Chủ nhật, 17/11/2024, 04:41[GMT+7]

Chàng trai da cam và khát vọng làm giàu

Thứ 2, 08/08/2016 | 14:36:24
2,812 lượt xem
Tốt nghiệp khoa Trung văn, Trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội nhưng anh Nguyễn Trọng Bằng ở xã Đông La (Đông Hưng), nạn nhân bị ảnh hưởng gián tiếp bởi chất độc da cam không chọn con đường lập nghiệp từ nghề dạy học. Sau hơn 3 năm học tập tại nước ngoài, anh quyết định trở về quê hương mở xưởng may xuất khẩu Trọng Bằng, có doanh thu từ 1,2 - 1,3 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động.

Anh Nguyễn Trọng Bằng hướng dẫn kỹ thuật cho công nhân.

Bị khuyết tật bẩm sinh do ảnh hưởng của chất độc da cam song Nguyễn Trọng Bằng không mặc cảm, không đầu hàng số phận mà quyết tâm vượt lên. Anh luôn xác định mình phải học thật giỏi để có một nghề phù hợp với sức khỏe. Sau nhiều năm cần cù đèn sách, Nguyễn Trọng Bằng đã đỗ vào khoa Trung văn, Trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội. Lúc đó, cùng với niềm vui là những nỗi lo toan. Gia đình đông con, lại là anh cả nên sự chu cấp từ cha mẹ rất eo hẹp. Dù khuyết tật, sức khỏe yếu nhưng cậu sinh viên nghèo vẫn phải đi rửa xe, làm gia sư, bán hàng thuê để có thêm tiền trang trải cho việc học. Để nâng cao trình độ ngoại ngữ, Bằng phải giao tiếp với những người bạn Trung Quốc, từ đó cậu bén duyên với nghề may. Qua sự mách nối của bạn bè, đồng thời nhận thấy sự phát triển của ngành may trong tương lai, Bằng quyết định sang Trung Quốc học về công nghệ may với mục đích sau này lập nghiệp ở quê hương. Trở về nước, để có kinh nghiệm thực tế và nắm bắt nhu cầu thị trường, anh quyết định xin vào làm công nhân cho một công ty may xuất khẩu. Sau hai năm trải nghiệm, đến năm 2012, khi đã có chút kinh nghiệm, anh bắt đầu thực hiện ý định mở xưởng may xuất khẩu. Song việc lập nghiệp của chàng trai trẻ thời gian đầu gặp khá nhiều khó khăn do thiếu vốn, sức khỏe yếu, những cơn đau thường kéo đến mỗi khi trời đổi gió. Nhưng anh vẫn cố gắng xoay sở. Nhờ mối quan hệ tạo lập trong thời gian học tập và làm việc, anh được bạn bè cho vay vốn mua sắm trang thiết bị. Số tiền không đủ, anh vay thêm ngân hàng, mạnh dạn đầu tư máy móc tiên tiến nhập khẩu từ Đài Loan, Nhật Bản.

Nguyễn Trọng Bằng cho biết: Các đơn hàng xuất khẩu, đặc biệt là xuất đi các nước châu Âu, Mỹ rất khắt khe về chất lượng và yêu cầu cao về việc bảo đảm tiến độ, vì thế, nếu máy móc không được cải tiến, cập nhật thường xuyên sẽ khó tạo sức cạnh tranh. Vì vậy, ngoài việc đầu tư mua sắm các loại máy may công nghiệp, anh còn mày mò, sáng chế, cải tiến thiết bị nhằm tăng năng suất lao động, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Anh đã cải tiến lại cữ gá, một trong những khuôn dùng để trà cạp, nắp túi, chạy đỉa... để dễ thao tác, rút ngắn thời gian sản xuất, tăng năng suất lao động.

Dám nghĩ dám làm, chủ động tìm tòi trong sản xuất, xưởng may xuất khẩu của Bằng đã tìm được chỗ đứng trên thị trường. Hiện xưởng có doanh thu từ 1,2 - 1,3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 50 lao động với thu nhập trung bình từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng, trong đó có 28 lao động thường xuyên, còn lại là lao động thời vụ. Mỗi năm, trừ chi phí, anh thu về hơn 400 triệu đồng. Tuy nhiên, với Bằng, đây chỉ là thành công bước đầu. Chàng trai giàu nghị lực vẫn đang ấp ủ ước mơ có thể mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều người khuyết tật.

Ông Phan Thanh Tấn, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin xã Đông La cho biết: Sinh ra không may mắn do bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam song anh Bằng đã xóa bỏ mặc cảm, vươn lên làm chủ cuộc sống, tạo việc làm cho nhiều lao động. Bản thân là người sống giàu tình cảm, vì thế anh rất quan tâm đến đời sống của các hội viên. Hàng năm, vào dịp lễ, tết, anh đều trao tặng hàng chục suất quà cho nạn nhân chất độc da cam. Tuổi đời còn trẻ song anh chính là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó, vươn lên.

Hoàng Lanh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày