Thứ 4, 13/11/2024, 08:06[GMT+7]

Thổi hồn vào gỗ lũa

Thứ 2, 29/05/2017 | 09:32:38
5,335 lượt xem
Từ những khúc gỗ lũa thô kệch, với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo của mình, anh Nguyễn Gia Thành ở xã Đông La (Đông Hưng) đã tạo nên những tác phẩm sinh động, có “hồn”, mang lại giá trị kinh tế cao.

Một số sản phẩm của cơ sở gỗ lũa nghệ thuật Thành Long.

Nhìn dáng người, Nguyễn Gia Thành giống một người thợ cần cù hơn là ông chủ của một cơ sở sản xuất có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. 

“Cái nghiệp nó vận vào thân”, Thành tự lý giải như vậy cho bề ngoài cũng như cuộc đời gắn bó với gỗ lũa của mình. Anh kể, tuổi thơ của mình không phải là những trò đánh khăng, đánh đáo như chúng bạn mà suốt ngày kiếm đất sét hay khúc gỗ bỏ đi rồi hỳ hục nặn, đẽo cho ra hình, ra dáng. Ấy là niềm đam mê chẳng thể lý giải nổi. Tiếc rằng, khi lớn lên, theo ý bố mẹ, Thành theo học một ngành hoàn toàn khác rồi ra trường đi làm ở một công ty đóng tàu tại thành phố Hải Phòng. Nhưng đam mê khó bỏ, dù có công việc ổn định, thu nhập khá Thành vẫn xin học việc chế tác gỗ lũa tại một xưởng mộc. Sẵn có sự khéo tay, lại cần cù, ham học hỏi nên anh thành nghề nhanh hơn người khác. Chỉ một năm sau đã được nhận làm nghề ngay tại xưởng. Từ đây, ý nghĩ về quê lập nghiệp với niềm đam mê của mình càng thôi thúc anh. 

Được sự động viên của vợ, anh quyết định xin nghỉ việc để về quê mở xưởng chế tác gỗ lũa nghệ thuật. Đó là năm 2009. Niềm vui được sống bằng nghề chưa bao lâu lại phải đối mặt với bao khó khăn, thách thức. Không có vốn để mua máy móc, thiết bị, thuê nhân công nên không thể làm được sản phẩm cỡ lớn; thị trường tiêu thụ không nhiều vì khách hàng chưa biết đến sản phẩm. 

“Nhiều lúc nản chí thì vợ lại động viên. Cô ấy còn lao vào phụ tôi đánh ráp, đục, đẽo gỗ dù chân yếu tay mềm khiến tôi nghĩ mình không thể bỏ cuộc” - Thành chia sẻ. Vậy là hai vợ chồng cặm cụi làm việc rồi cố gắng nắm bắt thông tin, hễ ở đâu có hội chợ, triển lãm là lại đem sản phẩm đến giới thiệu với khách hàng. Với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, sản phẩm dần được biết đến. Thành cho biết: Gỗ lũa là phần gỗ cứng nhất của cây sau khi chết, nó có muôn hình vạn dạng. Người thợ tùy theo dáng hình của gỗ mà chế tác thành sản phẩm. Do đó, trí tưởng tượng là điều quan trọng nhất, từ gốc cây phải nhìn ra sản phẩm, từ đó mới đục, đẽo. Có khúc gỗ phức tạp, nghĩ mãi mà không ra, nửa đêm tôi còn ra ngắm nghía khiến vợ tưởng là mộng du. Thành luôn quan niệm sản phẩm mình làm ra cũng giống như một tác phẩm nghệ thuật, phải làm hết sức mình để tác phẩm không những đẹp mà còn có “hồn”. Chính vì vậy, nhiều lần khách hàng giục tiến độ nhưng không vì thế mà anh làm ẩu, làm cho xong. Bên cạnh đó, anh còn dành thời gian để đi nhiều nơi lựa chọn gỗ nguyên liệu vừa ý. 

Làm bằng cả sự đam mê và nhiệt huyết, anh và những người thợ của mình đã cho ra đời nhiều sản phẩm đẹp. Tiêu biểu như năm 2009, Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục bức tượng Bồ Đề Đạt Ma vi hành bằng gỗ nu gõ lớn nhất ở cơ sở của anh. Hay bộ bàn ghế lũa có tên Kỳ mộc trường tồn được anh và thợ chế tác một năm mới hoàn thành, được khách hàng tại Bắc Ninh mua với giá trên 1 tỷ đồng. Đam mê, sáng tạo và chăm chỉ là mấu chốt để Thành từng bước phát triển hoạt động kinh doanh của mình. 

Hiện anh là chủ cơ sở sản xuất gỗ lũa nghệ thuật Thành Long tại cụm công nghiệp Đông La, cạnh quốc lộ 10. Với quy mô nhà xưởng trên 3.000m2 đầy đủ máy móc, sản xuất nhiều mặt hàng gỗ lũa của các loại gỗ như gù hương, dổi, trắc… với nhiều loại sản phẩm như tượng tam đa, 12 con giáp...

Năm 2016, sản phẩm của anh được Tạp chí Công Thương chứng nhận: Đã được người tiêu dùng bình chọn là top 100 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ nổi tiếng tại Việt Nam năm 2016. Không dừng lại ở đó, Thành cho biết sẽ tiếp tục mua thêm máy móc, thuê thêm nhân công để mở rộng quy mô xưởng, làm ra nhiều sản phẩm chất lượng hơn nữa, góp phần quảng bá thương hiệu gỗ lũa Thái Bình ra các tỉnh bạn. Với Nguyễn Gia Thành, có lẽ thành công hiện tại mới chỉ là khởi đầu cho bước đường chinh phục niềm đam mê của mình.

Trung bình mỗi tháng cơ sở xuất bán 100 sản phẩm đi Thái Nguyên, Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc... Doanh thu hàng năm trên dưới 4 tỷ đồng, tạo việc làm cho 12 lao động thường xuyên với thu nhập từ 6 - 18 triệu đồng/người/tháng.

Tiến Quang 

(Đài TTTH Đông Hưng)


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày