồ cùng khổ công lao động miệt mài ngày tháng. Ðiển hình như: Kể chuyện Lê Quý Ðôn; Giai thoại văn chương Thái Bình; Nhận diện văn hóa làng; Lễ hội ở Thái Bình… Ngoài ra, ông còn tham gia viết khá nhiều kịch bản sử thi, kịch bản phim tài liệu lịch sử và soạn lời cho một số loại hình dân ca.

Một trong nhiều kỷ niệm chiến trường của Nguyễn Thanh.

Gặp ông, người quen biết ông có cảm nhận đằng sau cái dáng vẻ còm nhom, nụ cười hóm hỉnh của Nguyễn Thanh là cả một kho tàng kinh điển về văn hóa dân gian Thái Bình. Kể từ khi làm Trưởng phòng Nghiên cứu đến lúc đương nhiệm Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, ông đã tham mưu cho tỉnh tổ chức nhiều cuộc hội thảo với các nhà sử học đầu ngành, nghiên cứu, xuất bản nhiều công trình về lịch sử, văn hóa truyền thống, trong đó có những công trình phục vụ xác định Thái Bình là đất hưng nghiệp và phát tích của nhà Trần. Ông cũng là người thúc đẩy dự án xây dựng và mở rộng Khu lăng mộ các vị vua triều Trần ở xã Tiến Ðức, huyện Hưng Hà, tôn tạo lăng mộ Thái sư Trần Thủ Ðộ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung; tôn tạo ba ngôi mộ được xác định là mộ của Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông ở Thái Ðường - Tiến Ðức - Hưng Hà… Năm 2008, ông nghỉ hưu, vui thú điền viên ở quê - làng Ðộng Trung, xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương, sống một cuộc sống khiêm nhường, thanh thản và ông vẫn được mời dịch thuật, tham luận, điền dã và viết sách cho nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Quang Viện

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày