Ông Thoàn bỏng - vẫn chữa bỏng
Nếu không nhìn bảng hiệu, chẳng ai nghĩ căn nhà nhỏ thôn Đồng Ấu, xã An Quý (Quỳnh Phụ) là một cơ sở chữa bỏng. 30 năm qua, nơi đây hàng ngày ríu rít tiếng cười con trẻ, mang lại niềm lạc quan, hy vọng cho bao người bệnh bởi sự ân cần, tận tâm của ông Thoàn “bỏng”.
“Lương y có tâm trong sáng và đôi bàn tay kỳ diệu”, đó là cảm nghĩ của chị Lê Thị Thu, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La khi nói về ông Đào Viết Thoàn. Cháu Vũ Thị Thu Thủy, 21 tuổi, con chị Thu mắc bệnh thiểu năng, cháu sơ ý bị bỏng dầu ăn. Gia đình đã đưa cháu điều trị tại bệnh viện tỉnh Sơn La, Viện Bỏng quốc gia hơn 1 tháng, đã cấy ghép da nhưng vết thương chưa lành và phải nằm một chỗ. Nghe người ta nhắc đến ông Thoàn “bỏng”, gia đình chị Thu đưa cháu lặn lội về Thái Bình với bao hy vọng. Chỉ sau 2 lần thay băng, đắp thuốc, điều kỳ lạ đã đến với cô bé Thu Thủy khi vết thương đã khô và em tự vịn vào mẹ đứng lên đi lại được. Không những chuyển biến về sức khỏe, tâm lý của cháu Thủy cũng rất tích cực khi hàng ngày nhận được sự quan tâm, động viên của lương y Đào Viết Thoàn. Khi đến ở và điều trị bệnh tại nhà ông Thoàn “bỏng”, những con người xa lạ có chung một nỗi đau bỗng trở nên thân thiết như người một gia đình.
Mang trong người thương tật từ chiến trường trở về, cựu chiến binh Đào Viết Thoàn thấu hiểu được nỗi đau của một người phải mang bệnh tật, vì vậy ông luôn mong muốn có thể mang lại sức khỏe cho mọi người. Những lúc khó khăn nhất, ông Thoàn lại gắng gượng vượt lên nỗi đau thương tật và hoàn cảnh bởi ông luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”. Khởi đầu chỉ có bài thuốc chữa bỏng được một nhà sư truyền lại cùng hai bàn tay trắng, qua thời gian tự nghiên cứu, bào chế thuốc, ông Thoàn đã tự chữa bệnh cho mình và cứu giúp những người xung quanh. Danh tiếng về ông Thoàn “bỏng” có tài chữa bệnh cứu người cứ thế mà lan truyền.
Với mong muốn giảm bớt nỗi đau và rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân, sau một thời gian dài tìm tòi, thử nghiệm từ những cây thuốc nam truyền thống như nghệ, lạc tiên, đu đủ… đề tài khoa học cấp Nhà nước công trình nghiên cứu bào chế mỡ sinh cơ chữa bỏng, vết thương, vết loét lâu liền của lương y Đào Viết Thoàn đã ra đời. Nhờ cải tiến phương pháp dùng gạc tẩm nước muối sinh lý kết hợp thuốc mỡ đắp lên vết thương nên mỗi lần thay băng không có hiện tượng bong tróc, vết thương nhanh tái tạo, mau lành, hạn chế cảm giác đau đớn của bệnh nhân. Chính những đột phá này đã mang đến niềm vui cho hàng nghìn người bệnh.
Nối tiếp thành công, lương y Đào Viết Thoàn lại bắt tay vào thực hiện nghiên cứu bào chế mỡ dưỡng da chữa sẹo, nám má, tàn nhang. Những công trình quan trọng này đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý, đưa tên tuổi của lương y Đào Viết Thoàn lên một tầm cao mới. Nhưng quan trọng hơn “đó như những động lực để một người lính Cụ Hồ, một lương y nông dân như tôi tiếp tục cống hiến, góp phần nhỏ bé của mình vào phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, xóa đói giảm nghèo, mong cho cộng đồng bớt khổ đau” như lời ông Thoàn tâm sự.
Lương y Đào Viết Thoàn điều trị vết thương cho bệnh nhân.
Để tạo thuận lợi cho người bệnh đến điều trị, căn phòng nhỏ cơi nới từ nhà ở cũng mới được ông đầu tư trên 1 tỷ đồng để cải tạo, xây dựng thành khu điều trị sắp được đưa vào sử dụng. Tuổi đã cao và sức khỏe hạn chế do mang trong mình nhiều thương tật, lương y Đào Viết Thoàn đang bồi dưỡng, truyền thụ những kinh nghiệm điều trị bỏng cho người con trai Đào Văn Hiếu, hiện công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh với mong muốn có thêm nhiều bệnh nhân được tiếp cận phương pháp chữa bỏng của ông.
Còn nhiều bệnh nhân đang chờ ông điều trị, chúng tôi chia tay cựu chiến binh, Anh hùng Lao động, lương y Đào Viết Thoàn khi chưa nghe hết tâm sự về những dự định cống hiến cho cộng đồng mà ông ấp ủ. Vị lương y già lạc quan: Tôi còn sức khỏe còn cống hiến cho nhân dân. Và như vậy “Ông Thoàn bỏng - vẫn tiếp tục chữa bỏng”.
30 năm qua, lương y Đào Viết Thoàn đã cứu chữa khỏi bệnh cho hơn 27.000 người bị thương, bị bỏng trên khắp mọi miền của Tổ quốc; miễn tiền thuốc, tiền công khám bệnh cho người nghèo, các cháu nhỏ, người có công với số tiền 6,7 tỷ đồng. Ông còn đóng góp 250 triệu đồng xây dựng nông thôn mới ở địa phương; tích cực tham gia cuộc vận động xóa đói giảm nghèo, xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trên 20 triệu đồng/năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, lương y Đào Viết Thoàn đã miễn công khám chữa bệnh cho người nghèo với số tiền lên tới hơn 200 triệu đồng. |
Minh Hưng
Tin cùng chuyên mục
- Ông Chọn say mê làm việc thiện 15.05.2024 | 08:42 AM
- Nghị lực vươn lên của cô gái một chân 24.08.2023 | 09:38 AM
- Người thương binh hơn 30 năm canh giấc ngủ cho đồng đội 20.07.2023 | 09:14 AM
- Những người “làm dâu trăm họ” ngành y 30.06.2023 | 10:09 AM
- Người truyền lửa đam mê phong trào bóng bàn 05.06.2023 | 10:52 AM
- Hai thầy giáo trao trả hơn 10 triệu đồng và 5.000 yên Nhật cho người đánh rơi 08.11.2022 | 02:28 AM
- Nỗ lực vì sức khỏe người dân 25.04.2022 | 15:01 PM
- Thành viên tổ công tác liên ngành chốt kiểm soát dịch Covid-19 nhặt được của rơi trả lại người mất 15.09.2021 | 23:48 PM
- Biến ruộng thành ao, thu tiền tỷ 13.09.2021 | 08:29 AM
- Vươn lên từ vùng đất trũng 19.07.2021 | 09:46 AM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn
- Công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác cán bộ
- UBND tỉnh họp nghe và cho ý kiến một số nội dung quan trọng
- Quốc hội bắt đầu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn
- UBND tỉnh: Nghe báo cáo tiến độ một số công trình, dự án trọng điểm
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết và các dự án luật
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất và kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026
Ng.thanh hoa - 7 năm trước