Thứ 4, 13/11/2024, 08:01[GMT+7]

Những cựu chiến binh tỏa sáng giữa đời thường

Thứ 6, 28/04/2017 | 18:33:55
3,751 lượt xem
Không chỉ kiên cường trong thời chiến, những cựu chiến binh (CCB) xã Điệp Nông, Dân Chủ (Hưng Hà) còn là những người tiên phong, gương mẫu giữa đời thường, đóng góp công sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng của cựu chiến binh Nguyễn Duy Bảy, xã Điệp Nông (Hưng Hà).

Anh dũng thời chiến  

Những người dân cao tuổi, những người lính tham gia cuộc đấu tranh giữ đất, giữ làng  khoảng những năm 1950 ở xã Điệp Nông (Hưng Hà) đều còn nhớ thời gian suốt tháng 4 và nửa đầu tháng 5/1950, quân địch ra sức quây càn, lùng bắt, tiêu diệt cán bộ, đảng viên và dân quân du kích. Địch còn rào bốt, lập tề hòng tiêu diệt lực lượng vũ trang địa phương. Trước tình hình đó, nhiệm vụ đặt ra ở Điệp Nông là phải tìm cách cô lập những tên phản động đầu sỏ, đồng thời chuẩn bị kế hoạch tiêu diệt các bốt, tề, nhất là vị trí tề Việt Yên -  vị trí hết sức quan trọng trong việc tạo điểm tựa cho giặc chế ngự và lập tháp canh hương đồn nối liền các thôn khác. Sau khi nhận được chỉ thị của cấp trên, tối ngày 19/6/1950, lực lượng cán bộ, đảng viên và dân quân du kích tiến hành bao vây, tiêu diệt tề Việt Yên theo đúng kế hoạch. Cuộc tấn công đã tiêu diệt toàn bộ ban tề Việt Yên, dân quân du kích đã phá bốt và giao lại cho nhân dân tiếp quản. Liền sau đó, dân quân du kích xã phối hợp tiêu diệt bọn phản động ở các thôn, xã khác. Chiến thắng liên tiếp đã phá vỡ thế kìm kẹp của địch với nhân dân, giải phóng nhiều thanh niên thoát khỏi sự kiểm tra, giám sát của địch, tạo cho nhân dân niềm phấn khởi, tin tưởng vào cuộc kháng chiến thắng lợi.

Đó chỉ là một trong nhiều chiến công của quân và dân xã Điệp Nông trong sự nghiệp kháng chiến giành độc lập tự do. Chỉ tính trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, xã Điệp Nông đã tiễn đưa hàng nghìn lượt người con lên đường ra tiền tuyến. Ngày đất nước toàn thắng, toàn xã có trên 300 liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và 20 Bà mẹ Việt  Nam anh hùng.

Vươn lên giữa đời thường

Giữa thời điểm giá lợn hơi “xuống dốc”, nhiều trang trại, gia trại bị phá sản nhưng gia trại của CCB Ngô Đức Quang, thôn Ngũ Đông vẫn duy trì nuôi 20 con lợi nái, 30 - 40 con lợn thịt. Ông Quang chia sẻ: Không thể kể hết được những khó khăn, thách thức về vốn, kinh nghiệm sản xuất, thị trường đầu ra… từ khi tôi “bén duyên” với nghề chăn nuôi. Hết nuôi gà, nuôi nhím, nuôi ếch Thái rồi đến nuôi lợn nái, lợn thịt. Trong trường hợp nào tôi cũng luôn tâm niệm mình là người lính, phải kiên trì tìm cách vượt qua khó khăn.

Ông Nguyễn Duy Hai, Chủ tịch Hội CCB xã cho biết: Truyền thống hào hùng của quê hương là niềm tự hào, là động lực để các CCB xã Điệp Nông luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững. Ban Chấp hành Hội cũng như mỗi cán bộ, hội viên đều nhận thức việc phát triển kinh tế là một trong các chương trình hành động quan trọng của Hội. Các hội viên luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào phát triển sản xuất. Nhiều hình thức phát triển kinh tế được triển khai và thực hiện hiệu quả như phát triển kinh doanh dịch vụ; phát triển trang trại, gia trại… 

Qua phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nhiều hội viên không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn hỗ trợ, giúp đỡ đồng đội và nhân dân cùng vươn lên làm giàu chính đáng. Điển hình như mô hình kinh tế VAC của CCB Ngô Đức Quang, Nguyễn Công Ngừng, thôn Ngũ Đông thu lãi trên 100 triệu đồng/năm; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng của CCB Nguyễn Duy Bảy, thôn Việt Yên 2 thường xuyên duy trì việc làm cho 15 - 17 lao động với mức thu nhập 3 - 5 triệu đồng/người/tháng, lợi nhuận mỗi năm 500 - 700 triệu đồng… 

CCB Nguyễn Duy Bảy tâm sự: Xuất ngũ năm 1983, bôn ba khắp nơi với đủ thứ nghề, gặp biết bao khó khăn nhưng với bản chất của người lính không cho phép chúng tôi chùn bước. Với suy nghĩ, đất nước ngày càng đổi mới, cuộc sống ngày càng được nâng cao thì nhu cầu về xây dựng nhà ở và các công trình sẽ cao. Do đó, tôi và gia đình quyết chí phát triển sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, không chỉ làm giàu cho mình mà còn góp phần nhỏ bé của mình cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhiều cựu chiến binh ở xã Điệp Nông đã vươn lên làm giàu.

Theo ông Bùi Kim Hoàng, Phó Chủ tịch Hội CCB xã: Để hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, Hội đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 182 thành viên vay vốn với tổng số tiền trên 3,2 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội còn động viên, khuyến khích các hội viên tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập. Thường xuyên phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật tiến bộ cho hội viên áp dụng vào thực tế sản xuất. 

Trong phong trào thi đua CCB chung tay xây dựng nông thôn mới, 100% hội viên hưởng ứng và tham gia tích cực. CCB toàn xã đã hiến và đóng góp trên 39.000m2 đất, hơn 7.200 ngày công, tháo dỡ trên 1.000m2 tường bao, cổng dậu… Tiêu biểu như hội viên chi hội CCB thôn Ngũ Đông đã vận động nhân dân quyên góp ủng hộ hiến đất, tháo dỡ tường bao, cổng dậu, tổ chức thi công, giám sát… làm 2 tuyến đường có chiều dài gần 1km trị giá hàng tỷ đồng khi chưa có hỗ trợ của Nhà nước. Những đóng góp của các CCB đã góp phần đưa Điệp Nông vinh dự là một trong những địa phương cán đích nông thôn mới sớm của huyện Hưng Hà.

Cũng chính vì vậy, 5 năm liền (2012 - 2016), Hội được công nhận danh hiệu trong sạch vững mạnh. Tỷ lệ hội viên  gương mẫu hàng năm đạt 99%, gia đình hội viên văn hóa đạt 98,5%; chi hội trong sạch vững mạnh đạt 100%; chi hội đạt xuất sắc 45 - 50%. Đây là kết quả đáng ghi nhận, là động lực để Hội CCB xã Điệp Nông tiếp tục đổi mới phương thức, nội dung hoạt động; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm thúc đẩy phong trào, nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng Hội ngày càng vững mạnh, xứng đáng với truyền thống quê hương, với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân địa phương.

*            *

 *

Ở xã Dân Chủ (Hưng Hà) mọi người đều biết đến ông Đinh Văn Sâm, một cựu chiến binh (CCB) làm kinh tế giỏi và là một giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp năng động.

Dáng người hoạt bát, khỏe mạnh, tiếp chúng tôi ngay tại ngôi nhà mà mọi người đang tập trung cân mua dưa chuột xuất khẩu cho nông dân, ông Sâm kể: Nhập ngũ năm 1979, khi chiến tranh biên giới phía Bắc đang diễn ra, tôi được điều về làm công tác thông tin tại Trung đoàn 772 F242 Đặc khu Quảng Ninh. Tháng 10/1983 xuất ngũ về địa phương, đến đầu năm 1984 tôi được địa phương tin tưởng giao làm thủ quỹ HTX DVNN xã Dân Chủ. Năm 1996 làm kế toán trưởng, đến năm 2001 - 2014 làm Phó Chủ nhiệm HTX rồi làm Giám đốc HTX SXKD DVNN cho đến nay. Là người lính Cụ Hồ, tôi luôn xác định dù làm công việc gì, ở vị trí nào cũng phải luôn nỗ lực phấn đấu làm thật tốt vai trò, nhiệm vụ của mình để xứng đáng với niềm tin của chính quyền và nhân dân địa phương.  

Hơn 30 năm gắn bó với công tác ở địa phương, gắn bó với đồng ruộng, với người nông dân cũng là khoảng thời gian ông Sâm tận tâm tận lực, trách nhiệm với công việc. Từ khi làm lãnh đạo HTX, ông cùng với Ban Chấp hành Đảng bộ, HĐND, UBND xã, các ngành, đoàn thể của địa phương lãnh đạo, chỉ đạo nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Ông cùng với Ban Giám đốc HTX vận động, khuyến khích nông dân các thôn thực hiện nghiêm túc, bảo đảm cơ cấu giống, thời vụ gieo cấy cũng như chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh cho cây trồng, phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi. Tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, giá trị cây trồng, vật nuôi.

Năm 2005, ông Sâm là một trong những người tiên phong cùng HTX tổ chức đưa cây ngô ngọt và dưa chuột xuất khẩu vào sản xuất tại địa phương, đồng thời đứng ra bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Tuy nhiên, sau đó việc bao tiêu sản phẩm của HTX không ổn định. Trước tình hình đó, với mong muốn giúp người nông dân yên tâm sản xuất, ông Sâm đã đứng ra nhận bao tiêu sản phẩm cho xã viên. Mỗi năm ông thu mua 2 vụ với các sản phẩm chủ yếu là bí, ngô ngọt, dưa chuột bao tử và trung tử. Riêng vụ đông năm 2016, ông thu mua của bà con nông dân hơn 300 tấn bí, 30 tấn ngô ngọt và khoảng 70 tấn dưa chuột. Từ đầu năm 2017 đến nay, gia đình ông đã thu mua hơn 70 tấn dưa chuột. Theo dự tính của ông, vụ xuân năm 2017 này gia đình ông sẽ thu mua cho nông dân khoảng 120 tấn dưa và 30 - 40 tấn ngô ngọt. 

Ông Phạm Văn Chế, thôn Đinh cho biết: Gia đình có 1,5 sào trồng cây màu. Từ năm 2007 đến nay, gia đình được ông Sâm bao tiêu sản phẩm nên rất yên tâm sản xuất vì vừa được hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật lại không phải lo đầu ra.

Không chỉ lo bao tiêu sản phẩm cho nông dân, vụ đông năm 2015, ông Sâm còn tiên phong trong việc đưa giống cây bí củ lạc về gieo trồng. Sau thắng lợi ban đầu, năm 2016, bà công nông dân trong xã tin tưởng làm theo. Toàn xã đã quy hoạch 75ha với khoảng 100 hộ trồng bí củ lạc. Riêng gia đình ông Sâm tiếp tục gieo trồng 15 mẫu bí củ lạc, giá trị đạt hơn 1,5 triệu đồng/sào trở lên. Bên cạnh đó, gia đình ông còn kinh doanh vật tư nông nghiệp, hỗ trợ nông dân theo phương thức trả chậm để người nông dân có điều kiện sản xuất. Ông còn luôn tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động, nhiều hộ dân trong thôn, xã được ông tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất và giúp đỡ về giống, vốn.  

Những nỗ lực giúp nông dân yên tâm lao động, sản xuất, nâng cao thu nhập của ông Đinh Văn Sâm đã khẳng định ý chí và bản chất của người lính Cụ Hồ dù ở chiến trường hay đời thường vẫn mãi tỏa sáng, trở thành tấm gương tiêu biểu cho thế hệ trẻ noi theo.


Ông Phạm Đức Loan, Chủ tịch Hội CCB xã Dân Chủ (Hưng Hà)

CCB Đinh Văn Sâm là Giám đốc HTX năng động, nhiệt tình. Không chỉ làm tốt vai trò quản lý, ông còn là người tiên phong trong việc đưa các giống cây, con mới về nuôi trồng; hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho nông dân áp dụng nhằm đạt hiệu quả cao trong sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều năm nay ông Sâm đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nông sản, mang lại thu nhập cao, ổn định cho nông dân. Ông còn tích cực trong các hoạt động của địa phương, là tấm gương sáng cho lớp trẻ noi theo.



Ông Đinh Khắc Diên, xã Dân Chủ (Hưng Hà)

Vụ xuân hè này gia đình trồng 2,5 sào dưa chuột. Đến nay, ông Sâm đã thu mua 4,5 tấn dưa của gia đình chúng tôi. Ước tính vụ này chúng tôi sẽ có khoảng 6 tấn dưa cần tiêu thụ. Hàng chục năm nay, ông Sâm đã thu mua sản phẩm nông sản của gia đình tôi cũng như của nhiều bà con nông dân trong xã với giá thành bảo đảm, ổn định. Ngoài ra còn hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ các khâu sản xuất. Nhờ vậy chúng tôi hoàn toàn yên tâm sản xuất để nâng cao thu nhập cho gia đình.



Mai Thư

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày